Gateway và các trường gắn mác quốc tế có thể bị xử lý hình sự

Giáo dụcThứ Sáu, 09/08/2019 14:40:00 +07:00

Luật sư cho rằng, những trường gắn mác quốc tế là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự.

Trong buổi họp báo về vụ học sinh trường Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) chết thương tâm vì bị bỏ quên trong xe ô tô đưa đón học sinh, ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng Phòng giáo dục quận Cầu Giấy cho biết, trên địa bàn quận không có trường “quốc tế” mà chỉ có các trường có yếu tố nước ngoài. Việc có thêm chữ quốc tế là cách trường tự gắn để thu hút học sinh.

Không chỉ Gateway mà rất nhiều trường ngoài công lập khác cũng vô tư gắn mác như vậy nhiều năm qua.

Ngày 8/9, trả lời VTC News liên quan đến vấn đề trên, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, trường quốc tế là trường học cung cấp nền tảng học vấn trong môi trường giáo dục quốc tế, thường áp dụng dạy các chương trình như Tú tài quốc tế, Edexcel, chương trình Cambridge quốc tế hoặc theo chương trình đặc thù của mỗi quốc gia khác với chương trình học của nước sở tại.

"Theo tôi biết có một số trường đáp ứng đủ điều kiện và có thể gọi là trường quốc tế tại Việt Nam", ông Bình nói.

db

 

Theo Điều 48 của Luật giáo dục hiện hành, các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân không có quy định nào về trường quốc tế, mà chỉ có ba loại hình là công lập, dân lập và tư thục.

Cụ thể, trường công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên. Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động.

Ttrường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí bằng vốn ngoài ngân sách.

Trong Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) cũng quy định 3 loại hình nhà trường tương tự như trên.

Theo luật sư Bình, hiện các trường mang danh quốc tế hầu như hoạt động dưới mô hình là các trường tư thục. Những trường này được gắn thêm tên chữ quốc tế do có yếu tố nước ngoài; thường là có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc liên kết đào tạo với nước ngoài.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục. Trong đó có quy định, tên các trường có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: "Trường", "Cấp học hoặc trình độ đào tạo" và tên riêng.

Tại các trường có vốn đầu tư nước ngoài, số lượng học sinh ở mỗi lớp không quá 30 học sinh; số lượng giáo viên ít nhất phải 1,5 giáo viên một lớp đối với trường tiểu học.

Bên cạnh đó, các trường phải đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất như: Tập trung tại một địa điểm, có môi trường tốt; diện tích mặt bằng bình quân ít nhất 6m2/học sinh; có sân chơi, bãi tập, khu để xe với diện tích ít nhất bằng 30% tổng diện tích mặt bằng của trường.

Như vậy, trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway cũng như nhiều trường quốc tế khác trên cả nước không hề được pháp luật công nhận là trường quốc tế. Từ "quốc tế" chỉ được gắn vào tên trường như một tên riêng, nhằm thu hút tuyển sinh và khẳng định đẳng cấp của trường.

truong-1757401

 Trường Gateway tự gắn mác quốc tế.

Luật sư cho rằng, các trường gắn mác "quốc tế" có hành vi quảng cáo không đúng sự thật, ghi tên trường không đúng giấy đăng ký vi phạm Điều 8, Luật quảng cáo 2012 quy định những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo.

Hiện nay, chế tài xử phạt đối với hành vi quảng cáo trên được quy định tại điểm b, khoản 5, điều 51 Nghị định 158/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Theo đó, người nào có hành vi quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.

Ngoài xử phạt hành chính theo quy định trên, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197, Tội "quảng cáo gian dối", Bộ luật hình sự hiện hành.

Nếu trước đó bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể chịu hình phạt bổ sung bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội, khái niệm trường quốc tế chưa có ranh giới rõ ràng. Muốn phân biệt trường quốc tế với các trường khác thì dựa theo chương trình giảng dạy và đối tượng học, vốn đầu tư.

Ở Hà Nội, một số trường quốc tế do cơ quan ngoại giao thành lập là trường Liên Hiệp Quốc UNIS, trường trung học Alexandre Yersin của Đại sứ quán Pháp, trường của Đại sứ quán Nhật, Hàn Quốc, Nga...

Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn