Gây tai nạn rồi cố ý cán chết người: Vì sao án lệ chỉ 13,5 năm mà không phải tử hình?

Pháp đìnhThứ Sáu, 20/03/2020 16:43:58 +07:00
(VTC News) -

Luật sư đưa ra quan điểm về vụ lái xe gây tai nạn rồi cố tình cán chết nạn nhân được chọn làm án lệ nhưng tài xế chỉ bị tuyên 13,5 năm tù mà không phải tử hình.

Mới đây, TAND tối cao công bố nội dung vụ án lái xe tải tông trúng một nam sinh (Hà Tĩnh) rồi tiếp tục cho xe cán qua khiến nạn nhân chết tại chỗ làm án lệ để các tòa án áp dụng khi xét xử.

VTC News có cuộc trò chuyện với luật sư Phan Văn Chiều (Giám đốc công ty Luật TNHH Hà Châu, Đoàn luật sư TP Hà Tĩnh) để làm rõ hơn vấn đề này.

Gây tai nạn rồi cố ý cán chết người: Vì sao án lệ chỉ 13,5 năm mà không phải tử hình? - 1

Công an huyện Kỳ Anh dựng lại hiện trường vụ án tài xế xe tải cán chết nam sinh.

 

- Trong vụ án ở Hà Tĩnh, tài xế bị truy tố về tội giết người với động cơ đê hèn. Tuy nhiên, bản án của TAND cấp cao tại Hà Nội chỉ tuyên phạt bị cáo 13 năm 6 tháng tù về tội giết người. Như vậy có quá nhẹ, thưa ông?

Căn cứ theo Điều 45 Bộ luật Hình sự 1999, khi quyết định hình phạt, tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của việc phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Theo nội dung bản án của TAND cấp cao tại Hà Nội, Tòa án áp dụng điểm q khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự 1999 với tính tiết định khung phạm tội có tính chất đê hèn.

Tại khung Điều luật này, hành vi phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Như vậy, mức án 13 năm 6 tháng tù Tòa án cấp cao tại Hà Nội tuyên đối với với bị cáo nằm trong khung hình phạt được pháp luật quy định.

Quan điểm cho rằng nhẹ hay không, xét dưới góc độ chuyên môn cần phải tiếp cận hồ sơ vụ án mới đánh giá một cách đầy đủ, khách quan các tình tiết, tài liệu, chứng cứ có trong vụ án làm rõ tính chất, mức độ nguy hiểm của bị cáo, nhân thân bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Với một vụ án gây dư luận xã hội như trên, khi quyết định hình phạt đối với bị cáo thì tòa án các cấp rất thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng để quyết định hình phạt tương xứng với hành vi bị cáo gây ra.

- Nhiều người cho rằng hành vi cố ý cán chết nạn nhân sau tai nạn của tài xế thể hiện sự "máu lạnh", "dã thú" và cần phải tuyên tử hình để răn đe các trường hợp khác?

Gây tai nạn rồi cố ý cán chết người: Vì sao án lệ chỉ 13,5 năm mà không phải tử hình? - 2

90371992_290162061949853_9193507827870597120_n.jpg

Xét dưới góc độ pháp lý, hành vi của bị cáo trong vụ án này có thể bị tuyên phạt với mức hình phạt tử hình.

Luật sư Phan Văn Chiều

Xét dưới góc độ pháp lý, hành vi của bị cáo trong vụ án này có thể bị tuyên phạt với mức hình phạt tử hình.

Bởi lẽ, hành vi của bị cáo phạm vào khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự 1999 với khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Tòa án hoàn toàn có thể áp dụng một trong các mức hình phạt nằm trong khung quy định này, trong đó có mức hình phạt tử hình.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng như nội dung tôi đã phân tích trên đây thì khi quyết định hình phạt tòa án phải cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Như vậy, có áp dụng mức hình phạt tử hình hay không thì tòa án cũng phải đánh giá đầy đủ các căn cứ trên đây mới có thể quyết định được.

- Vụ án này được chọn là án lệ để tòa án áp dụng khi xét xử các vụ án tương tự. Như vậy, các tài xế gây tai nạn rồi cố tình quay lại cán chết cũng chỉ bị xử hình phạt 13,5 năm tù?

Như chúng ta đã biết thì vụ án trên đã được xác định là Án lệ số 30/2020/AL, được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 5/2/2020.

Đến thời điểm hiện nay, án lệ này đã có hiệu lực pháp luật và sẽ được xác định làm căn cứ nghiên cứu, áp dụng trong quá trình xét xử của tòa án.

Như vậy, cho dù có quan điểm như thế nào đi nữa thì án lệ này đã có hiệu lực pháp luật và sẽ áp dụng trên thực tế. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thì tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung của án lệ để làm rõ quan điểm của tòa án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự.

Như vậy, không đồng nghĩa là vụ án nào có tính chất tương tự thì đều phải áp dụng toàn bộ án lệ này để xét xử mà tùy vào từng trường hợp cụ thể để áp dụng một phần hay toàn bộ án lệ này, trong đó kể cả mức hình phạt.

Hơn nữa, mỗi vụ án sẽ có tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi của bị cáo khác nhau, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự sẽ khác khác nhau nên mức hình phạt không thể giống nhau được.

- Nếu tòa áp dụng hình phạt tử hình cho hành vi phạm tội này, liệu có thể áp dụng thành án lệ để răn đe, chấm dứt hành vi phạm tội đê hèn khiến dư luận phẫn nộ không, thưa ông?

Một vụ án được xem xét, quyết định trở thành án lệ hay không phải qua một quá trình đề xuất, lựa chọn và quyết định rất chặt chẽ trên cơ sở khoa học pháp lý, đánh giá thực tiễn cuộc sống…

Án lệ không phải chỉ mang ý nghĩa của việc răn đe, phòng ngừa tội phạm, còn làm căn cứ giải quyết các vụ án có tính chất tương tự trong việc xét xử một cách khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Việc áp dụng hình phạt tử hình cho hành vi phạm tội không phải là yếu tố vụ án được lựa chọn, phát triển thành án lệ. Và cũng không phải áp dụng hình phạt tử hình cho hành vi phạm tội mới có sức răn đe, chấm dứt hành vi phạm tội đê hèn.

Trên thực tế cho thấy, ngoài bản án của tòa án, nhà nước cần có những giải pháp khác cùng tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội nhằm phòng ngừa những vụ án tương tự.

Như vậy, không đồng nghĩa các vụ án có tính chất tương tự phải áp dụng toàn bộ án lệ này trong xét xử, tùy từng trường hợp cụ thể áp dụng một phần hay toàn bộ án lệ này, kể cả mức hình phạt.

Án lệ là gì?

Theo quy định tại Điều 1 của Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì án lệ được hiểu như sau:

Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

Việc áp dụng án lệ trong xét xử phải thực hiện đúng nguyên tắc được quy định tại Điều 8 của Nghị quyết nêu trên. Cụ thể, án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc được ghi trong quyết định công bố án lệ của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau.

Trường hợp áp dụng án lệ thì số bản án, quyết định của toà án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ phải được viện dẫn, phân tích, làm rõ trong bản án, quyết định của toà án; trường hợp không áp dụng án lệ thì phải phân tích, lập luận, nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của toà án.

 

 

Nội dung vụ án

Theo bản án, chiều 31/5/2016, tại xã Kỳ Tiến (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), tài xế xe tải Phan Đình Quân lái xe chuyển hướng rẽ phải vào đường liên xã không quan sát gây tai nạn cho em Hoàng Đức Phượng (học lớp 12) đang đi xe máy điện. Nạn nhân bị cuốn vào gầm xe tải.

 

Tài xế Quân nhảy xuống đi vòng ra sau xe quan sát. Thấy Phượng nằm bất động dưới bánh xe bên lái phụ, thay vì đưa em đi cấp cứu, Quân lên xe cài số lái xe cán qua nam sinh, khiến nạn nhân thiệt mạng tại chỗ.

 

Tòa án cấp cao tại Hà Nội sau đó tuyên bị cáo Phan Đình Quân 13 năm, 6 tháng tù về tội Giết người. Nhiều ý kiến cho rằng bản án này là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe để đưa làm án lệ.

Video: CSGT truy đuổi 80km để bắt tài xế gây tai nạn bỏ chạy

 

Xuân Trường - Phan Ấn
Bình luận
vtcnews.vn