Gặp người sưu tập sứ ký cổ triều Nguyễn nhiều hơn cả bảo tàng

Thời sựChủ Nhật, 07/05/2017 16:58:00 +07:00

Một nhà nghiên cứu văn hóa ở Huế hiện sở hữu một bộ sưu tập sứ ký cổ triều Nguyễn nhiều đến nỗi được cho là còn hơn cả bảo tàng.

Trong hành trình đi tìm lại những cổ vật vô giá triều Nguyễn còn sót lại, tôi vô tình gặp được nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa  - người hiện sở hữu nhiều cổ vật vô giá triều Nguyễn. Ông Hoa vốn xuất thân trong một gia đình quan lại, thân sinh của ông từng làm quan dưới triều nhà Nguyễn. Vì vậy, ngay từ nhỏ, ông Hoa đã may mắn được tiếp xúc với nhiều cổ vật quý.

Hành trình mua lại chiếc tô cổ có bài sớ "răn" vua

Ngôi nhà của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đang sống hiện như một không gian trưng bày của hơn 200 chủng loại sứ ký kiểu thời Nguyễn. Theo đánh giá của giới chuyên môn, số lượng sứ ký này còn nhiều hơn cả các bảo tàng.

Bộ sứ ký kiểu này thuộc nhiều dạng như: Bình uống nước, tách trà, ly chén, dĩa, tô, chum, bình cắm hoa… rất độc đáo và mang giá trị thẩm mỹ cao. Trên các cổ vật đó, đều có ghi chép những bài thơ hoặc các phong cảnh về Huế mà các vị vua yêu thích và đã đặt hàng theo yêu cầu.

Trong số những cổ vật quý hiếm đang sở hữu, ông Hoa tâm đắc nhất với bộ sưu tập những tô sứ men lam - sứ ký kiểu ngự dụng vua triều Nguyễn.

Hinh anh

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa kể lại hành trình mua chiếc tô sứ ký kiểu thời Nguyễn có bài sớ "răn" vua. (Ảnh: Tiến Duy) 

Ông Hoa kể, khoảng năm 1980 sau khi được một người quen giới thiệu, ông Hoa đã tìm đến một gia đình quý tộc đang sở hữu một cái tô trên đó có chép bài sớ thời vua Gia Long.

Khi tìm đến cái tô này ông Hoa đươc biết chiếc tô có hơn 200 năm tuổi, trên đó khắc bài sớ trên 400 chữ. Nội dung trên bài sớ được bộc lộ một cách bộc trực, thẳng thắn, ý “răn” nhà vua phải biết thương dân.

Sau một thời gian dài đeo đuổi, ông Hoa biết gia đình quý tộc kể trên gặp khó khăn nên đã bán chiếc tô cổ cho một tay sưu tầm cổ vật. Sau đó, ông Hoa tìm mọi cách để mua lại cái tô trên với mong muốn lưu giữ vẻ đẹp thẩm mỹ, tư tưởng thẩm mỹ của cổ vật.

Bộ tranh gương cổ hiếm có bậc nhất xứ Huế

Ngoài việc sở hữu bộ sưu tập sứ ký kiểu thời Nguyễn kể trên, hiện nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa còn sở hữu bộ sưu tập 25 bức tranh gương độc đáo. Trong đó, có nhiều bộ được đánh giá là cổ và quý hiếm bậc nhất ở Huế.

Tranh gương là một di sản đặc biệt, vừa có tính vật thể vừa mang tính phi vật thể, mang bản sắc đặc trưng của mỹ thuật cung đình Huế bởi xuất xứ, cách thể hiện cùng chất liệu độc đáo của chúng.

Hiện ở Huế còn khoảng 40 bức tranh gương cao cấp. Tất cả các tranh gương này đều do triều Nguyễn để lại và đang được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, cung Diên Thọ, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức, lăng Dục Đức, lăng Đồng Khánh, điện Huệ Nam, chùa Báo Quốc…

Hinh anh Gap nguoi suu tap su ky co trieu Nguyen nhieu hon ca bao tang (ky 2)

Bộ tranh gương Tứ Bình mà ông Hoa đang sở hữu thuộc loại cổ và hiếm có bậc nhất ở Huế. (Ảnh: Tiến Duy) 

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, tranh gương được đóng trong những khung gỗ chạm thếp vàng khá cầu kỳ. Các nghệ nhân dùng chất liệu là bột màu pha keo hoặc sơn để vẽ hoặc khảm xà cừ vào mặt sau của gương.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết, bộ tranh gương cổ quý giá nhất mà ông đang sở hữu là bộ tranh có tên Tứ Bình. Bộ tranh này có 4 bức, mỗi bức được thêu hình 2 cô gái, trong đó một cô là thị nữ và một cô là tiểu thư. Các bức tranh thể hiện 2 cô gái đang trổ tài cầm, kỳ, thi, họa.

Hiện, bộ trang gương Tứ Bình này được nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa treo trang trọng ngay chính giữa căn phòng trưng bày sách, cổ vật ở tư gia. Bên cạnh bộ tranh gương Tứ Bình thì bộ tranh Nhị thập Tứ Hiếu hay bức tranh gương thờ công chúa mà ông Hoa đang sở hữu đều là những cổ vật độc đáo.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa tâm sự: “Sau năm 1975, nhiều người xem giá trị văn hóa truyền thống rẻ rúng. Do đời sống kinh tế khó khăn, nhiều gia đình quý tộc, quan lại đã bán đi những báu vật của nhà mình. Nếu cứ để những cổ vật đó rời Huế thì bề dày văn hóa ở đất cố đô sẽ bị hao mòn.

Từ suy nghĩ đó, gặp cổ vật quý, dù kinh tế khó khăn nhưng tôi quyết tâm mua lại cho bằng được. Nhiều khi không đủ tiền để mua, trong người cứ day dứt, khó chịu và cảm thấy có lỗi với tiền nhân”.

(Còn nữa)

Video: Hàng trăm cổ vật quý giá trong mộ Hoàng gia từ thời Tam Quốc

Nguyễn Vương
Bình luận
vtcnews.vn