Gặp người chào bán bài thơ 'Ở hai đầu nỗi nhớ'

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 10/01/2013 11:01:00 +07:00

Lần thứ hai ở Việt Nam có người chào bán bài thơ để đời của mình, một bài thơ đã ăn sâu vào tâm khảm nhiều thế hệ sau khi được phổ nhạc: Ở hai đầu nỗi nhớ.

Tôi đếm không ít hơn 7 lần người lính từng cận kề cái chết sát ngày giải phóng miền Nam nói: Muốn chiến đấu giành lại sự sống, trở lại cuộc sống bình thường để được tiếp tục làm báo, làm thơ. Anh phải bán bài thơ vì lý do ấy.

Lần thứ hai ở Việt Nam có người chào bán bài thơ để đời của mình, một bài thơ đã ăn sâu vào tâm khảm nhiều thế hệ sau khi được phổ nhạc: Ở hai đầu nỗi nhớ (thơ: nhà báo Trần Đình Chính, nhạc: Phan Huỳnh Điểu).

Trước đó, năm 2004, sự kiện còn “đình đám” hơn bây giờ, là chuyện bản quyền 100 triệu đồng bài thơ Màu tím hoa sim của thi sĩ Hữu Loan.

Nhà báo Trần Đình Chính. 
"Ở hai đầu nỗi nhớ..."

Nhưng đằng sau hai “thương vụ” bản quyền thơ lại là hai chuyện đời rất khác, nếu không muốn nói câu chuyện về sau chua xót hơn rất nhiều.

Năm 2004, công ty Viek VTB là phía chủ động mua bản quyền Màu tím hoa sim để “cho thế giới thấy Việt Nam yêu thơ như thế nào”, “tuân thủ Công ước Bern”… và ai cũng hiểu đó là một cách vừa đường hoàng vừa thông minh để quảng bá thương hiệu doanh nghiệp.

Nhưng Ở hai đầu nỗi nhớ thì ngược lại, người sinh thành ra bài thơ chủ động chào bán, không mang ý nghĩa gì cao xa càng không vì muốn xây nhà lầu xe hơi, mà để chữa bạo bệnh (tiểu đường, đã biến chứng làm mắt gần như mờ hẳn).

Gặp Trần Đình Chính trong căn hộ tập thể cũ trên đường Võ Thị Sáu, ngay sau buổi chiều thông tin anh chào bán bài thơ được tải lên mạng.

Một phụ nữ trạc 40 vóc dáng nhỏ nhắn, tóc hơi bồng chải vội, ra mở cửa, chào như thể đã biết trước người bấm chuông là tôi, rồi nhanh chóng vào bếp. Có vẻ mắt không nhìn được nên trí óc minh mẫn và tai nghe rất rõ, anh Chính mời tôi ngồi vào ghế, bên cạnh một số phóng viên nữ cũng đang hỏi chuyện.

Cuộc phỏng vấn bất đắc dĩ giữa những người cùng nghề làm báo bị ngắt quãng sau chừng 15 phút. Vợ anh, người phụ nữ ra mở cửa, kéo ống tay áo anh lên và tiêm insulin cho chồng, một trong gần chục loại thuốc hàng ngày anh phải sử dụng trong quá trình chạy thận nhân tạo. Sau đó là một cốc sữa pha đặc, nóng.

Chị kể rành rọt, hàng tháng mất chừng ba triệu rưỡi viện phí (đã trừ bảo hiểm), nhưng tốn chủ yếu là tiền thuốc, phải có chừng đó thuốc mới đủ bổ trợ các loại chất và đề kháng, duy trì cho chồng chạy thận suốt gần 3 năm qua mà không suy kiệt…

Trần Đình Chính mắt vẫn như nhìn trân trân vào khoảng không phía trước, kể lại bối cảnh ra đời bài thơ Ở hai đầu nỗi nhớ.

Nhớ về thời trai trẻ, dù gần như không còn nhìn thấy gì nhưng trên ánh mắt anh biểu cảm rõ sự hứng khởi. Bài thơ đã được hình thành thế nào, chuyện tác giả bất ngờ nhận ra thơ của mình khi nghe bài hát được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc ra sao, hay chuyện một nhà báo nữ đã “khai quật tác giả” để mọi người khi đó mới biết cha đẻ của Ở hai đầu nỗi nhớ… tất cả đã được kể trong bài báo làm chấn động dư luận năm 2007 trên An ninh Thế giới của tác giả Kim Dung, mời các bạn bấm xem.

Ngoài chuyện bài thơ Ở hai đầu nỗi nhớ, Trần Đình Chính còn đọc cho tôi nghe nhiều bài khác, như Nhớ Bác (bài thơ đầu tay năm 14 tuổi), Người đàn bà trong đêm, Quả bom đen và bông sen trắng, Người đàn bà đến từ Hirosima…

Tôi hiểu, nếu trước đây khi viết Ở hai đầu nỗi nhớ chỉ là một người nghiệp dư làm thơ thì mấy năm nay, vừa chạy thận nhân tạo anh vừa lao vào thơ thật sự, thơ là nỗi lòng và cũng là bạn thân thiết. Anh ấp ủ sẽ ra mắt được tập thơ đầu tay mang tên chính bài thơ để đời, và cái khát khao cháy bỏng trở lại có sức khỏe bình thường - với anh - cũng là để tiếp tục làm thơ và làm báo.

Thế rồi đến lúc đôi mắt Trần Đình Chính như sụp xuống, giọng buồn lại, khi nói về hoàn cảnh hiện tại của mình, không tự lo được tiền thuốc men đè gánh nặng lên vai vợ, những lần vào viện khẩn vì trào ngược dạ dày, hay các biến chứng khác do tiểu đường…

Vốn có tính tỉ mẩn, tôi đếm không ít hơn 7 lần người lính từng cận kề cái chết sát ngày giải phóng miền Nam nói: muốn chiến đấu giành lại sự sống, trở lại cuộc sống bình thường để được tiếp tục làm báo, làm thơ. Anh phải bán bài thơ vì lý do ấy.

Có lẽ phải ở vào hoàn cảnh của Trần Đình Chính mới thấu hiểu được nỗi giằng xé của anh khi quyết định rao bán đứa con tinh thần Ở hai đầu nỗi nhớ…

Ca sĩ Bảo Yến được cho là người thể hiện thành công nhất bài hát "Ở hai đầu nỗi nhớ", Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Trần Đình Chính (Trần Hoài Thu), mời độc giả nghe lại:

 
“Nghĩa tình đằm thắm hơn”

Sáng 8/1, Hà Nội đang đợt rét nhất năm, càng thêm giá buốt vì mưa phùn dày. Lần thứ hai tôi gặp chị tại một quán café cạnh nhà thờ Hàm Long.

Chị lúc này đã khác, không còn vẻ tất bật ban tối chăm chồng vì vẫn phải đi làm, là trụ cột kinh tế gia đình. Câu chuyện của chị lại xoay quanh những toa thuốc, bài thơ của anh Chính.

Chị nói nhiều để tôi hiểu, từ chối các câu hỏi về chính mình và về chuyện chị đến với anh Chính như thế nào. Chị thoáng cười hạnh phúc khi cùng tôi nói về chủ đề các con. Chị và anh đã có chung một con gái, đang học lớp hai.

Cũng là lần thứ hai, sau buổi tối gặp chị ở nhà, tôi thấy chị nghẹn ngào một lúc không nói tiếp được, nhưng không rơi nước mắt.

Người đàn bà trong đêm khác người đàn bà ban ngày, ban ngày có thể tất tả bươn chải, thậm chí “ngổ ngáo” một chút, nhưng đêm về mới là chính họ, là dịu dàng, bao dung. Trần Đình Chính đã nói như vậy khi kể về bài thơ Người đàn bà trong đêm.

Bằng sự trải nghiệm, tôi hỏi chị có phải bài thơ đó anh viết cho chị không, chị không trả lời nhưng nét mặt không giấu được vẻ hãnh diện, cho biết, bài thơ mới làm, rất gần đây thôi.

Nhưng trong các bài thơ còn lại, không bài nào Trần Đình Chính viết về bệnh tật của mình, chị cho biết.

Tôi nhờ chị gửi thêm một số bài thơ của anh Chính để đăng, như: Nhớ Bác, Quả bom đen và bông sen trắng, Người đàn bà trong đêm, và dĩ nhiên cả bài thơ gốc Ở hai đầu nỗi nhớ. Buổi chiều, thơ chị gửi, nhưng không có bài Người đàn bà trong đêm.

NHỚ BÁC

Ngoài vườn xanh
Những cánh hoa hồng đang nức nở
Những hạt sương mai ướt cả thân cành
Tất cả đều lonh lanh không ngừng rơi lệ
Khóc Bác đi xa xa mãi không về
Ôi những hạt mưa rơi
Não nề nhớ Bác
Nhớ những vườn hoa sớm chiều Bác lại
Bác tưới cho hoa đôi môi Bác nở nụ cười
Ôi từ nay không được thấy đôi môi Bác nở nụ cười tươi nữa
Nhưng chúng cháu vẫn đời đời nhớ ơn Người
Nhớ chòm râu Bác bay phất phơ trong gió
Đôi môi Bác vẫn nở một nụ cười
(viết năm 14 tuổi, 1969)

QUẢ BOM ĐEN VÀ BÔNG SEN TRẮNG

Chiều qua đi học về
Con gái tôi ngồi lại
Mắt nhìn ra xa vắng
Tay trống cằm im lặng

Trên mặt bàn trắng muốt
Một trái bom đen sì
Gai góc đâm sù sì
Muốn thiêu thế gian đi

Một bông sen trắng tinh
Đẹp dịu dàng thanh khiết
Hương thơm bay ngào ngạt
Bát ngát đồng lúa xanh

Đó là một bức tranh
Trong bài vẽ thực hành
Đề tài con tôi chọn
Hòa bình hay chiến tranh

Bom là mặt thằng giặc
Giặc dữ, giặc khủng bố
Sen trắng là Việt Nam
Là hòa bình độc lập

Không ai mong chiến tranh
Con muốn sống yên lành
Trời nhiều hoa và nắng
Hòa bình không chiến tranh

Ở HAI ĐẦU NỖI NHỚ

Có một không gian nào
 Đo chiều dài nỗi nhớ
Có khoảng mênh mông nào
sâu thẳm hơn tình thương

Anh đang ở Pai-lin
Rừng Khộp khô trong nắng
Thương em chiều mưa lạnh
Muốn gửi chút nắng hồng

Chào Phnoom- Pheeng mến yêu
Sức vươn tràn dũng sỹ
Tạm biệt dòng Bốn mặt
Sóng đang hát đôi bờ

Ở đầu này nỗi nhớ
Anh mơ về bên em
Ngôi sao như xuống thấp
Cho ta gần nhau hơn

Ở đầu kia nỗi nhớ
Nằm đếm tiếng mưa rơi
Được mấy triệu hạt rồi
Mà chưa vơi nỗi nhớ

Ở hai đầu nỗi nhớ
Yêu và thương sâu hơn
Ở hai đầu nỗi nhớ
Nghĩa tình thằm đắm hơn
(Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu khi phổ nhạc đã lược 2 khổ thơ thứ hai và thứ ba)

Theo Giáo dục Việt Nam

Bình luận
vtcnews.vn