Gặp phi công hạ 4 máy bay Mỹ - nguyên mẫu nhân vật Quỳnh trong tiểu thuyết 'Vùng trời'

Thời sựChủ Nhật, 22/12/2019 08:58:56 +07:00

Ông Hồ Văn Quỳ, nguyên mẫu nhân vật Quỳnh trong tiểu thuyết “Vùng trời” của Hữu Mai, hạ 4 chiếc F4 và F8, chỉ thiếu một chiếc nữa là đạt cấp Aces.

Ông thuộc thế hệ phi công chiến đấu đầu tiên của Không quân Việt Nam, là một trong bốn thành viên của biên đội phi công huyền thoại “Lan, Túc, Quỳ, Phương” đánh thắng không quân Mỹ trận đầu trên bầu trời Hàm Rồng, Thanh Hóa, ngày 3/4/1965, hạ hai máy bay F8 của địch. Ông cũng là nguyên mẫu nhân vật Quỳnh trong bộ tiểu thuyết Vùng trời (3 tập) của nhà văn Hữu Mai. Tên ông là Hồ Văn Quỳ, hiện nay sống ở thành phố Đà Nẵng.

Gần đây có dịp vào Đà Nẵng công tác, tôi đã ghé thăm ông tại tư gia. Ông đón tôi như một người thân thiết trong gia đình. Ông bảo, ngày ấy người trẻ đọc Vùng trời nhiều lắm, mình hay được mọi người gọi là “anh Quỳnh”.

Trong tiểu thuyết Vùng trời, tên ông là Quỳnh, tức là chỉ đọc chệch âm tên thật đi một chút. Thoạt đầu nhiều người cho rằng nguyên mẫu của Quỳnh là Anh hùng không quân Phạm Ngọc Lan, bởi đó là phi công đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ trong trận đánh bảo vệ cầu Hàm Rồng và quê cũng ở Quảng Nam.

Hay ở phần cuối sách, sau khi phóng hết tên lửa tiêu diệt pháo đài bay B-52, Quỳnh đã lao cả chiếc MIG 21 vào biển lửa. Tình tiết này gần giống với chiến công cảm tử của anh hùng không quân Vũ Xuân Thiều hạ chiếc B-52 trên bầu trời Sơn La năm 1972.

Trong sách, số lượng máy bay Mỹ (ngoài chiếc B-52) Quỳnh bắn hạ là tám cái, thì trong chiến tranh chỉ có ba Anh hùng không quân Mai Văn Cương, Nguyễn Hồng Nhị và Phạm Thanh Ngân đạt được... Điều này âu cũng bình thường vì Quỳnh là nhân vật tiểu thuyết điển hình cho nên người đọc có thể thấy trong đó bóng dáng của nhiều phi công khác.

Gặp phi công hạ 4 máy bay Mỹ - nguyên mẫu nhân vật Quỳnh trong tiểu thuyết 'Vùng trời' - 1

Biên đội phi công đánh thắng trận đầu ngày 3-4-1965 (ông Hồ Văn Quỳ đứng thứ hai từ phải sang)

Thời ấy, hầu như ngày nào nhà văn Hữu Mai cũng sang đơn vị chúng tôi ở sân bay Gia Lâm, tình cảm với anh em phi công thân thiết lắm. Cuộc chiến đấu đang diễn ra rất ác liệt, có những phi công vừa xuất kích đã hy sinh. Chuyện sống chết chỉ trong gang tấc. Tôi xa quê hương từ nhỏ, mất hết liên lạc. Tất cả giấy tờ, thư từ đều để trong một chiếc hộp, nếu chẳng may hy sinh thì đơn vị sẽ chuyển về cho gia đình.

Tôi rất quý trọng và tin cậy nhà văn Hữu Mai cho nên đã giao chiếc hộp ấy nhờ anh giữ giúp. Sau này, đọc tiểu thuyết Vùng trời thấy nhiều chi tiết, thậm chí nội dung các bức thư của “cô Hảo” với mình đã được nhà văn giữ nguyên”, ông Quỳ tủm tỉm cười kể lại.

Về mối tình Quỳnh - Hảo, nữ cán bộ thủy sản trẻ trung, xinh đẹp, yêu văn chương và giàu cá tính, tôi đã may mắn được đọc tư liệu nhà văn Hữu Mai để lại. Trong tiểu thuyết, Quỳnh và Hảo không lấy được nhau vì anh hy sinh trong trận đánh tiêu diệt máy bay B-52. Còn thực tế thì do Hảo tập kết ra bắc, gia đình ở lại miền nam nên có nhiều điểm về lý lịch mà tổ chức chưa xác minh được, trong khi đòi hỏi này với một phi công chiến đấu là vô cùng khắt khe.

Hai người buộc phải chia tay, tâm trạng của ông lúc đó thế nào?”, tôi hỏi. “Tất nhiên là rất buồn, nhưng chiến tranh đang ác liệt quá, chúng tôi đều xác định để tất cả sang một bên, dồn sức cho đánh giặc”. Câu nói của ông cũng là ý chí của hầu hết chiến sĩ quân đội ta ngày ấy, gác lại những chuyện riêng tư, cá nhân, tất cả để chiến thắng kẻ thù xâm lược.

Xây dựng lực lượng không quân Việt Nam ngay sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi là quyết định sáng suốt có tầm chiến lược của Đảng và Bác Hồ. Người từng căn dặn, tổ tiên ta từ xưa đã có chiến công trên sông, trên biển, trên bộ, ngày nay chúng ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi. Cũng chính Người đã có dự báo thiên tài: Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội.

Ngay từ cuối năm 1955, ta bắt đầu gửi phi công sang đào tạo tại Trung Quốc. Trong 60 chiến sĩ đầu tiên đó có anh bộ đội Hồ Văn Quỳ. Nhưng sau 10 năm học tập và rèn luyện chỉ có 30 người đủ điều kiện tốt nghiệp. Đến khi kết thúc chiến tranh chỉ còn lại bảy người. Thắng lợi rất vẻ vang, nhưng mất mát, hy sinh của các chiến sĩ không quân cũng rất lớn.

Cả cuộc đời chiến đấu, ông Quỳ tham gia khoảng 120 trận không chiến, bắn hạ bốn chiếc F4 và F8, những máy bay hiện đại của không quân Mỹ lúc đó, được đặt những biệt danh đáng sợ “Con ma” và “Hiệp sĩ thánh chiến”. Như vậy, chỉ còn thiếu một chiếc nữa là ông đạt cấp “Ách” (Aces), danh hiệu có từ Chiến tranh thế giới thứ nhất, vinh danh những phi công bắn hạ từ năm máy bay đối phương trở lên. Trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ, 19 phi công Việt Nam đã đạt được danh hiệu này.

Nhưng có một điều khá đặc biệt, các biên đội do ông Hồ Văn Quỳ chỉ huy không một ai hy sinh trong lúc không chiến, đều trở về an toàn. “Có thể bắn rơi máy bay địch ít hơn, nhưng phải bảo toàn được lực lượng. Đào tạo được một phi công rất khó cho nên tôi không đồng ý cách đánh đối đầu một đổi một. Đấy chỉ là thắng lợi tức thời, nếu cứ hy sinh, lấy đâu lực lượng đánh lâu dài?”.

Năm 1975, sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Hồ Văn Quỳ tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và đánh dẹp phun-rô. Năm 1979, ông chính thức nghỉ bay, chuyển sang công tác chỉ huy, huấn luyện, là Sư đoàn phó Sư đoàn Không quân 370, mang quân hàm đại tá. Sau đó ông chuyển ngành, trở thành Tổng Giám đốc Cụm cảng hàng không khu vực miền trung cho đến lúc về hưu.

Về chuyện riêng, sau khi chia tay với “cô Hảo”, ông tình cờ gặp người bạn đời bây giờ, lúc ấy bà là một diễn viên múa xinh đẹp của Đoàn Văn công Việt Bắc lên sân bay biểu diễn phục vụ các chiến sĩ lái máy bay. Sau hơn một năm tìm hiểu, năm 1967 ông bà tổ chức đám cưới. Ông bà có với nhau ba người con, đều công tác trong ngành hàng không.

Ở tuổi 85, sức khỏe ông Hồ Văn Quỳ vẫn còn tốt, đầu óc minh mẫn. “Hằng ngày tôi vẫn đi bộ, nhưng chỉ đi được ít thôi vì lưng đau. Đau lưng là “bệnh nghề nghiệp” của phi công chiến đấu, do phải thường xuyên thay đổi độ cao, áp suất không khí biến động đột ngột”. Trước lúc chia tay, ông bùi ngùi: “Anh Phạm Ngọc Lan mới mất, như vậy thế hệ chúng tôi chỉ còn lại một, hai người nữa thôi... Bây giờ làm gì, đều phải gắng giữ gìn sức khỏe”.

Vâng, thời gian có thể đổi thay nhưng lịch sử sẽ mãi khắc ghi những chiến công hiển hách của Không quân Việt Nam anh hùng. Nhân dân cũng sẽ không bao giờ quên “những cánh thiên thần/hiền lành và dũng cảm” (thơ Giang Nam), trong đó có ông, “anh Quỳnh” theo cách gọi trìu mến của bạn đọc một thời chưa xa.

(Nguồn: nhandan.org.vn)
Bình luận
vtcnews.vn