Gay cấn 72 giờ cảnh sát biển Việt Nam truy lùng hải tặc

Thời sựChủ Nhật, 21/06/2015 12:15:00 +07:00

Phát hiện Cảnh sát biển Việt Nam truy đuổi, các nghi phạm cướp tàu chở xăng của Malaysia tẩu thoát trên chiếc xuống cứu sinh.

Phát hiện Cảnh sát biển Việt Nam truy đuổi, các nghi phạm cướp tàu chở xăng của Malaysia tẩu thoát trên chiếc xuống cứu sinh, họ tiến về đảo Thổ Chu trong thân phận người gặp nạn, cầu cứu.

Biên đội tàu CSB 2002, CSB 2004 thuộc Hải đội 401 – Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 (Kiên Giang) đưa 8 nghi phạm cướp tàu chở 6.000 tấn xăng của Malaysia cập cảng An Thới, huyện Phú Quốc, rạng sáng 20/6. Suốt 3 ngày quần thảo trên biển truy tìm nhóm cướp trong điều kiện sóng gió phức tạp, nhiều cán bộ chiến sĩ bơ phờ.
Một trong 8 nghi can cướp tàu Malaysia được Cảnh sát biển Việt Nam đưa vào đảo Thổ Chu. Ảnh: CSB 

Kể về hành trình bắt các nghi phạm, đại tá Lê Văn Minh - Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 - cho biết, ngày 13/6, Cảnh sát biển Việt Nam nhận được thông báo từ Trung tâm Điều phối cứu nạn hàng hải và thực thi pháp luật trên biển Malaysia. Họ cho biết tàu Orkim Harmony trọng tải 7.300 tấn, chở 6.000 tấn xăng không pha chì của Malaysia trên đường từ Singapore đến cảng Johor (Malaysia) bị mất liên lạc hai hôm trước, nghi bị cướp biển. Trên tàu có 22 thuyền viên.

Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam chỉ đạo các đơn vị và các tàu đang hoạt động trên biển rà soát thông tin liên quan. Đến 17h ngày 17/6, Cảnh sát biển Việt Nam nhận được thông báo từ phía Malaysia về hướng đi và vị trí tàu bị cướp đang ở vùng biển Tây Nam của Việt Nam.

Nghi phạm 61 tuổi được cho là cầm đầu nhóm cướp, nói được tiếng Anh, đang bị Cảnh sát biển Việt Nam lấy lời khai. Ảnh: Thanh Nghị 

Tàu tuần tra cao tốc CSB 2002 và 2004 của Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 nhận nhiệm vụ tìm kiếm. Thượng úy Đào Duy Thành, thuyền trưởng tàu CSB 2002 cho biết, 25 chiến sĩ với lương thực đủ hoạt động suốt một tháng, xuất phát ngay trong đêm. "Thời tiết rất xấu nhưng ai cũng quyết tâm phải hoàn thành nhiệm vụ với tổ quốc, với bạn bè quốc tế", thượng úy Thành chia sẻ.

Đến 3h30 ngày 18/6, Cảnh sát biển Việt Nam phát hiện tàu khả nghi bị cướp nên truy đuổi, lùng sục. "Đây là khu vực giáp ranh nên nhiều tàu quốc tế qua lại, nhiệm vụ đặc biệt khó khăn", thượng úy Đỗ Văn Toản (31 tuổi), thuyền trưởng tàu CSB 2004 cho biết.

Video: Tạm giữ 8 nghi can cướp biển trên đảo Thổ Chu


Hơn một ngày quần thảo, 18h ngày 18/6, phía Việt Nam tiếp tục nhận được thông tin vị trí tọa độ tàu mất tích cách đảo Thổ Chu của Việt Nam 23 hải lý về phía Tây Nam (thuộc vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam). Phía Malaysia cho biết đã điều một tàu Hải quân, một tàu Cảnh sát biển ra khu vực này và đàm phán qua radio với nhóm cướp trên tàu.

Sáng hôm sau, Cảnh sát biển Việt Nam hay tin các nghi phạm đã rời tàu bằng xuồng cứu sinh. Trước khi trốn chạy, chúng đã dùng sơn phủ số và ký hiệu xuồng cứu sinh nhằm qua mặt lực lượng truy lùng. "Trong hoàn cảnh sóng to gió lớn thời điểm đó, chúng tôi nhận định các tên cướp chỉ còn một đường là vào đảo Thổ Chu. Hai tàu tuần tra cao tốc tiếp tục truy lùng họ", thượng úy Toản nói.

Chiếc xuồng cứu sinh bị bọn chúng dùng sơn đen sơn phủ số và ký hiệu để thuận tiện trốn thoát. Ảnh: Thanh Nghị. 

Sáng 19/6, Đồn Biên phòng Thổ Chu thông báo phát hiện xuồng chở 8 người nước ngoài. Những người này cho biết bị nạn trên biển, xin vào đảo Thổ Chu. Nghi là xuồng của bọn cướp bỏ chạy, Cảnh sát biển đã cử lực lượng nghiệp vụ và phiên dịch về đảo phối hợp với Đồn Biên phòng lấy lời khai. Kết thúc hành trình 72 giờ truy lùng nhóm hải tặc.

Ban đầu, 8 người đàn ông nước ngoài này tỏ ra bình tĩnh, khăng khăng mình bị nạn. Tuy nhiên, họ không lý giải được nguồn gốc số ngoại tệ lớn và hàng chục điện thoại mang theo… Trước các bằng chứng từ phía Malaysia cung cấp, những người này bối rối nhưng tiếp tục không thừa nhận liên quan đến việc cướp tàu dầu.

"Các nghi phạm này rất ngông nghênh, không phối hợp. Chúng rất chuyên nghiệp và hết sức bình tĩnh", thượng úy Toản cho biết.

Theo Đại tá Minh, quá trình điều tra gặp khó khăn vì 8 nghi phạm này nói tiếng Indonesia, chỉ có tên cầm đầu Ruslan nói được ít tiếng Anh nhưng bất hợp tác. Tuy nhiên, thông tin phối hợp từ phía Việt Nam và Malaysia cho thấy 22 người trên tàu gặp nạn xác nhận 8 nghi phạm này đã cướp tàu, khống chế họ. Xuồng cao tốc mà chúng dùng để chạy thoát cũng có hồ sơ và thuộc sở hữu của tàu bị cướp.

Nhóm cướp biển đều mang quốc tịch Indonesia, gồm: Hendry A (39 tuổi), Ruslan (61 tuổi), Kurniawan (41 tuổi), Faoji (27 tuổi), Randi Andilya (19 tuổi), Anjas (27 tuổi), Jhon Danyel Despol (38 tuổi) và Abnet (28 tuổi). Trong đó, Ruslan được cho là kẻ giữ vai trò cầm đầu. Hiện, Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục đấu tranh và phối hợp với Cảnh sát biển Malaysia, Trung tâm chia sẻ thông tin chống cướp biển tại châu Á (Reecap) điều tra, xác minh làm rõ.

"Về mặt chứng cứ, chúng ta và phía Malaysia có đủ cơ sở đề buộc tội 8 nghi phạm. Hiện, Việt Nam hợp tác tốt với phía nước bạn để điều tra vụ cướp nguy hiểm này. Vấn đề là làm sao đấu tranh cho họ tâm phục khẩu phục", đại tá Minh nói.

Theo điều tra ban đầu, sau khi lên tàu, nhóm cướp đã khống chế các thuyền viên, bắn một người và đánh bị thương 11 thủy thủ khác. Trước khi rời tàu bọn chúng đã lấy tiền bạc và tài sản của họ. Toán cướp được trang bị súng ngắn, dao.

Nguồn: Vnexpress
Bình luận
vtcnews.vn