Gặp “Thủ lĩnh” chiến dịch di tản lao động VN ở Libya

Thời sựThứ Bảy, 12/03/2011 12:09:00 +07:00

(VTC News) - Gay cấn và đầy cảm xúc, khi được sống lại hành trình giải cứu hàng vạn con người qua lời kể của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng.

(VTC News) – Sáng 9/3, chuyến bay cuối cùng đưa 209 lao động Việt Nam từ Libya trở về đã đáp xuống sân bay Nội Bài trong niềm hân hoan vỡ òa trên khắp dải đất hình chữ S. Càng gay cấn và đầy cảm xúc hơn nữa, khi được sống lại hành trình giải cứu hàng vạn con người qua lời kể của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng - vị “thủ lĩnh” của chiến dịch. 

Cầu hàng không lớn nhất trong lịch sử

Chiều thứ 6 ngày 25/2, một ngày sau khi trở về từ Hội chợ châu Á 2011 tại Bỉ, tôi được tin Chính phủ họp quyết định thành lập ngay Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi. Sáng thứ 7 thì Ban chỉ đạo được thành lập dưới sự chỉ đạo của Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm cùng một số đồng chí thuộc các bộ ngành liên quan. Ngay hôm đó, Ban chỉ đạo quyết định cử một đoàn công tác ra “tiền phương” do một thứ trưởng Bộ Ngoại giao chủ trì. Vậy là chúng tôi nhận quyết định và chuẩn bị ngay cho chuyến đi. 


Libya là nước đang có biến động chính trị phức tạp bậc nhất so với các nước khác trong khu vực, số người hiện tại đã chết lên tới cả ngàn người. Trong khi đó, thời gian gần đây, Libya lại là thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam, với hàng vạn người đang làm việc tại đó.

Bản đồ hình dung "hành trình Libya"

Trước đó, ngay khi biến động chính trị ở Tunisia nổ ra, chúng ta đã chủ động nhìn nhận và đánh giá diễn biến tình hình để chuẩn bị trước các phương án. Tuy nhiên, số lao động của ta tại đây rất ít, chỉ có một số anh em làm việc trong lĩnh vực dầu khí. Chính biến ở Tunisia lại diễn ra rất nhanh, chỉ mấy ngày sau là chính quyền sụp đổ, tổng thống bỏ chạy. Đến giờ phút này, dù tình hình chưa thực sự ổn định nhưng cũng không ảnh hưởng tới công việc hay các dự án. Còn tại Ai Cập thì Việt Nam không có lao động.

Tại Libya có cả vài triệu người lao động từ các nước, người Việt Nam chỉ chiếm hơn một vạn. Nhưng một vạn con người ấy là máu, là thịt của Việt Nam, hàng triệu người dân trong nước từng phút chờ ngóng thông tin về họ. Làm sao đây, để đưa được toàn bộ số lao động đó về nước, và hơn thế nữa, đảm bảo tuyệt đối an toàn? Chung mối lo ấy, Chính phủ đã hành động rất nhanh chóng, quyết định thành lập tổ công tác. Trước đó, các bộ ngành liên quan cũng đã rất sốt sắng vào cuộc và xúc tiến các biện pháp để đảm bảo an toàn cho số lao động Việt Nam tại Libya.

Phải nói rằng, với chúng ta, việc lập cầu hàng không đưa hàng vạn con người ở nước ngoài trở về là chưa từng có trong lịch sử. Năm 2003, khi chiến tranh Iraq nổ ra, chúng ta đã đưa 16.000 lao động người Việt tại đây trở về; song lúc bấy giờ những nước trong cuộc đã chủ động đề nghị đưa công dân các nước thứ 3 rời Iraq; được sự hỗ trợ của các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, ta gần như chỉ có việc đưa lao động lên máy bay về nước. Còn lần này, chủ động thuộc về chúng ta.

Chọn “đại bản doanh” giữa sa mạc

Cả một bài toán khó đặt ra, trong khi tất cả mọi người đang trông đợi vào mình: phải có những quyết định làm sao, đặt “đại bản doanh” chỗ nào cho phù hợp nhất, giải quyết những vấn đề gì để đưa 1 vạn lao động của ta ra khỏi vùng nóng bỏng ấy. Đi tới nơi mà mình chưa biết là nơi nào, chưa có ai đi tiền trạm, làm những gì, những ai đi… đó là câu chuyện không hề đơn giản, khi mà sứ quán của ta tại Libya thì đã bị đứt liên lạc với bên nhà.

Trước tình hình ấy, ban chỉ đạo đã định thôi thì dựa vào sứ quán tại Ai Cập để liên lạc với nhau. Nhưng tôi nghĩ, thay vì đặt tại Ai Cập, tại sao không đặt đại bản doanh tại Tunisia, vì đây sẽ là điểm thuận lợi nhất để đưa anh em về nước. Chỉ cần sang được Tunisia thôi (vì nó có đường bộ sang đây), chỉ cần mở được 1 chuyến đến thì anh em lao động sẽ sang được dễ dàng, từ đó tìm cách đưa anh em ra sân bay trở về…

Ý kiến đưa ra, phía Bộ Quốc phòng cũng như Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm cùng Ban chỉ đạo đồng ý ngay. Ngay chiều hôm đó, tôi triệu tập mọi người tới Bộ Ngoại giao phân công công việc. Ví dụ như đồng chí Phó Cục trưởng Cục lao động chịu trách nhiệm cập nhật thông tin số lao động đã di chuyển khỏi Libya bằng đường nào, những người còn bị tắc, liên lạc với các công ty có người đi lao động tại đây; đồng chí của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao phải chuẩn bị để hỗ trợ cho anh em lao động trong trường hợp mất giấy tờ, hộ chiếu...

 Thứ trưởng BNG Đoàn Xuân Hưng đang chỉ cho PV VTC News điểm đặt "đại bản doanh" của đoàn công tác trên bản đồ thế giới (Ảnh: NP)

Giống như một chuyến hành quân dã chiến, chúng tôi lên đường không chỉ với máy tính, máy in, phương tiện liên lạc, kể cả phương tiện liên lạc vệ tinh; mà mỗi anh còn mang theo một nửa va li… mì tôm và lương khô đúng nghĩa đen, gạo, rau xanh và thậm chí cả… nồi cơm điện.

Gian nan liên lạc

 

Thông tin bị cắt đứt, chúng tôi nghĩ ngay tới việc liên hệ với các tổ chức quốc tế, các nước có người đi lao động tại đây như Tổ chức di dân quốc tế (IOM) để nhờ hỗ trợ.

Chỉ cần liên lạc với đại sứ - người có phương tiện trong tay – cũng đã rất khó khăn rồi, huống hồ là người lao động. Đoàn đã phải tìm mọi cách khác nhau, liên hệ với một số anh em quản lý lao động, nắm bắt và kết nối mọi đầu mối liên lạc; các công ty tuyển lao động đi tập trung các con số về sứ quán rằng họ đang khó khăn, mắc kẹt ở đâu… Lao động đi làm việc, không phải đơn vị nào cũng báo lại đầy đủ cho sứ quán. Chỉ khi có chuyện gì xảy ra, người ta mới tìm đến để nhờ giúp đỡ.

Di chuyển từ trong vùng loạn ra ngoài thực sự khó khăn, nhiều người ở rất gần sân bay nhưng cũng không thể tìm đường ra ngoài, có người mua được vé máy bay rồi nhưng phải đổi chuyến tới vài lần, mà vẫn bị kẹt lại…

 

Mỗi khi sứ quán hỏi ý kiến về việc xử lý với lao động của ta đang bị mắc kẹt, chúng tôi yêu cầu bằng mọi cách thuê xe chạy theo đường bộ ra biên giới càng nhanh càng tốt, đắt bao nhiêu cũng thuê, thậm chí đề nghị đại sứ cứ bỏ tiền túi ra chi trả trước. Còn những lao động mà họ hoặc đơn vị thuê lao động của họ tự lo được, liên hệ với sứ quán làm đầu mối thì phải làm sao tạo điều kiện cho họ. Cần thì đưa xe của sứ quán tới đưa họ về sứ quán, và lo cho họ ăn ở trong lúc chờ đưa ra biên giới.

Đến thời điểm này thì roaming (chuyển vùng quốc tế) gần như vô hiệu, mua sim điện thoại bên đó liên lạc về nhà cũng không được; mãi về sau mới phát hiện ra cách nhắn tin qua số của mạng Viettel. Ở bên nhà, từ Thủ tướng Chính phủ đến người dân đều đang chờ từng tin tức gửi về...


Điều quan trọng lúc ấy là phải làm sao để càng nhanh càng tốt đưa anh em về nước. Không chỉ anh em lao động người Việt ở bên đó đang lúng túng, hoang mang, mà hàng triệu người dân Việt Nam ở nhà cũng đang mong đợi và lo lắng. Đưa được một, hai chuyến ra rồi, sẽ là sự khích lệ rất lớn, như lời động viên những người đang lo lắng ở vùng chiến sự rằng: có "cửa" để về rồi!

Ngay buổi chiều hôm sang tới Ai Cập, tôi đã tổ chức gặp gỡ và trao đổi với đại diện IOM ở Ai Cập, trước hết để cảm ơn, thứ đó là đề nghị họ giúp bà con mình tại Ai Cập và liên hệ ngay với đại diện IOM đang có mặt tại biên giới Tunisia; đồng thời đề nghị họ điện về trung tâm để IOM giúp đỡ những người Việt Nam đang mắc kẹt tại các điểm khác, đặc biệt là những nơi ta không có đại diện.

Ngay tại Ai Cập, bất ổn vẫn chưa lắng, người ta biểu tình khắp nơi, xe đi tới chỗ mua vé cũng không được. Mãi chúng tôi mới có vé sang thủ đô Tunis của Tunisia. Tới đó rồi, từ thủ đô tới vùng biên giới lại không có vé máy bay, phải nhờ tới sự can thiệp của phía hàng không của ta với phía hàng không Tunisia. Tới phút chót thì phía bạn ra giúp đỡ và nói phải chờ tới phút cuối cùng nếu không còn ai thì mới đi được.

Giải pháp tình thế lúc đó là đi được hơn một nửa, số còn lại thì đi chuyến sau. Tới nơi, nắm tình hình có khoảng hơn 200 người, chúng tôi điều thêm anh em về nữa để sáng hôm sau có máy bay sang là lập tức bốc người về.

Rưng rưng cờ đỏ sao vàng

Những ngày ấy, đọng lại trong tôi khoảnh khắc rưng rưng nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng giữa biên giới sa mạc mênh mông cát với hàng nghìn túp lều trắng được dựng tạm. Lá cờ Tổ quốc lúc ấy tung bay linh thiêng, xúc động lắm, nhìn ngọn cờ lúc ấy có cái gì đầy xao xuyến nghẹn ngào. Người Việt mình đây rồi! Mọi người cùng tôi đến chân cột cờ ấy và gọi lao động của ta lại đấy nói chuyện. Tôi động viên anh em: “Chính phủ đang hết sức quan tâm và cử đoàn công tác sang đây để đưa mọi người về. Tôi hứa với mọi người, muộn nhất trong vòng một tuần, tất cả sẽ được về nước hết”.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ra sân bay đón Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng và đoàn công tác từ Libya về nước

Chúng tôi cũng chia sẻ với anh em những tâm lý rất bình thường, như chuyện “tị nạnh” ai về sau, ai về trước. Tôi nói chuyện và giải thích với họ. Mọi người đã rất lắng nghe, đồng tình và vỗ tay. Khi tôi hỏi anh em có ai ốm đau gì không, mọi người đều đáp rằng được về là khỏe rồi, ốm đau chỉ là chuyện vặt mà thôi. Nghe anh em nói mà nghẹn lòng.

Rời đất nước sang đây, ấp ủ một ước mơ làm giàu, hay ít nhất là thoát nghèo cho gia đình; giờ việc bất ngờ xảy ra, hẳn còn đó những mối lo. Nhưng gì thì gì, tính mạng là quan trọng nhất. Trong nước, những người thân yêu đang chờ chúng ta về. Bất kể là mang được đồng nào về, mang nhiều, mang ít không quan trọng bằng việc về nước cái đã. Mệnh lệnh của Chính phủ là đưa mọi anh em về càng nhanh càng tốt và an toàn nhất. Rồi sau đó, sẽ có sự sắp xếp, để hỗ trợ anh em vượt qua bước khó khăn này…

Tôi cũng đã thống nhất với phía Hàng không Việt Nam là phải đợi chúng tôi xem xét và thông báo số người có mặt và sẵn sàng về thì mới điều máy bay sang, tránh cảnh máy bay sang tới nơi nằm chờ vì người chưa có. Sau chuyến thứ nhất, tôi cắt cử vài trăm người nữa về sân bay, cứ máy bay sang tới nơi là về luôn được.

Trong chuyến đi này, điều mà tôi tâm đắc nhất là việc quyết định chọn địa điểm đóng “đại bản doanh”. Một cách cũng hơi ngẫu nhiên, đó lại đúng là điểm mà hầu hết lao động các nước và các tổ chức quốc tế dồn về đó để hỗ trợ lao động thoát ra; và kết quả thành công như đã thấy. Điều tâm đắc thứ hai là đã sớm có chuyến bay đầu tiên rất kịp thời.

Không gì tả hết sự phấn khích của anh em, khi máy bay hạ cánh. Nhiều người hô vang: “Sống rồi, thế là sống rồi!” Vất vưởng giữa biên giới sa mạc, ăn chực nằm chờ, giờ họ đã thấy được niềm hi vọng. Điều đó tháo ngòi nổ ghê gớm lắm.

Những ngày đó, có một điều đè nặng, khiến tôi băn khoăn và khổ tâm nhất mà không dám nói ra - không biết trong đoàn có ai có cùng suy nghĩ như tôi không. Tôi sợ nhất là nếu không may có ai đó trong đoàn tử nạn tại nước bạn – với con số hơn 1 vạn người, nhiều ngày chờ chực ăn gió nằm sương trước khi tìm được chỗ tập kết, điều này không phải là không thể. Nếu trường hợp đó xảy ra, sẽ có biết bao nhiêu chuyện đi kèm, làm thế nào để đưa nạn nhân về nước, đưa như thế nào, làm sao để đưa quan tài thép tới nơi chiến sự ấy, có thể đưa lên máy bay chở cùng người sống được hay không… Đặc biệt, làm sao có thể trấn an một vạn anh em còn lại nếu trường hợp xấu đó xảy ra? Đó là chưa nói đến, tin tức ấy lọt ra ngoài sẽ khiến đồng bào ta, chính phủ ta ở nhà hoang mang đến mức nào... Nhưng rất may, chúng ta đã gặp được đại phúc, khi hơn một vạn lao động đều về nước một cách an toàn, không ai bị tử nạn, thương tích do loạn lạc, do quá trình di chuyển.

Khi mọi người rút hết về rồi, một lao động đã ra cột cờ, hạ lá cờ đỏ sao vàng xuống quấn quanh mình mà đi. Chứng kiến cảnh tượng ấy, ai nấy lần nữa lại rưng rưng…

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng


Đông Linh – Nam Phong ghi

 
Kỳ sau: 16 sinh viên Campuchia và vành khăn tang Đại sứ

Bình luận
vtcnews.vn