Garry Winogrand “Tôi nhiếp ảnh vỉa hè”

Tổng hợpThứ Tư, 23/06/2010 03:40:00 +07:00

Street Photography là loại hình nhiếp ảnh đã tồn tại ngay từ ngày đầu xuất hiện môn nhiếp ảnh, có lịch sử phát triển lâu dài và thu hút các nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Street Photography là loại hình nhiếp ảnh đã tồn tại ngay từ ngày đầu xuất hiện môn nhiếp ảnh, có lịch sử phát triển lâu dài và thu hút hầu hết các nghệ sĩ nhiếp ảnh danh tiếng nhất thế giới tham gia.

Một trong những bức ảnh của Garry Winogrand


Henri Cartier-Bresson, Robert Doisneau, Robert Frank, Diane Arbus, William Klein, Gary Winogrand là những tên tuổi quá vĩ đại trong loại hình nhiếp ảnh này. Chẳng hạn như Gary Winogrand, ngày nay ông được coi như một huyền thoại: ông từng cống hiến cả đời mình cho những bức ảnh chụp đời sống trên đường phố New York, đến mức mà công việc chụp ảnh đường phố trở thành nỗi ám ảnh của ông, lẽ sống của ông. Vào thời điểm ông qua đời, người ta tổng kết thấy ông để lại khoảng vài chục tấm ảnh hết sức nổi tiếng và hàng nghìn cuộn phim đã chụp nhưng không rửa.

Garry Winogrand (1928-1984) sinh ra tại thành phố New York. Ông là một nhiếp ảnh gia theo đuổi sự nghiệp trên đường phố, trong sự nghiệp của mình, ông đã 3 lần nhận giải thưởng Guggeheim Fellowship Award (1964, 1969 và 1979) và một giải National Endowment of the Arts năm 1979. Lần đầu tiên công chúng biết tới tên của ông là qua một buổi triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại (MOMA) ở New York năm 1963. Trong buổi triển lãm còn có sự góp mặt của Minor White, George Krause, Jerome Liebling và Ken Heyman. Năm 1966 Garry đã mở triển lãm ảnh ở Rochester, New York cùng với Lee Friedlander, Duane Michals, Bruce Davidson và Danny Lyon. Buổi triển lãm mang tên “Toward a social landscape”. Năm 1967 ông tham gia buổi triển lãm mang tên “New Documents” ở MOMA với Diane Arbus và Lee Friedlander.

Gary học hội họa ở City College, New York và sau đó tiếp tục học thêm nhiếp ảnh, hội họa ở Đại học Columbia, New York năm 1948. Ông cũng tham dự lớp học phóng viên ảnh do Alexey Brodovitch  tại New School for Social Research, New York năm 1951. Sau đó, ông bắt đầu dạy nhiếp ảnh tại Đại học Texas, Austin và Học viện nghệ thuật Chicago. Các bài giảng của ông đã gây ảnh hưởng sâu sắc tới các học trò và được ghi nhớ  cho đến tận ngày nay.


 

Phong cách nhiếp ảnh “vỉa hè” của Garry là do ảnh hưởng từ Walker Evans và Robert Frank cùng các tác phẩm của họ là “American Photographs” và “The Americans”. Henri Cartier-Bresson cũng là người có ảnh hưởng tới Garry mặc dù họ khác hẳn nhau về phong cách. Garry không bao giờ nhắm chọn những bức “ảnh đẹp”. Khả năng dự đoán trước diễn biến sự việc, thời điểm bấm máy chính là kỹ năng mà một tay nhiếp ảnh vỉa hè cần có, và Bresson là người tiên phong trong mảng nghệ thuật này.

Garry được biết tới nhờ các bức ảnh chụp bối cảnh xã hội Mỹ những năm 1960 và cũng là nhờ niềm đam mê của ông đối với vấn đề xã hội thời kỳ đó, với vai trò là kênh thông tin làm thay đổi cách nhìn nhận về xã hội cho quảng đại quần chúng.

Garry mất năm 1984 vì ung thư, hưởng thọ 56 tuổi, để lại hơn 300.000 bức hình, cả rửa rồi và chưa rửa. Một số bức ảnh trong số này đã được trưng bày trong một buổi triển lãm mang tên: “Winogrand, những mảnh ghép từ thế giới thực” tại MOMA.

Kẻ ám ảnh đi tìm triết lý riêng

Garry từng nói: “Nếu bước vào một ngôi nhà và nhìn thấy một bức ảnh gia đình treo trên tường, tôi sẽ làm mọi cách để thay đổi nó”. Thay đổi như thế nào? “…một thứ gì đó làm nảy sinh vấn đề, và tôi sẽ giải quyết nó theo cách của tôi”. Nghe điều này mọi người đã cho rằng Garry “có vấn đề”, một nhiếp ảnh gia với nỗi ám ảnh về những tác phẩm treo tường. Và sau đó ông tiết lộ rằng sẽ làm bức ảnh thay đổi bằng cách thay đổi ống kính ngắn, thay đổi nhân vật trên ghế ngồi. Garry luôn ưa thích những bức ảnh chụp ở khoảng cách xa, những bức ảnh ông chụp vào thập kỷ 60 phản ánh điều đó, đơn giản là vì “chụp khoảng cách gần quá dễ dàng”, và ông đòi hỏi thử thách và trải nghiệm mới.


 

Thời bấy giờ, chụp ảnh khoảng cách xa là điều không dễ dàng. Làm sao có thể lấy được chi tiết đối tượng neus như chụp tầm xa? Những chi tiết cần biểu đạt liệu có nhìn rõ hay bị các chi tiết phụ làm lu mờ? Garry đã đắm chìm vào câu hỏi này trong một thời gian dài. Cho đến khi ông chụp chụp được 2 bức ảnh trong một trận bóng đá năm 1953: trận đấu giữa New York giants và Cleverland Browns. Bức thứ nhất đơn giản cả về cách chụp và nội dung, tập trung vào trận đấu – cầu thủ đang giữ bóng và một cầu thủ khác đang kèm sát anh ta. Bức ảnh thứ 2 là một bức ảnh khá hiếm khi chụp từ đường biên và ghi nhận toàn bộ 22 cầu thủ đang có mặt trên sân lúc đó. Bức ảnh thứ 2 tập trung không phải vào một hình ảnh trên sân, không phải một pha bóng đối đầu của 2 cầu thủ, không phải một anh hùng trên sâ cỏ…mà cho người xem thấy một toàn cảnh của cuộc tranh bóng “bạo lực” và hỗn loạn. Vậy bạn đã thấy sự khác nhau giữa chụp tầm xa và chụp cận cảnh? Nếu bạn chưa hiểu, hãy để Garry giải thích cho bạn.

Đó là triết lý của Garry, chính điều này đã tạo nên chiều sâu cho mỗi bức ảnh của ông. Khi quan sát ảnh, ông đòi hỏi bản thân phải quan sát từ mọi góc độ, từ mọi khoảng cách và bắt đầu ý tưởng truyền tải vào trong tác phẩm.

Đương nhiên để có được những bức ảnh để đời, sự may mắn là cần thiết, chính ông cũng đã thổ lộ như vậy khi nói về 2 tác phẩm trên của mình. Đương nhiên không thể bắt toàn thể 20 cá nhân trên sân dừng lại để cho ông chụp hình, rồi tìm góc chụp khác và bấm máy. Với kỹ thuật chế tạo thời đó, sao chiếc máy ảnh có thể bắt kịp được tốc độ chuyển động của hơn 20 “khối cơ bắp” trẻ khỏe đang quần nhau mãnh liệt trên sân? Thời khắc là vấn đề may mắn của Garry, nhưng triết lý mà ông bỏ công tìm kiếm đã được khai quật, và nó cũng trở thành triết lý trong trong mỗi bức ảnh của ông sau này.

Garry Winogrand: “Nhiếp ảnh cần ngón tay nhanh và con mắt đời thường”

Nếu Friedlander là người đã tạo nền móng cho loại hình chụp ảnh biểu hiện và tài liệu, thì Garry tạo dựng nên truyền thống của các phóng viên ảnh hiện đại. Ông đã có bề dày kinh nghiệm làm việc dưới hình thức phóng viên ảnh tự do cho nhiều tờ báo và tạp chí như: Illustrated, Fortune, Look, Life, Carriers và Pageant. Theo thuật ngữ báo chí, những bức ảnh của Garry được gọi là một se-ri những bức ảnh “chớp nhoáng”, chúng mang cả hình ảnh và cảm xúc, sự cởi mở và cảm hứng tự phát, quả là những cú nháy chân thực. Chúng mang sức sống và cảm hứng từ chính con người. Tod Papageorge đã gọi chúng là “những câu chuyện phiếm, những câu nói đùa”. Những bức ảnh này luôn thu hút độc giả và khiến họ không thể rời mắt. Chúng không phải chỉ đơn thuần là những bức ảnh, chúng chứa đựng tính nhân văn sâu sắc, nếu ghép những bức ảnh đó vào hoàn toàn có thể tạo nên một câu chuyện: “Những bức ảnh biết nói”.


 

Đối với Garry, nhiếp ảnh vỉa hè đôi lúc cũng phải có chut tục tĩu, thô thiển, hài hước…đôi lúc khiến người xem có trải nghiệm không mấy dễ chịu. Garry muốn thể hiện một thế giới con người sinh động với đầy đủ những hoàn cảnh – cả nên và không nên nhắc tới – đó chính là phong cách của ông. Mọi thứ trên đường phố đều vào ống kính của ông: từ những con người khỏe mạnh, người ốm yếu, người hoàn thiện hay người khuyết tật, người bị bệnh hay không bị bệnh, con người trong trong thế giới động vật và động vật giữa thế giới con người…đều có trong những tấm hình của Garry. Ông luôn phóng đại những những đặc điểm nổi bật ở đối tượng chụp, có thể nói tuy phóng đại nhưng chưa chạm đến ngưỡng mà người ta gọi là “châm biếm”, rất chừng mực. Trong những bức ảnh của ông chứa đựng hình ảnh về cả một đất nước-con người: Đại lộ Madison, một người què quặt, một gã ăn mày, một bà già, một người nổi tiếng, một nghệ sỹ, khách du lịch, cảnh sát, thị trưởng, những bé gái, cô thư ký hoặc những người bán hàng rong…Hoàn toàn tạo nên một bối cảnh lịch sử từ chúng. Tuy rằng một số bức ảnh của ông chỉ là thể hiện thiên nhiên và cảnh vật vô tri, nhưng đối với Garry, không tồn tại một thế giới tách biệt, mọi thứ đều tồn tại trong một mối liên hệ vô hình. Thế giới qua con mắt của Garry là một thế giới đặt trong mối quan hệ xã hội.

Làm nhiếp ảnh gia, ai cũng có cái xu hướng riêng tạo nên phong cách, điều mà Garry luôn thể hiện trong những tác phẩm của mình là phép so sánh và kết luận. Ông có khả năng trời phú trong việc nhận biết những nét khác biệt, điểm tương đồng từ nhiều bối cảnh khác nhau, các mối quan hệ và những cử chỉ khác nhau. Sự liên tưởng đặt trong mối quan hệ của ông khiến những bức ảnh có chiều sâu: một cái nhìn, một cử chỉ có thể dẫn tới cái nhìn và cử chỉ đáp lại từ nhiều hướng, và Garry đã nhận ra điều đó. Có lẽ chưa một tay nhiếp ảnh nào lại chọn cho mình những đề tài “tầm thường” ấy, nhưng Garry đã chọn, và ông không thất bại. Ông đã tự trui rèn bản thân và cả đối tượng đam mê nhiếp ảnh một thế hệ nghệ thuật nhiếp ảnh mới mẻ, cho họ thấy được sự liên kết và đồng quan giữa trong một thế giới nhìn như có vẻ tách biệt. Khi đã thành công, Garry để lại cho chúng ta những bức ảnh trong đó truyền đạt lại tất cả những hiểu biết của ông - cả về nghệ thuật và lịch sử.


Khánh Duy

Bình luận
vtcnews.vn