GDP năm 2018 cao nhất trong 11 năm qua, phụ thuộc vào FDI có thật sự tốt?

Kinh tếThứ Sáu, 04/01/2019 08:41:00 +07:00

Chuyên gia cho rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2018 của Việt Nam đạt mức 7,08% là mức tăng trưởng vượt bậc so với các năm trước, nhưng đằng sau con số này là dấu ấn bao trùm của khối ngoại.

Trước sự tăng trưởng kỷ lục của GDP, trả lời VTC News, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng, nền kinh tế Việt Nam năm 2018 đã không còn phụ thuộc vào việc tăng trưởng nóng tín dụng và đầu tư công để đẩy GDP như thời kỳ trước. Đó là một tín hiệu tích cực của nền kinh tế trước thềm năm mới 2019.

- Thưa ông, GDP của Việt Nam năm 2018 đạt mức kỷ lục, ước đạt 7,08% cao hơn mục tiêu 6,7% đề ra và cũng cao hơn mọi dự báo, ông có bình luận gì về con số này?

Nếu quan sát diễn biến các năm, nhiều người sẽ thấy năm 2018 nó không có gì đặc biệt mà GDP lại tăng nhiều như vậy, điều này khá ngạc nhiên. Nhưng nên nhớ lại 2017, tình hình cũng không có gì đặc biệt, GDP cũng tăng đột biến so với 2016.

Trước đây, chúng ta quen với việc GDP tăng là do Nhà nước đẩy mạnh đầu tư công, các ngân hàng tăng trưởng tín dụng mạnh nhằm bơm đẩy GDP tăng. Nhưng 2017 thì tín dụng chỉ tăng khoảng 17%, thấp hơn các năm trước, đến 2018 thì tín dụng cũng chỉ tăng 13%, thấp hơn cả 2017. Về đầu tư công, 2017 và 2018 cũng không đẩy mạnh, thậm chí còn giảm hơn so với các năm trước. Đây là hai yếu tố quan trọng trong việc tăng trưởng GDP thì 2 năm GDP phát triển mạnh (2017-2018) lại không có.

gdp1 copy 5

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế độc lập.

Năm 2017 và 2018 là sự tiếp diễn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng rất mạnh. Có thể thấy gốc của tăng trưởng GDP nêu trên có sự góp phần rất lớn của FDI. Đây là dự báo tốt cho nước ta, một tín hiệu rất tích cực khi tốc độ tăng trưởng mạnh nhưng không phải dựa vào tăng trưởng tín dụng.

- Vậy điều này có phản ánh đúng thực tế nền kinh tế Việt Nam khi con số GDP của năm 2017 và cả năm 2018 vẫn phụ thuộc vào khối ngoại (FDI)?

GDP trên đang phản ánh đúng thực tế. Còn về bản chất theo tôi đây là điều tích cực hơn so với những năm trước. Bởi vì chúng ta nói FDI là vẫn phụ thuộc nước ngoài vào, nhưng phải nhìn nhận nó chính là sản xuất kinh doanh và FDI vào thì giúp kinh tế nước ta đẩy mạnh xuất khẩu, cán cân thanh toán không bị âm như các năm trước và có thặng dư ngoại tệ xuất nhập khẩu.

Trước đây, nền kinh tế nước ta dựa vào đầu tư lớn, vào bất động sản, chúng ta không cải tiến được năng lực sản xuất, xuất khẩu nhiều nên dẫn đến bị áp lực bởi cán cân thanh toán lúc nào cũng bị âm, từ đó áp lên tỷ giá. Năm nay, FDI giúp chúng ta không phải đẩy mạnh vốn vay nhiều, không bị áp lực lạm phát, không bị áp lực vào tỷ giá, đó là điều tích cực.

Ngoài ra, FDI còn tạo ra rất nhiều việc làm cho người lao động và chúng ta thật sự đang rất cần chuyển nhượng cơ cấu nông nghiệp qua công nghiệp. Ở điểm này trị giá FDI đang tạo ra rất nhiều việc làm cho nguời lao động, giúp giảm áp lực về thất nghiệp.

- Nhưng tăng trưởng GDP của Việt Nam phụ thuộc khối các doanh nghiệp nước ngoài (FDI). Cụ thể, năm 2018, trong 220 tỷ USD GDP thì có 60 tỷ USD của Samsung?

Như chúng ta thấy, GDP năm nay và năm ngoái có sự đóng góp rất lớn từ FDI mà Samsung là điển hình. Và như tôi đã nói, không thể nào một sớm một chiều mà doanh nghiệp trong nước đột nhiên đột phá lên được.

1_18498 6

 

Nền kinh tế quốc gia muốn thực sự mạnh bền vững phải cần có những công ty nội địa mạnh, có năng lực sản xuất kinh doanh đủ sức cạnh tranh thế giới. 

TS Đinh Thế Hiển 

Chúng ta phải nhìn nhận khách quan, đó là chúng ta giảm được thâm dụng vốn đầu tư công, giảm được việc bơm tín dụng cao cho doanh nghiệp, rồi đầu tư tràn lan... mới duy trì được GDP, thì năm nay chúng ta không bị những áp lực đó. Năm nay tín dụng không tăng mà chúng ta vẫn duy trì được GDP tốt thì đó đã là thành công.

Còn bản chất GDP tăng trưởng nhờ Samsung, đầu tư công, hay những doanh nghiệp thâm dụng vốn thì tôi cho rằng FDI (tức tăng trưởng từ sản xuất) là tốt hơn. Bởi so với việc tăng trưởng nóng về tín dụng về đầu tư công thì doanh nghiệp sản xuất FDI tạo được nhiều việc làm. Việc làm giúp cho người lao động có tiền lương và tiền lương thông qua tiêu xài thấm thấu vào kinh tế tiêu dùng.

- Đầu tư công tràn lan và tăng cung tiền bơm vào lĩnh vực bất động sản đã để lại những hậu quả nặng nề cho nền kinh tế suốt thời gian dài?

Trước đây, có những giai đoạn đầu tư công tràn làn như đầu tư vào các dự án bất động sản rất lớn, điều này cũng giúp GDP tăng, nhưng nhìn nhận khách quan điều này không phải là tín hiệu tốt. Bởi nhìn lại, những đầu tư đó đã để lại hậu quả nặng nề. Đó là những con đường bỏ đi, những nhà máy đóng cửa "chết" trong khi công nhân vẫn không có việc làm, nợ ngân hàng lại tăng lên... đó mới là điều tăng trưởng không tích cực ở những năm trước.

Chuyển dịch từ các doanh nghiệp thâm dụng vốn, vay vốn lớn, những công ty đại gia, những công ty sân sau để tạo ra những dự án đầu tư lớn đồ sộ như các năm trước, thì giờ từ đó để chuyển giao thành các doanh nghiệp kinh doanh thật đi vào hàng hoá thật, cạnh tranh thật.

- Nếu nền kinh tế chỉ dựa chủ yếu trên FDI mà không có những doanh nghiệp nội địa mạnh thì sẽ không bền vững?

Rất đúng, nền kinh tế quốc gia muốn thực sự mạnh bền vững phải cần có những công ty nội địa mạnh, có năng lực sản xuất kinh doanh đủ sức cạnh tranh thế giới. Tuy nhiên, điều đó không làm giảm vai trò FDI của năm nay.

Nếu FDI không tăng mạnh trong các năm 2016 - 2017 - 2018 thì nền kinh tế sẽ rất khó khăn; còn nếu dựa vào đầu tư công tràn lan và doanh nghiệp khủng sân sau, đại gia ngân hàng như các năm trước 2015 thì hậu quả còn tai hại hơn.

gdp 3

Nền kinh tế quốc gia muốn thực sự mạnh bền vững phải cần có những công ty nội địa mạnh.

Chúng ta ca ngợi Thâm Quyến (nói riêng) và sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc trong các năm qua; sự phát triển đó nhờ xuất phát từ FDI vào rất mạnh; bây giờ Việt Nam đang có cơ hội rất lớn về FDI tử tế đổ vào là tốt, không nên lo ngại, tất nhiên FDI xấu thì phải dứt khoát ngăn chặn.

Cái lo ngại về FDI không phải từ chính họ, mà từ các quan chức lãnh đạo thiếu trách nhiệm về đầu tư - môi trường của chúng ta không làm tròn trách nhiệm, để cho phép - làm ngơ các FDI đầu tư nhà máy tổn hại môi trường như Formosa, như nhà máy giấy Hậu Giang, như nhóm nhiệt điện than ở Bình thuận. Do vậy, phải dứt khoát lưu ý và xử lý nghiêm ngặt vấn đề này.

- Quay về thực tại doanh nghiệp trong nước, với hơn 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì làm cách nào để doanh nghiệp chúng ta cải thiện được năng lực sản xuất và lớn mạnh, thưa ông?

Để có những doanh nghiệp trong nước mà chúng ta kỳ vọng, chúng ta cần ít nhất 5 năm. Chúng ta nên kỳ vọng vào những doanh nghiệp vừa, những doanh nghiệp này có những người đứng đầu rất giỏi, tuy nhiên trước đến nay đang bị đè nén bởi những doanh nghiệp lớn, những công ty nhà nước thuộc về độc quyền, những doanh nghiệp sân sau, và vốn ngân hàng chỉ ưu tiên dành cho những công ty đó.

Vì vậy, những doanh nghiệp vừa, dù họ có năng lực, có dự án tốt nhưng không dễ gì vay vốn và không thể cạnh tranh khi những doanh nghiệp kia có tính độc quyền tương đối.

Còn muốn doanh nghiệp nội địa phát triển thì cần thời gian; không thể nôn nóng rồi chọn vài công ty lớn để đẩy mạnh ưu đãi đầu tư mang tiếng sản xuất hàng Việt nhưng thực chất chỉ là lắp ráp. Điều quan trọng là tạo ra môi trường thông thoáng, công bằng cho mọi doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) cạnh tranh phát triển. Điều này cần từ 3 - 5 năm mới ra kết quả...

- Có thể thấy dòng chảy đầu tư FDI tiếp tục đổ về Việt Nam một cách nhanh chóng và mạnh mẽ hơn, như vậy kinh tế Việt Nam năm 2019 có tốt hơn 2018?

Chắc chắn là tốt hơn vì FDI tiếp tục vào Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài đã nhận thấy rõ hơn cơ hội tại thị trường Việt Nam. Mặt khác tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng góp phần dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc qua Việt Nam.

Những doanh nghiệp SME cũng có thị trường tiêu dùng nhiều hơn từ hiệu ứng này; nông thủy sản cũng tốt hơn. Tóm lại kinh tế sản xuất tiêu dùng nền tảng sẽ tốt hơn trong năm 2019. Ngoài ra, CPI và tỷ giá cũng khá ổn định, việc làm của người lao động tăng qua đó nông thôn cũng tiêu thụ nông sản thực phẩm tốt hơn. Duy chỉ có nhóm đầu tư tài chính sẽ gặp nhiều vướng mắc do các dự án đầu tư bị đình trệ, xử lý....

Trong khi đó chính phủ Việt Nam đang tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, nhiều chính sách mở cửa hội nhập sâu rộng tạo thêm cơ hội rõ nét cho dòng vốn FDI. Ở đây các doanh nghiệp trong nước cũng nên nhìn nhận đó là cơ hội trên sân nhà để hợp tác làm ăn và cải tiến năng lực sản xuất.

- Xin cảm ơn ông!

Tuệ Lâm - Đình Dân
Bình luận
vtcnews.vn