Gặp nữ biệt động Sài Gòn tại Ấn độ

Thời sựThứ Hai, 03/12/2012 12:24:00 +07:00

Bà Ánh Tuyết tâm sự rằng tuy dáng người bà nhỏ bé thế này, song khi đã tham gia biệt động bà phải học võ, học bắn súng, lái xe, tự chế tạo chất nổ...

Tình cờ chúng tôi được gặp nữ anh hùng lực lượng vũ trang Đoàn Thị Ánh Tuyết tại New Delhi trong một ngày đầu Đông, khi bà cùng đoàn đại biểu Việt Nam tới thăm Ấn Độ theo lời mời của Chủ tịch Hội đồng Văn hóa Ấn Độ.

Thật khó tín ngay bên cạnh chúng tôi, người phụ nữ nhỏ bé, giản dị và có vẻ mềm yếu này là nữ biệt động Sài Gòn lừng danh khiến quân thù bao phen khiếp sợ.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn phỏng vấn về quá trình hoạt động cách mạng kiên cường của “nữ biệt động Sài Gòn”, Đại tá Ánh Tuyết nở nụ cười rất đôn hậu và nói “Viết vừa nghe cưng”.

Nữ anh hùng Lực lượng vũ trang Đoàn Thị Ánh Tuyết 

Với giọng nhỏ nhẹ, đôi lúc run lên vì xúc động khi nhớ lại thời hào hùng của tuổi trẻ, bà Ánh Tuyết kể rằng bà sinh ra và lớn lên tại thành phố HCM (xưa kia là Sài Gòn) trong một gia đình cách mạng, má bà là người đã chăm nuôi anh Nguyễn Văn Trỗi.

Ngay từ tuổi thơ bà đã cảm thấy day dứt giữa sự phân cách giai cấp giàu nghèo và day dứt trước cảnh đất nước bị chiến tranh tàn phá. Năm 13 tuổi bà tham gia đoàn Sài Gòn Gia Định.

Sau đó bà trốn lên chiến khu thay tên đổi họ, khai cha mẹ mất, rồi trở về thành phố bám trụ các trường học để hoạt động, rải truyền đơn và vận động mọi người tham gia cách mạng.


Năm 1968 bà tình nguyện tham gia đội Biệt động N13 quân khu 6, với biệt danh “Chín Đại” và tên trong căn cước là Trần Thị Thúy.

Bà Ánh Tuyết tâm sự rằng tuy dáng người bà nhỏ bé thế này, song khi đã tham gia biệt động bà phải học võ, học bắn súng, lái xe, tự chế tạo chất nổ. Năm 1969 để giữ thế hợp pháp trong lòng địch bà đã tình nguyện trở lại thành phố và đã tiến hành 7 trận đánh trong lòng địch.

Bà nhớ nhất là trận đánh vào Trung tâm báo chí địch vào lúc 18 giờ 30 phút ngày 3 Tết năm 1970 để khẳng định sự có mặt của lực lượng cách mạng ngay trong thành phố. Ngày 14/9/1970 bà bị bắt trên đường từ chiến khu về thành phố. Bà nhớ như in ngày bà bị bắt đúng vào đêm Trung Thu.

Khi bị giặc bắt và đưa về Tổng nha Đô Thành, bà nghĩ dù chết cũng không khai các cơ sở cách mạng để giữ cho bà con có được đêm Trung Thu hạnh phúc, bình an. Cũng trong những ngày bị cầm tù ở Tổng nha Đô Thành, bà đã làm thơ, lời thơ như khẳng định bản lĩnh thép của một chiến sĩ biệt động:  

“Dụ dỗ không xong lại khảo tra
Thành trì bảo mật chỉ làn da
Chết đi sống lại bao nhiêu trận
Kẻ thắng sau cùng nhất định ta”.

Những đòn khảo tra không thể khuất phục được chiến sĩ biệt động nhỏ bé nhưng gan dạ đến lạ lùng này, đến ngày 1/5/1975 giặc đày bà ra Côn Đảo cho đến tháng 11/1975, sau khi thống nhất đất nước bà được đón từ Côn Đảo trở về.

Năm 1978 bà được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang”. Bà đã được sang thăm Cuba dự Festival lần thứ 11 và gặp Lãnh tụ Fidel Castro.

Điều thú vị bất ngờ đối với chúng tôi, nữ anh hùng, đại tá Đoàn Thị Ánh Tuyết là phu nhân của đồng chí Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ở tuổi 61 song bà vẫn rất nhanh nhẹn - tác phong của người chiến sĩ được tôi luyện trong thời kháng chiến.

Thời gian quá gấp gáp, bà không thể dành cho chúng tôi được nhiều thời gian, song cuộc hội ngộ chớp nhoáng và bất ngờ đã để lại trong lòng chúng tôi những ấn tượng sâu sắc, lòng cảm mến và sự khâm phục không chỉ đối với riêng bà, mà đối với biết bao chiến sĩ đã hy sinh xương máu hoặc tuổi xuân cho cách mạng và cho chúng tôi được sống như ngày hôm nay.

Theo Tin tức
Bình luận
vtcnews.vn