Gặp người lồng tiếng cho các nam tài tử Hồng Kông

Văn hóa - Giải tríThứ Hai, 10/06/2013 01:12:00 +07:00

(VTC News) - Với chất giọng truyền cảm, diễn viên lồng tiếng Nguyễn Vinh là người luôn đảm nhận các vai kép chính trong phim bộ Hồng Kông TVB từ thập niên 1990.

(VTC News) - Với chất giọng truyền cảm, diễn viên lồng tiếng Nguyễn Vinh là người luôn đảm nhận các vai kép chính trong phim bộ Hồng Kông TVB từ thập niên 1990 đến nay.

Tiếp chúng tôi tại quán cơm chay, diễn viên lồng tiếng Nguyễn Vinh cho biết, anh ăn chay trường từ lâu do cái duyên khi anh đến với kinh, sách nhà Phật. Anh là người chuyên lồng tiếng phim cho các vai nam diễn diên chính, trẻ tuổi, tuy nhiên đôi lúc cũng lồng giọng ông già, người lớn tuổi nhưng dạng vai này rất ít.
Diễn viên lồng tiếng phim bộ TVB
Diễn viên lồng tiếng Nguyễn Vinh 

Các phim đang chiếu trên SCTV 9 như Đắc Kỷ Trụ Vương một mình Nguyễn Vinh lồng tiếng cho vai vua Trụ, vai Lôi Chấn Tử (người chim), vai Dương Trung Tử (đạo sĩ) và các vai phụ khác.

Trong phim Quyền lực đen tối Nguyễn Vinh lồng vai anh Hai, phim Anh hùng xạ điêu lồng vai Quách Tĩnh (do diễn viên Trương Chí Lâm đóng), phim Hồ sơ trinh sát lồng vai sếp Dũng, phim Bao Thanh Thiên lồng vai Công Tôn Sách... Chất giọng của anh khiến người nghe thấy quen thuộc, dễ mến, gần gũi, tự nhiên mà không gượng ép.

Có được tên tuổi như hôm nay trong lĩnh vực lồng tiếng, ít ai biết được Nguyễn Vinh xuất thân từ nghệ sĩ cải lương, suýt nữa trở thành giảng viên phụ giảng về vũ đạo cho nữ võ sư Thu Vân - người nổi tiếng về võ thuật, vũ đạo về điện ảnh, sân khấu.

- Thưa anh, từ một diễn viên cải lương chuyên nghiệp được đào tạo bài bản, sao anh lại chuyển sang nghề lồng tiếng và bám trụ cho đến hôm nay?

Cái duyên cái nghiệp đã đẩy đưa Nguyễn Vinh từ diễn viên cải lương sang lồng tiếng cho đến nay là phải nói đến 'bà mối' là nữ võ sư Thu Vân. Từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, Vinh theo học và tốt nghiệp khoa sân khấu cải lương, cùng thế hệ với diễn viên Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Thùy Trang, tuy nhiên sau đó các bạn vào đoàn Trần Hữu Trang còn Vinh vẫn tìm thầy học tư bên ngoài thêm vài năm nữa nên không vô.

Nghĩ cái duyên nghiệp với cải lương chưa tới, có lúc Vinh cũng đi thử vai ở các đoàn, đoàn mình thích thì lúc đi thử vai lại bị khản giọng, bỏ qua cơ hội, còn đoàn khác thì mình lại không thích gì nên thôi.

Cũng có lúc Vinh tham gia vào vở cải lương Những đứa con oan nghiệt (vai Thầy đồ) tuồng hát được mấy tháng thì đoàn Trần Hữu Trang dẹp, mình nghỉ. Dự tính không theo nghề hát nữa thì đi làm phụ giảng cho cô Thu Vân về vũ đạo.

Cô Vân thấy vậy nên an ủi, động viên Vinh, cô bảo rằng có người quen bên lồng tiếng phim Hồng Kông TVB nếu Vinh thích sẽ giới thiệu sang. Lúc đó mình cũng đang xoay trở nghề nghiệp nên đồng ý liền.

Khi ấy, Vinh thường xem ti vi học hỏi, nhái các giọng đọc trên truyền hình trong đó có giọng anh Hữu Vinh, đọc báo chí nhiều để khỏi lắp chữ... Khi vào thử giọng chỉ hơi run, có khựng lại một ít, còn mới nên khớp, giọng đọc rí rí, không dám đọc lớn.

Vinh vào làm được hơn tháng, không hiểu vì sao phim TVB tạm dừng hoạt động, mình lại nghỉ việc tiếp. Sau đó, chị Minh Nguyệt có mở công ty hợp tác với TVB. Chị gọi mình vào lại, lúc này mình lại học lại từ đầu, do bỏ lâu, đọc hư, đọc tới lui nhưng qua thời gian nhờ kinh nghiệm cộng bạn bè hỗ trợ, giúp đỡ nên riết cũng quen dần nghề lồng tiếng.

Vinh cảm nhận khuôn mặt, tính cách đó giống mình, người mặt vuông hợp với mình, nhìn khẩu hình mỗi nhân vật mà mình canh khẩu hình nhả chữ cho khớp miệng ví dụ có nhân vật cuối câu bặm miệng,... 

Với nghề lồng tiếng, cô Vân là người thầy đầu tiên đưa mình vào nghề, tất cả là duyên nghiệp. Cô Vân là người thầy có tấm lòng nhân ái, bao dung với trò. Cô là người thầy tinh thần của Vinh những lúc khó khăn, thử thách. Vinh rất biết ơn cô!

- Đọc nhiều, nói nhiều, vậy có khi nào anh bị 'bể giọng'?

Cách đây không lâu, Vinh đã từng hai lần mổ lấy hạt dây thanh quản. Ban đầu mình không để ý, vẫn nói, đọc bình thường nhưng có thời điểm, mình thấy những từ xuống giọng có dấu nặng, dấu huyền khi đọc thì giọng mất hai dấu đó.

Thấy bất ổn nên Vinh đi bệnh viện khám, bác sĩ cho biết, hai hạt dây thanh không khép lại nên bị mất dấu, mổ lần đầu xong thì phát hiện thêm một hạt nữa nằm sâu hơn nên phải đợi cả tháng trời mới mổ tiếp lần hai tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. 

Khi mổ xong, các y bác sĩ khen mình, tuy nói âm nhỏ nhưng chất giọng thanh, cao, trong trẻo. Nhưng thời gian sau do nói, đọc nhiều nên thanh quản giống như bị phù nề khiến giọng trầm xuống.

Sau thời gian chữa bệnh, Vinh trở về lại Fafilm, lúc này diễn viên lồng tiếng quá ít chỉ còn anh Huy Hồ, Thanh Nhân nên mình cũng cố gắng làm việc sớm cùng mấy anh. Do thiếu người nên mỗi người phải gánh nhiều vai diễn. Có người hỏi không sợ hư giọng hả? Vinh nghĩ, công việc nhiều thì phải ráng làm, thời gian sau đúng là bị ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Diễn viên lồng tiếng phim bộ TVB Hồng Kông
 Diễn viên Nguyễn Vinh trả lời phỏng vấn PV VTC News. Ảnh: Hạnh Phương
- Theo anh, những yếu tố nào để có được chất giọng hay khiến khán giả xem phim yêu thích ?

Cá nhân Vinh nghĩ, nghề nói hay nghề hát, cái đầu tiên phải nói đến đó là chất giọng riêng, còn gọi là trời phú hay tổ đãi. Nghĩa là, phải có một cái gì đó để người diễn viên không cần phải cứ đóng vai chính mà đôi lúc chỉ cần vai tính cách, khi nghe họ nói, họ hát cũng khiến người nghe cảm nhận được ý nghĩa thông qua sự truyền cảm của người thể hiện.

Khi lồng tiếng, điều quan trọng là tập trung cho nhân vật, nhập tâm cùng vai diễn. Trong phim bộ Hồng Kông TVB cũng nhờ tông giọng tiếng Hoa, hầu hết là tiếng gốc Quảng Đông. Ở đây họ nói rất rõ như kịch sân khấu nên mình biết được âm điệu, âm tiết, nghe tông họ xuống hay lên đoán được.

Như vậy khi lồng vào, mình đi sát được tình cảm nhân vật hơn. Tuy không biết tiếng Hoa nhưng do lồng nhiều nên 5 - 10 chữ biết được vài chữ tiếng Hoa, khi đến câu nào, từ nào mình cũng chủ động được, biết được trước câu thoại sau, để lỡ đọc nhanh hay chậm, mình còn tiết chế, tăng giảm theo, cũng có lúc 'ăn gian' nói lời thoại khi không có cảnh nhân vật.

Ngoài ra, Vinh cũng kết hợp kinh nghiệm thời còn học sân khấu cải lương. Chẳng hạn, khi dẫn nhịp vọng cổ, vừa ca vừa nói, khuông từ 4 - 5 chữ/nhịp, đến một lúc nào đó, mình không cần phải canh chính xác theo nhịp nữa mà cảm nhận chữ mình đọc chạy trước hay sau, lồng theo trường canh.

Nhờ tích lũy kinh nghiệm, giống như cải lương đang ca dây kép trở lại dây đào, vừa hát còn hai chữ cuối ông thầy trở dây đào mình biết liền, vừa dứt chữ là đổi giọng nhờ cái đó rút kinh nghiệm.

Hôm nào khỏe là mình nhấn nhá nhiều hơn, không cần tròn chữ như ca sĩ, có những chữ mình lướt qua chạy theo tiết tấu, không nên gò ép cứng quá, đôi lúc nên lướt chữ nhấn nhá. Khi lồng tiếng mình cảm nhận nói như hát chứ không đọc, như có nhạc uyển chuyển, lên xuống chứ không quá căng theo bài bản là cứ tròn âm, rõ chữ.

- Anh thường dùng kỹ thuật nào để lồng tiếng ?

Đầu tiên một diễn viên lồng tiếng, không bị khiếm khuyết về giọng, đặc biệt lưỡi thon, đều, giọng chuẩn, khi đọc không bị trẹo chữ, khựng từ. Thông thường mình kết hợp cả hai trường hợp, lúc dùng hơi bụng, lúc dùng hơi cổ.

Những tình huống nói thấp thì dùng hơi bụng nhưng trường hợp, khóc nấc thì dùng hơi cổ.  Lúc dùng nhiều quá có khi đơ mặt, khàn giọng. Vinh cũng thường học hỏi lớp ca sĩ lúc trước như Khánh Hà, Ý Lan về cách nhấn nhá, ép hơi nhả chữ hay ca sĩ Duy Quang (đã mất), nữ ca sĩ Hoàng Oanh để ý họ có chất giọng chân chất, giọng thật.

Chẳng hạn khi nghe Lệ Thủy, Mỹ Châu, Minh Cảnh, Minh Phụng... ca hoặc nói là mình thấy gần gũi, tự nhiên, rất thân thuộc, dường như không thấy có khoảng cách cho dù sau này họ có lớn tuổi. Đồng thời Vinh kết hợp với kiến thức lúc học sân khấu về cách ngắt câu, lấy tiết tấu, cao trào của mình.

Thế hệ trẻ bây giờ đa phần có chất giọng tốt, khỏe nhưng cũng còn một vài khiếm khuyết có thể do chưa có kinh nghiệm nhiều. Nghĩ lại thời Vinh còn trẻ cũng vậy, khi lồng tiếng cho diễn viên có gương mặt bình thường mà mình cứ đẩy giọng cao lên, giọng như trên trời, trong khi khẩu hình người diễn xuất lại ở dưới đất, giờ nhiều khi xem lại thấy mắc cười.

Thời trẻ ai cũng có những lúc tự kiêu, tự mãn, cũng có những cái chảnh của riêng mỗi người, miễn sao chấp nhận được chứ đừng có thái quá.

Nghe giọng thoại của Nguyễn Vinh (vai người cha) trong phim TVB

- Sở trường của anh lồng hợp những vai nào ?

Chất giọng của Vinh phù hợp kép chánh có gương mặt vuông chữ điền, sống tình cảm, nội tâm. Lợi thế khi nhấn chữ tự sự, giọng trầm đậm, thấp. Vinh không đọc quảng cáo do không hợp sở trường chất giọng, lực của mình.

Vinh theo thể loại chậm, nói gần, nói thấp, chứ la một hồi giọng bị bẹt, không gò chữ được. Có khi mình tự nhận vai, anh em đồng nghiệp cùng chia ra, hay có lúc nhà Đài đưa qua kỳ này làm cho diễn viên này, kỳ khác diễn viên khác thì mình buộc phải làm theo. 
 
Những phim Vinh đang lồng tiếng, sắp công chiếu như phim Mưu sinh (vai Lịch), phim Đại thái giám (vai Hải), Đông cung Tây lược phim hài lồng vua Tề ham mỹ nữ (do diễn viên Quách Tấn An đóng), phim Công lý và danh lợi (vai luật sư Minh) đây là những phim Vinh lồng cho diễn viên có tính cách thủ đoạn, tình cảm, lường gạt...
Diễn viên lồng tiếng phim bộ TVB Hồng Kông
 Đối với Nguyễn Vinh, không thích sự ồn ào, phô trương, anh chỉ muốn thu gọn cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản. Ảnh: Phan Cường
- Anh có lồng tiếng phim Việt Nam ?

Vinh không lồng tiếng phim Việt Nam, bởi có nhiều áp lực mình thấy không thoải mái, tính mình lại thích thoải mái, nhẹ nhàng, không gò bó.

- Có khó khăn nào khi anh tham gia nhóm lồng tiếng mới, lạ ?

Sau thời gian lồng tiếng chính thức cho công ty nơi mình hợp đồng, hiện Nguyễn Vinh và Huy Hồ cùng một số diễn viên khác làm việc thường trực bên công ty San Yang, một ngày làm trung bình lồng 5 tập, mỗi tập 60 phút.

Ngoài thời gian đó còn có những chỗ khác mời, 'đụng' phải nhóm lồng tiếng mới, lạ, không phải ê kíp quen thuộc, thì lúc này hồn ai nấy giữ, canh bám khuôn mặt diễn viên, nếu đúng tông chính của mình thì dễ dàng hơn, có khi diễn viên chưa ra mặt nhưng mình đoán được để chuẩn bị nhả từ cho khớp.

Có những lúc thu riêng một mình thấy cũng thoải mái, không cần chờ đợi nguyên ê kíp, tận dụng được thời gian của mỗi người, xong rồi ghép vào với các giọng khác nhưng lồng như vậy nhiều khi khiến bộ phim mất cái 'hồn' vì khi lồng chung diễn viên còn nương theo cảm xúc bạn diễn còn lồng một mình hạn chế phần này như vậy ảnh hưởng đến thành công bộ phim.

- Kỷ niệm lồng tiếng khiến anh nhớ nhất ?

Kỷ niệm thì có nhiều nhưng nhớ nhất là kỷ niệm buồn thời kỳ đầu lồng tiếng phim thập niên 90. Bộ phim này lúc còn thời Sài Gòn Film, với kịch bản những người dân ở quê, ít học... với dàn viễn viên Hồng Kông nổi tiếng một thời như Châu Hải My, Trương Triệu Vy, La Gia Lương...

Trước đó đã lồng được mấy tập phim, nói về những người dân quê, chất phác, do có mâu thuẫn nên các anh, chị nhà quê cãi nhau, la hét lớn, lúc này mình bị viêm họng la hét không nổi nên buộc phải nhờ anh Thế Thanh lồng thay, phim đổi vai, làm lại từ đầu. Sau lần này Vinh xin nghỉ một thời gian.

- Giọng 'thuyết pháp' của anh có người ngộ nhận anh là thầy giảng đạo?

Ngoài lồng tiếng phim, Vinh còn thu âm Kinh Vô Lượng, khoảng 100 tập, 60 phút/tập của Pháp sư Tịnh Thông thuộc hệ phái Tịnh Độ và các sách nói về Phật khác. Qua giọng đọc của mình, có nhiều phật tử muốn gặp Vinh nghĩ rằng mình là thầy giảng giáo lý.

Nhưng Vinh nói mình chỉ là người đọc, chuyển tải âm đến độc giả còn người thuyết giảng là người khác. Có lẽ Vinh đọc thuyết minh kết hợp lồng tiếng, với chất giọng trầm ấm, nhẹ nhàng, biểu cảm, tương đối khớp với câu giảng của pháp sư nên có người không nhận ra.

Bản thân Vinh ít nhiều cũng sống trong giáo lý nhà Phật, nên khi thu âm mình nhập vai, những từ của nhà Phật tuy không hiểu hết nhưng mình cũng đã hòa hợp được cái tôi của mình vào lời giảng của pháp sư, xem đó là động lực cố gắng nỗ lực hơn nữa để phục vụ công chúng.

- Bí quyết giữ giọng của anh là gì ?

Vinh không hút thuốc, một phần do ăn chay nên cũng ít khi có dịp uống rượu với bạn bè, ăn cay, nóng thì hạn chế. Một phần Vinh có thói quen tụng kinh Phật cũng là cách tập luyện giọng nói.

Việc này giúp ích cho công việc Vinh rất nhiều, về cách lấy hơi, luyện giọng, nhả câu, nhấn nhá chữ, luyến láy từ, ngữ điệu trầm bổng, đọc nhanh không bị vấp, không nói lắp. Có những câu văn, lời thoại dịch ra viết không thuận, đọc không xuôi tai nhưng mình vẫn có thể lướt qua được.

- Giả sử có giải giành cho diễn viên lồng tiếng, đề xuất anh nhận giải...

Không! Không quan trọng chuyện đó, mình nghĩ, khi mình lui về hậu trường phục vụ khán giả thì đã là sống 'ẩn dật' rồi, thì những giải thưởng đó mình không nghĩ đến. Dù không xuất hiện trực tiếp với khán giả, mình cũng đã tham gia nghệ thuật, ngoài ra, đó là câu chuyện mưu sinh trong cuộc sống với công việc hằng ngày.

Mình cố gắng tập trung nhân vật, cố gắng bám sát tình huống trong phim, khán giả khen cũng vui, đó là nguồn động viên lớn, mình đọc, nói mà khán giả chấp nhận nghe được là hay rồi. Vinh muốn thu gọn cuộc sống, sống nhẹ nhàng, thanh thản, không thích nổi trội.

Cảm ơn Báo điện tử VTC News đã dành cho anh em diễn viên lồng tiếng một cơ hội giao lưu cùng độc giả. Với những gì có được Vinh hứa sẽ làm hết lòng, hết sức vì nghề nghiệp của mình, rất mong sự đón nhận và góp ý của qúy khán giả.

- Xin cảm ơn anh!

Nguyễn Văn Vinh

Sinh năm 1965 tại Sài Gòn

1989: Tốt nghiệp lớp diễn viên Cải lương Trường Nghệ Thuật Sân Khấu II

1991: Tham gia lồng tiếng cho Sài Gòn Phim (TVB)

Một số diễn viên thường được Nguyễn Văn Vinhlồng tiếng:

Lâm Phong (Sức mạnh tình thân)

Quách Tấn An (Đội điều tra đặc biệt, Tiền là tất cả)

Trần Cẩm Hồng (Bảo hiểm tình yêu, Du kiếm giang hồ)

Lâm Văn Long (Cuộc tình vạn dặm, Bằng chứng thép)

Trịnh Y Kiện (Đội cứu hộ trên không)

Trần Kiện Phong (Lý lẽ con tim, Người phát ngôn giỏi luật)
 
Tạ Thiên Hoa (Đáng mặt nữ nhi)

Ngô Khải Hoa (Ngôi nhà mật ngọt)

Trịnh Gia Dĩnh (Khúc nhạc tình yêu)

Trần Hạo Dân (Bí mật bảo tàng)

Huỳnh Tông Trạch (Phúc Vũ và Phiên Vân, Chuyện về chàng Vượng)


Phan Cường (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn