Gần 7.000 phạm nhân ra ngoài lao động chỉ có 1 trường hợp bỏ trốn

Thời sựThứ Tư, 22/05/2019 17:42:00 +07:00

Quy định về tổ chức cho phạm nhân lao động tiếp tục gây tranh cãi tại phiên họp Quốc hội chiều 22/5.

Quy định về tổ chức cho phạm nhân lao động là nội dung quan trọng trong dự thảo Luật thi hành án hình sự (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chiều 22/5. 

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết trong tổng số gần 7.000 phạm nhân ra ngoài lao động chỉ có 1 phạm nhân bỏ trốn. 

Đây là tổng kết quá trình các trại giam liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân. Tại một số địa bàn có tình hình an ninh trật tự tốt và được chính quyền địa phương đồng ý, Bộ Công an cho thí điểm, cho phép các trại giam được tổ chức “Khu sản xuất” và được liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tổ chức các “Điểm lao động” ngoài trại giam.

le_thi_nga_lcdd

 Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga .

Cũng theo Uỷ ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), đối với người bị phạt tù thì lao động, học tập (bao gồm cả học nghề) là nghĩa vụ và là một trong những yêu cầu quan trọng của công tác giáo dục người chấp hành án phạt tù.

Việc giam giữ tập trung phạm nhân với số lượng lớn trong một thời gian dài, nếu không tổ chức cho họ lao động thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nguy cơ mất an ninh, an toàn tại các trại giam.

Vì vậy, công tác tổ chức lao động cho phạm nhân vừa nhằm giáo dục cải tạo, dạy nghề, cải thiện chế độ ăn, tạo thêm khoản thu nhập, chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời cũng là biện pháp quản lý hiệu quả.  

Từ thực tiễn nêu trên, UBTVQH nhận thấy, việc đổi mới công tác tổ chức lao động tại các trại giam theo đề nghị của Chính phủ, tạo điều kiện để phạm nhân có thể tham gia lao động phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cho phép của các trại giam là cần thiết.

UBTVQH đã chỉ đạo Bộ Công an có báo cáo đầy đủ về công tác tổ chức lao động tại các trại giam và việc thí điểm đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam.

Kết quả cho thấy, cả nước có 54 trại giam do Bộ Công an quản lý, hầu hết đều được đóng tại các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, nhất là về giao thông. Phần lớn các trại giam tại khu vực miền Bắc và miền Trung có diện tích đất hạn chế, phân tán, thổ nhưỡng xấu, rất khó khăn trong việc phát triển sản xuất, dạy nghề cho phạm nhân.

Đồng tình với quan điểm cần tổ chức đưa phạm nhân đi lao động bên ngoài trại giam, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ khẳng định đó là phương pháp giúp phạm nhân được học nghề, dần tái hoà nhập cộng đồng. 

"Lao động trong trại giam là tốt nhất nhưng thực tế, trại giam rất chật hẹp, rất khó đầu tư máy móc nhà xưởng hoặc không có đất để sản xuất nông nghiệp. Giá thành sản xuất sẽ rất cao nên doanh nghiệp không đầu tư. 

Để tháo gỡ, Bộ Công an đồng ý cho doanh nghiệp xây dựng nơi sản xuất theo mô hình của trại giam, đồng thời đảm bảo an ninh nên chỉ có 1 trường hợp bỏ trốn trong gần 7.000 phạm nhân được đưa ra ngoài lao động. Đây rõ ràng không phải là hoạt động kinh tế mà là dạy nghề, hướng nghiệp cho phạm nhân.

Hiện tại, các nước phát triển đã cho phép kết hợp giữa doanh nghiệp và trại giam. Thậm chí, ở nhiều nước, đây còn là trách nhiệm của các trại giam, giúp phạm nhân tái hoà nhập cộng đồng".

Ở chiều ngược lại, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng kiên quyết phản đối đề xuất này. Theo ông Nhưỡng, phạm nhân lao động cải tạo là chính đáng nhưng bắt buộc họ đi kiếm tiền là không chính đáng, phạm nhân không thể từ chối nếu quản giáo yêu cầu đi lao động bên ngoài.

"Buộc phạm nhân lao động bên ngoài là hình phạt ngoài luồng. Đưa phạm nhân đi làm việc vô cùng phức tạp, đã xảy ra những trường hợp đáng tiếc rồi. Việt Nam cũng là thành viên của tổ chức Lao động quốc tế, phải tuân thủ các quy chuẩn quốc tế. Nếu để phạm nhân lao động, hàng hoá của chúng ta có thể sẽ bị tẩy chay", ông Nhưỡng nêu quan điểm.

Kết lại, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi: "Việc đưa 7.000 phạm nhân ra ngoài lao động dựa trên cơ sở chủ trương nào của Đảng, nghị quyết, văn bản pháp luật nào?".

Nhạc Dương
Bình luận
vtcnews.vn