Gặp tài xế quyết đòi bằng được 100 đồng tiền thừa ở BOT Cai Lậy

Thời sựChủ Nhật, 03/12/2017 12:26:00 +07:00

Sau hai ngày bị BOT Cai Lậy nợ 100 đồng khi áp dụng "chiến thuật 25-1", anh Long đã gặp lãnh đạo trạm thu phí để đòi cho bằng được số tiền này.

Video: Tài xế đòi bằng được 100 đồng tại BOT Cai Lậy

Chiều 2/12, anh Huỳnh Bửu Long (ngụ Vĩnh Long) đã đến Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang (BOT Tiền Giang) để "đòi nợ". Anh này sau đó quay ra với tờ 100 đồng trên tay.

Cần sự đồng thuận

Ba ngày trước, BOT Tiền Giang đóng trạm BOT Cai Lậy để thu phí trở lại sau ba tháng rưỡi tạm ngưng hoạt động. Anh Long là một trong những tài xế dùng "chiến thuật 25-1" để qua trạm. Đó là mua vé 25.000 đồng nhưng đưa nhân viên thu phí 25.100 đồng và nhất quyết đòi 100 đồng tiền thừa mới chịu cho xe đi.

Không đòi được tiền thừa tại trạm thu phí và bị cho là cố tình kéo dài thời gian để gây ùn tắc giao thông, ôtô của anh Long bị nhà đầu tư cho xe cẩu kéo ra ngoài. Anh này sau đó đi vào trung tâm điều hành trạm thu phí để kiếm lãnh đạo BOT Tiền Giang, yêu cầu trả lại 100 đồng tiền thừa nhưng bất thành.

Gap tai xe quyet doi bang duoc 100 dong tien thoi o BOT Cai Lay hinh anh 1

Anh Huỳnh Bửu Long tại trạm thu phí BOT Cai Lậy chiều 30/11. (Ảnh cắt từ clip)

"Ông Nguyễn Phú Hiệp nói với tôi lúc đó là tờ 100 đồng đã hết hạn lưu hành nên họ không có tiền trả cho tôi. Tiền nào cũng là tiền, hôm nay tôi quyết tâm đòi cho được thì ông Hiệp đưa 100 đồng được in năm phát hành là 1991", anh Long nói.

Theo anh Long, việc chủ đầu tư tìm ra nhiều tờ 100 đồng để trả lại cho khách mua vé qua trạm là hình thức đối phó tài xế áp dụng "chiến thuật 25-1". Trong khi đó, tài xế và người dân miền Tây không muốn tình trạng đối phó này cứ tiếp diễn mà họ cần sự đồng thuận giữa hai bên để giao dịch hài hòa.

Làm mới đường nào thu tiền đường đó

Tiếp xúc với PV, nhiều tài xế cho rằng BOT Tiền Giang làm mới đường tránh thị xã Cai Lậy thì phải đặt trạm thu phí trên đường này. Còn quốc lộ 1 hàng năm chủ xe đã đóng phí bảo trì đường bộ, nên không hà cớ gì BOT Tiền Giang "tăng cường mặt đường" trên 300 tỷ rồi bắt tài xế phải trả tiền.

Gap tai xe quyet doi bang duoc 100 dong tien thoi o BOT Cai Lay hinh anh 2

Anh Huỳnh Bửu Long với tờ 100 đồng đòi được từ BOT Cai Lậy vào chiều 2/12. (Ảnh: Việt Tường)

"Nói sòng phẳng thì anh làm mới đường nào thu tiền đường đó. Tôi đâu có đi đường tránh mà nhà đầu tư thu phí. Dời trạm Cai Lậy vào đường tránh là phù hợp nhất", tài xế Nguyễn Ngọc Toàn ở Cần Thơ nói.

Cùng quan điểm, anh Huỳnh Bửu Long cũng muốn có sự sòng phẳng như anh Toàn. Tuy nhiên, tài xế này nói rằng nhà đầu tư đã bỏ ra trên 300 tỷ đồng tăng cường mặt đường quốc lộ 1 thì tài xế và người dân có thể chia sẻ với BOT Tiền Giang.

"Cần thiết thì lập hai trạm thu phí để ai đi quốc lộ 1 vào thị xã Cai Lậy thì thu tiền người đó. Ai đi vào đường tránh thì thu tiền đường tránh, phải rõ ràng mới được. Nếu đường tránh 1.000 tỷ đồng mà thu phí 25.000 đồng cho xe 4 chỗ thì quốc lộ 1 tăng cường mặt đường hơn 300 tỷ, thu phí 8.300 đồng là vừa", anh Long nêu quan điểm.

Mất tiền cơm

Theo các tài xế, mỗi ngày ít nhất họ qua trạm BOT Cai Lậy hai lần bằng xe 4-7 chỗ thì tốn 50.000 đồng. Số tiền này tương đương với tiền cơm mà tài xế dùng hàng ngày nên nếu tiếp tục mua vé qua trạm thì có người sẽ "nhịn ăn".

Gap tai xe quyet doi bang duoc 100 dong tien thoi o BOT Cai Lay hinh anh 3

Anh Trần Minh Đố mua vé 140.000 đồng nhưng tài xế quê Cần Thơ này nói trong túi chỉ có 125.000 đồng. Đây cũng là "chiêu" để kéo dài thời gian qua trạm BOT Cai Lậy. (Ảnh: Việt Tường)

"Tài xế thuê xe chạy kiếm cơm mà mỗi tháng tốn 1,5 triệu đồng qua trạm BOT Cai Lậy thì mất hết tiền cơm của tháng đó. Trạm thu phí BOT Cai Lậy đặt ở vị trí như hiện nay là không phù hợp, cần thiết phải di dời", anh Nguyễn An Xuyên ở huyện Long Hồ (Vĩnh Long) nói.

Trả lời PV chiều 2/12, ông Nguyễn Phú Hiệp nói nếu kẹt xe thì xả trạm và khi đường thông thoáng thì đơn vị đóng trạm thu phí trở lại, chứ không nghĩ đến chuyện dời trạm.

Trạm BOT Cai Lậy chính thức thu phí từ ngày 1/8. Sau hai tuần hoạt động, ngày 15/8, BOT Cai Lậy cho xả trạm, ngừng thu phí. Các tài xế cho rằng trạm thu phí đặt trên quốc lộ 1 là không hợp lý, mức phí quá cao nên phản đối bằng cách đưa tiền lẻ, gây kẹt xe, buộc chủ đầu tư phải nhiều lần phải xả trạm. 

Sau đó, Bộ GTVT đã họp, thống nhất giảm giá vé cho tất cả các phương tiện. Cụ thể, mức phí thấp nhất với xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 25.000 đồng/lượt (trước 35.000 đồng), mức cao nhất 140.000 đồng (trước 180.000 đồng) với xe tải từ 18 tấn trở lên và xe đầu kéo container trên 40 feet. 

Theo chủ đầu tư, mức phí sẽ giảm 30% so với trước đây. Người dân tại 4 xã, gồm Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An (huyện Cai Lậy) được miễn phí qua trạm nếu như không kinh doanh vận tải.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn