GDP 9 tháng năm 2019 tăng cao nhất gần thập kỷ

Kinh tếThứ Bảy, 28/09/2019 11:50:00 +07:00

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng đầu năm 2019 ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm gần đây.

Tổng Cục Thống kê vừa công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2019.

Trong quý III, GDP tăng trưởng 7,31% so với cùng kỳ, mức cao thứ hai trong 8 năm qua, chỉ thấp hơn năm 2017. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,53%; công nghiệp, xây dựng tăng 10,05%; dịch vụ tăng 7,11%.

Lũy kế 9 tháng, GDP tăng 6,98% so với cùng kỳ 2018. Đây là tốc độ tăng GDP sau 9 tháng cao nhất tính từ năm 2011. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,02%; công nghiệp, xây dựng tăng 9,36%; dịch vụ tăng 6,85%.

GDP

 Ảnh minh họa.

Trong tháng 9, ước tính xuất siêu 0,5 tỷ USD. Tính chung 9  tháng  năm  2019,  xuất siêu khoảng 5,9 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 25,3 tỷ USD.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9/2019 ước tính đạt 23,0 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 194,30 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018.

9 tháng qua, cả nước có gần 103.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.290,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% về số doanh nghiệp và tăng 34% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ đầu năm đến 20/9/2019, có 2.759 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 10.973,4 triệu USD.

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2019 ước tính đạt 1.028,7 nghìn tỷ đồng, bằng 72,9% dự toán năm.

Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,5%. Đây là mức tăng bình quân 9 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, EU và Trung Quốc với kim ngạch lần lượt đạt 44,9 tỷ USD, 31,1 tỷ USD, 27,8 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu vào Mỹ tăng 28,2% còn xuất khẩu vào EU và Trung Quốc giảm 0,7% và 3,8%.

Ở chiều ngược lại, 3 thị trường Việt Nam nhập khẩu hàng hóa nhiều nhất là Trung Quốc (55,5 tỷ USD), Hàn Quốc (35,4 tỷ USD) và ASEAN (24,1 tỷ USD). Kim ngạch nhập khẩu từ 3 thị trường trên đều tăng so với cùng kỳ. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng cao nhất, ở mức 17,3%.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê cũng đã nhắc đến bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng; Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường; Căng thẳng địa chính trị leo thang ở Vịnh Ba Tư; Thương mại và đầu tư thế giới giảm. Chính vì vậy, những chỉ số nói trên chứng tỏ kinh tế vĩ mô trong nước vẫn ổn định.

Lê Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn