Gần 13.000 tỷ đồng 'nuôi' xe công mỗi năm: ĐBQH nói '10 năm nay vẫn không thay đổi'

Chính sách thuế và cuộc sốngThứ Hai, 26/10/2015 07:29:00 +07:00

Chi phí xe công gần 13.000 tỷ đồng: Đại biểu Quốc hội cho rằng thực trạng chi phí quá lớn cho xe công đã được nêu ra từ 10 năm nay nhưng vẫn chưa thay đổi.

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội cho rằng thực trạng chi phí quá lớn cho xe công đã được nêu ra từ 10 năm nay: Tốn kém, thiếu hiệu quả, lạm dụng nghiêm trọng nhưng đến nay vẫn chưa có sự thay đổi.

Tại cuộc họp báo chiều 23/10, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), ông Trần Đức Thắng đã đưa ra một con số giật mình là chi phí sử dụng một xe công trung bình khoảng 320 triệu đồng mỗi năm (bao gồm cả chi phí trả lương lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu…). Như vậy, ước tính mỗi năm, chi phí để 'nuôi' xe công có thể ngốn 12.800 tỷ đồng.

Nếu so với con số phân bổ ngân sách còn lại của Việt Nam hiện nay thì chiếm tới 1/4. Số tiền chi phí cho xe công đã khiến nhiều người không khỏi giật mình.
Hàng loạt xe công đỗ trên lề, dưới lòng đường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) (Ảnh: Tuổi trẻ)
Hàng loạt xe công đỗ trên lề, dưới lòng đường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội)
(Ảnh: Tuổi trẻ)
 
Trả lời VTC News về vấn đề này, đại biểu Trần Du Lịch, thành viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết không hề bất ngờ trước con số gần 13.000 tỷ đồng chi phí cho xe công một năm.

Việc ngân sách chi hàng chục nghìn tỷ mỗi năm cho xe công đã được đại biểu Trần Du Lịch và nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập hàng chục năm nay nhưng vẫn chưa có sự thay đổi.

“Vấn đề này tôi đã nói hàng chục năm nay nhưng chưa có thay đổi”, ông Trần Du Lịch nói.

 

Nhiều trường hợp sử dụng xe công vào việc riêng, sử dụng xe sai đối tượng, xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc với một số người không đủ tiêu chuẩn cũng diễn ra phổ biến.
ĐB Trần Du Lịch
 
Đại biểu Trần Du Lịch nêu thực tế trong nhiều năm qua báo chí cũng đã phản ánh rất nhiều trường hợp ở cả Trung ương và địa phương dùng xe công sai mục đích.


Nhiều trường hợp sử dụng xe công vào việc riêng, sử dụng xe sai đối tượng, xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc với một số người không đủ tiêu chuẩn cũng diễn ra phổ biến.

“Báo chí cũng phản ánh nhiều về việc dùng xe công đi hội hè đình đám, cưới hỏi…”, ông Lịch nêu.

Vì vậy, vị đại biểu Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng cần phải làm rõ những đơn vị sai phạm trong việc sử dụng xe công. Việc này cần phải có các cơ quan thanh tra tiến hành và công bố trước dư luận. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các cơ quan cũng chưa xử lý những trường hợp này. Đây cũng chính là điều kiện để việc sử dụng xe công sai mục đích vẫn tiếp tục diễn ra.

Đại biểu Trần Du Lịch cũng cho rằng để giải quyết vấn đề này thì phải nhanh chóng thực hiện đồng thời nhiều giải pháp.

Theo ông Lịch, trước hết cần phải làm rõ cán bộ nào được sử dụng xe công, mức độ sử dụng là như thế nào. Với quyết định mới, chỉ lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 và chức danh Thứ trưởng (hoặc tương đương) trở lên mới được dùng xe công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc.

Việc sử dụng xe công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc vẫn chưa đúng đối tượng ở cả cấp Trung ương và các địa phương.
Đại biểu Trần Du Lịch cho biết việc chi hàng nghìn tỷ đồng cho xe công hàng năm đã được nói từ nhiều năm trước
Đại biểu Trần Du Lịch cho biết việc chi hàng nghìn tỷ đồng cho xe công hàng năm đã được nói từ nhiều năm trước 
Chính phủ cũng quy định rất rõ chức danh nào thì được sử dụng xe có đơn giá bao nhiêu, nhưng nhiều năm qua vẫn còn hiện tượng mua xe vượt tiêu chuẩn, định mức.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 32 với nhiều quy định khắt khe và hợp lý hơn để quản lý việc mua sắm, sử dụng xe công.

Cụ thể, cơ quan này thống nhất nguyên tắc không tăng số lượng xe công và siết chặt điều kiện sử dụng hơn trước. Mỗi đơn vị sẽ chỉ có một đến hai chiếc xe phục vụ công tác chung.

Theo tính toán, hiện có 24.460 xe đang được phục vụ công tác này và con số này có thể sẽ giảm 7.000 chiếc nhờ quy định mới.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều chuyên gia cũng đề xuất nên khoán tiền sử dụng xe công vào lương của người sử dụng xe công hoặc quản lý bằng km cho các chức danh lãnh đạo có sử dụng xe công.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh ccho rằng, gần 13.000 tỷ đồng cho xe công hàng năm là một con số rất đáng lo ngại, bởi vì số lượng xe công là quá nhiều và việc lạm dụng xe công đã trở nên nghiêm trọng.

Ở các nước khác tuy kinh tế phát triển, nhưng việc đưa đón bằng xe công rất hạn chế. Ví dụ ở Thuỵ Điển, ông Thủ tướng không có xe công đưa đón, ông Thủ tướng tự đi bằng xe của mình hoặc đi tàu điện, xe bus, chứ không có xe công.

Quốc hội của Thuỵ Điển cũng xét duyệt từng khoản mục chi tiêu công rất chặt chẽ.

Trong khi đó, ở nước ta, việc cấp và lạm dụng xe công quá nhiều. "Tôi được biết là chủ tịch một liên hiệp hợp tác xã kiêm chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa của 1 tỉnh cũng được phát một xe biển xanh. Ông chủ tịch này dùng xe để đưa đón ông hàng ngày từ nhà đến cơ quan.

Việc lạm dụng diễn ra rất phổ biến. Ngoài ra dùng xe công cho việc không liên quan đến công việc diễn ra rất công khai như: Xe công đi lễ hội, xe công đi lễ chùa, xe công đi ăn cưới, xe công đi ăn giỗ,...Tất cả những việc này diễn ra trước mắt người dân, rất lộ liễu, nhưng người sử dụng xe công không hề thấy xấu hổ", ông Doanh nói.

 
Sử dụng lãng phí như thế này, không ngân sách và người đóng thuế nào có thể chịu được.
Lê Đăng Doanh
 
Theo ông Doanh, việc chi cho xe công quá nhiều như thế này là điều rất đáng lo ngại vì ngân sách hiện tại của chúng ta đã bị quá tải rất nhiều rồi. Trong khi đó, chi phí dành cho y tế cũng đang tăng lên. Trong chi phí y tế tính cả tiền lương bác sỹ, điện nước của bệnh viện. Như vậy, các bệnh viện công sẽ gánh được gì cho người nghèo?


Ông Doanh cho biết, việc sử dụng tiết kiệm xe công, trước đó dưới thời Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng cũng đã có quy định 2 Thứ trưởng cùng đi 1 xe, tức là lúc đi và về sẽ đi chung. Nhưng sau đó, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng mất thì lệnh đó cũng không ai nhắc và thực hiện nữa.

Trước tình hình ngân sách như hiện nay, theo ông Doanh, không chỉ xe công mà nhiều vấn đề khác cũng cần phải được đặt ra như: Thời chiến thì Thủ trưởng đi đâu cũng cần bảo vệ, cần tạp vụ đi theo. Nhưng giờ thì khác rồi nên cần phải xem lại xem đi đâu cũng có cần có bảo vệ đi cùng nữa không?

"Ngoài xe ô tô, các đại biểu cũng đã đề nghị giảm chi phí đi nước ngoài. Những việc này cần phải xem xét lại. Sử dụng lãng phí như thế này, không ngân sách và người đóng thuế nào có thể chịu được. Các khoản khác như đầu tư công, đường cao tốc giá cao cũng cần phải tính thêm", ông Doanh cho hay.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn