Gặp nhóm sinh viên tài năng chế tạo thiết bị định vị đeo tay cứu nạn ngư dân trên biển

Giáo dụcThứ Năm, 13/07/2017 06:56:00 +07:00

Được chế tạo nhỏ gọn như một chiếc đồng hồ đeo tay, thiết bị hỗ trợ cứu nạn ngư dân trên biển có thể truyền tín hiệu “cấp cứu” với khoảng cách từ 10 đến 15km trong môi trường biển, độ bền có thể đạt được từ 5 đến 10 năm.

Sáng chế đạt giải quán quân Monokon 2016

Ngay từ đầu tuần, phòng nghiên cứu tại tầng 6 dãy nhà E (thuộc trường ĐH Công nghệ Thông tin – ĐH QG TP.HCM) đã ken kín nhiều bạn sinh viên, ai ai cũng chăm chỉ mày mò tìm hướng đi cho dự án nghiên cứu khoa học của mình.

Cũng như các bạn, nhóm sinh viên Bùi Văn Xứng, Trần Hoàng Lộc, Trần Thanh Toản, Nguyễn Phú Cường (cùng sinh viên năm 4, khoa Kỹ thuật máy tính, trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐHQG TP.HCM) cũng luôn tay luôn chân với đồ án tốt nghiệp năm cuối.

Video: Sinh viên trường ĐH CNTT - ĐH quốc gia TP.HCM giới thiệu về thiết bị hỗ trợ cứu nạn ngư dân trên biển. 

Điều đặc biệt là Lộc cùng 3 bạn còn lại trong nhóm từng là quán quân trở về từ cuộc thi sáng tạo kỹ thuật Monokon 2016 (cuộc thi do trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng phối hợp với Công ty Global CyberSoft đồng hành tổ chức tại Đà Nẵng) với dự án "Thiết bị đeo tay hỗ trợ cứu nạn người dân trên biển".

Kể về kỷ niệm khó quên, Lộc hồi tưởng, khoảng tháng 3/2016, ban tổ chức cuộc thi Monokon thông báo kêu gọi ý tưởng tham gia cuộc thi. Thời gian đó cũng là lúc thông tin về ngư dân gặp nạn trên biển đang nổi “như cồn” trên các báo đài.

“Nghĩ cuộc đời đi biển của ngư dân thật khổ, mỗi chuyến ra khơi phải “cược” cả tính mạng vì thiên tai không lường trước được. Số mệnh của người đi đãđịnh sẵnchong chênh, còn người ở nhà cũngkhông khácđứng ngồi trên đống lửa, thậm chí là đau thương mất mát... Từ đó ý tưởng sơ khai về một thiết bị hỗ trợ ứng cứu cho ngư dân khi gặp nạn trên biển chợt lóe lên trong đầu”, Lộc nói.

IMG_8107

 Lộc và Xứng bên thiết bị hỗ trợ cứu nạn ngư dân trên biển. (Ảnh: Dương Thương)

Nghĩ là làm, Lộc cùng Xứng đã nhanh chóng tập hợp cả nhóm, vạch ra từng bướctừ khâu thiết kế, chuẩn bị đến thực hiện; tất cả các khâu đều được tỉ mẩn thực hiện dưới sự hướng dẫn tận tình của 2 giảng viên Trịnh Lê Huy và Phan Đình Duy (cùng là giảng viên khoa Kỹ thuật máy tính, đồng hướng dẫn nhóm nghiên cứu).

Xứng kể: “Dưới sự hướng dẫn của các thầy, tụi em biết đến công nghệ LoRa (công nghệ mới được công bố vào khoảng tháng 12/2015 ở Pháp, hiện Việt Nam chưa được phổ biến), thiết bị không dây sử dụng công nghệ này có thể truyền tín hiệu tối đa đến 15km trong điều kiện không có vật cản đáng kể. Cả nhóm thống nhất làm hồ sơ gửi ý tưởng đến ban tổ chức Monokon, thật bất ngờ ở vòng sơ loại ý tưởng của tụi em được đánh giá cao, lọt vào tốp bán kết”.

Anh nhom

4 thành viên trong nhóm cùng 2 thầy giáo hướng dẫn trong buổi trao giải Monokon 2016.  

Hơn 2 tháng mày mò, tăng tốc thực hiệc và sửa chữa liên tục với hàng chục khó khăn từ công nghệ đến chế tạo, cuối cùng thiết bị đeo tay hỗ trợ cứu nạn ngư dân trên biển đã ra hình hài cụ thể, nhỏ gọn như một chiếc đồng hồ đeo tay. Sau hàng chục lần thử nghiệm với nhiều môi trường khác nhau (điều kiện có vật cản, không có vật cản, môi trường biển, đất liền), cuối tháng 5/2016 thiết bị chính thức được lên đường ra Đà Nẵng tham dự cuộc thi.

“Vượt qua 63 dự án khác, thiết bị của tụi em vinh dự giật được giải nhất. Lúc ban tổ chức xướng tên, cả nhóm đã ôm lấy nhau vừa vui mừng vừa cảm động. Phần thưởng 20 triệu đồng, cả nhóm quyết định sẽ làm kinh phí để tiếp tục cải tiến thiết bị nhằm đưa vào thực tiễn hỗ trợ cho ngư dân”, Xứng tự hào kể về khoảnh khắc vinh quang của cả nhóm.

Sẽ tiếp tục cải tiến để đưa vào thực tiễn

Chỉ tay vào thiết bị, Lộc phân tích: Thiết bị gồm 2 phần, phần thiết bị phát sóng và thiết bị trạm cơ sở thu sóng. Thiết bị phát sóng được thiết kế nhỏ gọn có hình hài khá giống chiếc đồng hồ đeo tay; sử dụng chip STM32L151 Cx, ứng dụng công nghệ truyền thông LoRavà Anten tích hợp. Thiết bị này sẽ được gắn trực tiếp trên cơ thể của ngư dân.

IMG_8100 3

cận cảnh thiết bị hỗ trợ cứu nạn ngư dân trên biển. (Ảnh: Dương Thương) 

Với thiết bị trạm cơ sở thu nhận sóng, kích thước60mm x 70mm x 110mm, sử dụng bộ xử lý 4 lõi ARMv8 64-bit 1.2GHz, Anten tích hợp, công nghệ truyền thông LoRa với khoảng cách giao tiếp tối đa lên đến 15km. Thiết bị này sẽ được lắp đặt trên các thuyền cứu hộ, trung tâm cứu hộ ở đất liền hoặc ngay trên những tàu thuyền khác của ngư dân trong điều kiện đánh bắt gần nhau.

Xứng giải thích thêm về nguyên lý hoạt động: “Khi có sự cố xảy ra, tàu thuyền có thể bị bão đánh chìm, ngư dân bị cuốn xuống biển, bị đẩy ra xa, khi đó người bị nạn phải ấn nút “cấp cứu”, tín hiệu sẽ được truyền ngay tới trạm cơ sở.

Lúc này, vị trí tàu cá bị nạn sẽ được gửi đến tàu cứu hộ cứu nạn hoặc các tàu lân cận thông qua các kênh thông tin sẵn có trên tàu cá.Các tàu cứu nạn sẽ tiếp cận vị trị tàu cá gặp nạn đồng thời bật chế độ định vị ngư dân bằng công nghệ LoRa. Từ đó vị trí của ngư dân gặp nạn sẽ được xác định nhanh chóng và chính xác hỗ trợ đắc lực cho việc tìm kiếm và cứu nạn”.

unnamed (1) 6

 Hiện thiết bị vẫn được nhóm SV tiếp tục nghiên cứu cải tiến để đưa vào thực tiễn sử dụng. 

Giảng viên Phan Đình Duycũng là người đồng tham gia hướng dẫn nhóm từ những ngày đầu chia sẻ: “Cho đến hiện tại trên các thuyền đều đã được gắn hệ thống định vị. Tuy nhiên trường hợp ngư dân bị đánh ra khỏi thuyền thì công việc tìm kiếm vẫn còn vô cùng khó khăn vì không thể xác định được vị trí của ngư dân. Cho nên thiết bịđeo tay của các em đã khắc phục được nhược điểm đó, giúp việc cứu nạn người dân được nhanh chóng và dễ dàng hơn”.

Ngồi bên cạnh, giảng viên Trịnh Lê Huy khẳng định: “Điểm mới và hữu ích của thiết bị là thiết kế nhỏ gọn và sử dụng công nghệ LoRa, giúp tín hiệu cấp cứu có thể truyền tải rất xa từ 12 đến 15km trong điều kiện không có vật cản, phù hợp với môi trường biển”.

Trở về từ giải quán quân Monokon 2016, nhóm của Lộc vẫn đau đáu tìm hướng cải tiến để đưa thiết bị rời nhà trường ra với thực tiễn, phục vụ cho việc cứu nạn ngư dân một cách tốt nhất. Đó cũng là đề tài khóa luận tốt nghiệp mà Lộc, Xứng cùng Cường hiện vẫn đang gấp tốc thực hiện.

unnamed 5

 giải thưởng 20 triệu trong đêm chung kết được cả nhóm dùng làm kinh phí tiếp tục cải tiến thiết bị. 

Xứng cho hào hứng cho hay: “Hiện tại Lộc và Cường đang tiếp tục nghiên cứu để cải thiện hệ thống định vị GPS, làm sao đảm bảo được độ chính xác, nhanh nhạy hơn. Còn em thì tập trung nghiên cứu cải thiện vấn đề về năng lượng, nếu có thể sẽ tìm một nguồn năng lượng giá thành rẻ hơn đảm bảo độ bền và chống chịu ở nhiều môi trường. Đối với môi trường biển, tụi em phải thiết kế sao cho thiết bị đảm bảo chống mặn chống nước và chống được rỉ rét.

Không chỉ hỗ trợ cứu nạn người dân trên biển, tụi em còn ước mong mở rộng được hướng đi cho đề tài như hỗ trợ cứu nạn ngay ở trên đất liền, trong thành phố, hướng đến mục tiêu thành phố thông minh”.

Sau thành công ở giải Monokon 2016, sản phẩm được vinh dự chọn làm quà tặng Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhân lễ khai khóa ĐHQG TP.CHM năm học 2016-2017.

Dương Thương
Bình luận
vtcnews.vn