Gặp họa sĩ Huế trút bỏ áo quần vì... khí hậu

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 29/03/2011 06:02:00 +07:00

(VTC News) - Bừng tỉnh sau một giấc mơ, Trần Hữu Nhật quyết định trút bỏ quần áo, ngắm mình trong gương để “vẽ ra một bức tranh như đã được mách bảo".

(VTC News) - Bừng tỉnh sau một giấc mơ kì quái, chàng họa sĩ người Huế quyết định trút bỏ quần áo, ngắm mình nhiều lần trong gương để “vẽ ra một bức tranh như đã được mách bảo”. Trần Hữu Nhật sẽ phản đối nếu ai bảo anh vẽ tác phẩm này từ sự ám ảnh tình dục.

Tác phẩm mang tên Im lặng, tái hiện hình ảnh một người đàn ông thoát y hoàn toàn trong rừng rậm, xung quanh là bầy hổ, khỉ, chó sói... Gương mặt và cơ thể nude của người đàn ông trong tác phẩm tạo ấn tượng về sự xấu xí và khắc khổ. Trần Hữu Nhật nói, đây chính là bức chân dung tự họa của anh bằng than củi với mong muốn gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tác phẩm của anh đang được trưng bày trong triển lãm Năng lượng của CLB Họa sĩ trẻ tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội.

Họa sĩ Trần Hữu Nhật bên tác phẩm của mình. (Ảnh: Họa sĩ Đỗ Hiệp). 
Nhà văn, nhà báo Lê Anh Hoài nhận xét: “Hai sự cởi bỏ quần áo của Ngọc Quyên và Hữu Nhật hoàn toàn khác nhau. Nếu việc các người mẫu, ca sĩ, diễn viên... trong giới showbiz nude là một hành vi, thì việc Hữu Nhật nude phải hiểu là sáng tạo nghệ thuật”.

Để vẽ được tác phẩm này, Hữu Nhật phải cởi quần áo, đứng trước gương nhiều lần để tự ngắm các chi tiết trên cơ thể mình và phác. Sau khi nghiên cứu kĩ, anh bắt tay vào dùng than củi để vẽ như nhập đồng.

Hữu Nhật là một họa sĩ hay biến các chất liệu từ không thể thành có thể, chẳng hạn, anh đã vẽ bằng café, dầu xe máy, than củi… Anh cho rằng, chất liệu chỉ là phương tiện, quan trọng là tinh thần mà người họa sĩ chuyển tải trong tác phẩm.

“Thông điệp này tôi muốn gửi đến không chỉ người Việt Nam, mà người Mỹ, người Úc… ở bất cứ đâu trên hành tinh xinh đẹp này là: Hãy ngồi lại với nhau để hạn chế vấn đề phá hoại môi trường. Tầng ozon hiện nay đã thủng, tôi có đọc được trong tài liệu khoa học rằng nay mai nó có thể tái tạo, nhưng nay mai là bao giờ?! Mọi người cần làm những điều tốt đẹp cho môi trường. Sự kiện động đất, sóng thần ở Nhật Bản vừa qua khiến tôi liên tưởng đến phim 2012 về ngày tận thế khiến tôi lo ngại và muốn mình phải làm nhiều hơn nữa cho tương lai”, anh nói.

Dù đoán trước sẽ gặp phản ứng nhưng Trần Hữu Nhật bị ám ảnh rất mạnh bởi giấc mơ kì dị, anh thấy mình không có một mảnh vải trên người giữa một khu rừng từa tựa Amazon, các loài thú vật bủa vây quanh, không kêu, không gào mà chỉ nhìn anh, một “sự im lặng sấm sét” như cầu cứu điều gì đó ở loài người. Im lặng ra đời như vậy.

Hữu Nhật biết người chê nhiều hơn người khen bức vẽ, nhưng anh cho rằng quan trọng là người chê là ai, có trình độ, nhận thức hay không. Khi được hỏi, liệu bức vẽ có phải là kết quả của sự ám ảnh về tình dục và bảo vệ môi trường chỉ là cái cớ mà anh mượn, Hữu Nhật nói thẳng: “Tôi chưa lập gia đình và đã có người yêu. Nhưng xin hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Không phải cứ nude là dục tính. Khi người ta thấy một cơ thể trắng nõn, phơi bày một cách sexy hoặc nude hoàn toàn, người ta nghĩ ngay đến dục tính”.


Cũng theo anh, những phản ứng của khán giả cho thấy người ta quan tâm đến bức vẽ, nhờ đó, thông điệp sẽ được truyền tải rộng hơn. Hữu Nhật cho rằng, chuyện nude ở nước ngoài như… cơm bữa, còn ở Việt Nam, cứ thấy nude là sốc, mà sốc là người ta phản ứng. Anh nói, Ngọc Quyên tự hào về thân thể mình và thông qua đó muốn gửi thông điệp bằng hình thức gây sốc nhưng người ta lại cứ chú ý đến chuyện nude nhiều hơn thông điệp.

“Đừng đặt câu hỏi là “tại sao phải nude để bảo vệ môi trường” vì trên thế giới người ta quảng cáo quần Jean, mỹ phẩm… cũng có thể nude và người ta cho rằng cái đẹp sơ khai của con người là một vũ trụ thu nhỏ”, Hữu Nhật khẳng định.


Anh nói mình tự hào về cơ thể, dù xấu hay đẹp, bởi: “Nếu mình không yêu mình thì không làm được việc gì. Điều đầu tiên muốn làm tốt là phải làm điều mình thích, thứ hai là nghiêm túc với cái mình làm, thứ ba là phải có chữ "Nhẫn". Vượt qua mọi ông thầy tôi đã học, ông thầy lớn nhất của tôi là thời gian, thời gian sẽ trả lời cho bạn rằng bạn có thành công hay không. Quy luật đào thải sẽ cho bạn biết, nếu làm không tốt, mọi nỗ lực sẽ trở thành con số 0”, Hữu Nhật cho hay.


Bức vẽ  được tác giả hoàn thiện từ năm 2009, là một trong số 60 bức tranh anh đã sáng tác trong 8 năm qua. “Tôi mong trong thời gian tới sẽ có cái nhìn khách quan hơn về nghệ thuật đương đại. Hãy cứ làm tốt công việc của mình và chờ đợi một ngày không xa”, họa sĩ ngậm ngùi.


Tự giới thiệu về bản thân, Trần Hữu Nhật nói: Tôi là thế hệ 8x, sinh năm 1981 nhưng ai hỏi tuổi tôi trả lời mình 17 tuổi. Già mà làm chi, hãy cứ trẻ đi, cứ làm việc nhiệt huyết đi mình sẽ trẻ. Bao nhiêu mỹ phẩm đắt giá nhất trên thế giới này không che nổi vết nhăn của thời gian, nhưng tâm hồn mỗi người trẻ thì không ai cướp đi được. Giấc mơ cũng vậy, không ai đánh thuế giấc mơ.


Tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế năm 2005, Hữu Nhật vừa vẽ, vừa đi dạy thêm về hội họa. Anh cho rằng chính hội họa đã chọn mình: “Tôi đến với hội họa từ trong bụng mẹ. Tôi chọn hội họa bởi một lý do rất đơn giản: Toán - Lý - Hóa tôi dốt, Văn - Sử - Địa toàn chữ khiến tôi buồn ngủ, chỉ có vẽ với tôi dễ ơi là dễ".

Cúc Chi

Bình luận
vtcnews.vn