Gần 1.000 công trình thủy lợi, cây trồng Tây Nguyên vẫn có nguy cơ chết khát

Đời sốngThứ Ba, 10/03/2020 15:45:35 +07:00
(VTC News) -

Mùa khô chưa đến cao điểm nhưng nhiều hồ chứa ở Tây Nguyên đã cạn kiệt khiến hàng chục nghìn ha hoa màu có nguy cơ chết vì thiếu nước.

Theo các báo cáo của ngành nông nghiệp, Đắk Lắk hiện có đến 605 hồ thủy lợi, dung tích hơn 600 triệu mét khối nước, cao nhiều nhất vùng Tây Nguyên. Còn tỉnh Gia Lai có đến hơn 300 công trình thủy lợi gồm khoảng 100 hồ chứa, hơn 180 đập dâng và 42 trạm bơm, phục vụ khoảng 5 vạn hécta hoa màu. Nhưng ở thời điểm hiện tại, nhiều hồ, đập dần cạn kiệt, lưu lượng nước ở các sông lớn tại 2 tỉnh này cũng giảm mạnh.

Xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh (Gia Lai) mọi năm vẫn đủ nước tưới cho cây nông nghiệp, nhưng từ sau Tết Nguyên đán 2020 xuất hiện tình trạng khan hiếm nước khiến nông dân gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Hữu Kiêm (thôn 6, xã Nghĩa Hưng) cho biết: “Trước đây ở đây có hai nguồn nước tưới, một là của công ty cổ phần chè, hai là nước giếng của gia đình. Mới tưới đợt 1 mà giếng thì đã cạn nên tôi đang lo đợt 2. Hiện tôi chưa biết lấy nước ở đâu để tưới đây. Cà phê cũng đang có biểu hiện thiếu nước, lá héo”.

Huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai), nơi có diện tích trồng cà phê lớn, cũng có chung nỗi khổ này. Anh Phạm Văn Thắm (thị trấn Ia Kha) chia sẻ: “Vườn nhà tôi tưới đợt 1 trước tết, vào đợt 2 thì xảy ra tình trạng thiếu nước trên cả vùng. Để tích trữ nước, nhiều hộ đắp đập, ngăn suối nên chúng tôi càng thiếu trầm trọng. Các chủ vườn đang thay nhau tưới cà phê và chờ nước mạch ra. Nhiều hộ phải tranh thủ tưới đêm mới có nước. Nếu cứ nắng hạn như hiện nay thì chắc chắn đợt tưới thứ ba sẽ thiếu nước trầm trọng”.

Gần 1.000 công trình thủy lợi, cây trồng Tây Nguyên vẫn có nguy cơ chết khát - 1

Nhiều vườn cà phê héo úa vì thiếu nước. .

Tương tự, nông dân Đắk Lắk cũng đang lo lắng vì hoa màu thiếu nước, có dấu hiệu khô héo. Ông Trần Thế Hoan - Giám đốc Công ty Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, cho biết: “Trong vụ đông xuân 2019-2020, chúng tôi cung cấp nước cho hơn 50 nghìn ha cây trồng trong toàn tỉnh. Tuy nhiên hiện tại, mới vào đầu mùa khô mà nhiều hồ chứa cạn kiệt dần. Một số đập dâng chảy quá yếu nên không đủ cung cấp nước phục vụ tưới tiêu”.

Công ty trên quản lý hơn 300 công trình thủy lợi. Đến đầu tháng 3, ở 55 hồ, mức nước chỉ còn 50%-70%, 29 hồ có mức nước dưới 50% và 5 hồ cạn kiệt. Các hồ cạn nước tập trung chủ yếu ở các huyện Ea H’leo, Lắk - nơi có diện tích trồng hoa màu lớn.

Chủ hồ Ea Kao - hồ chứa nước lớn nhất TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) - cho hay: “Hiện vẫn còn hơn 12 triệu mét khối nước, đủ phục vụ hơn 1.200ha hoa màu của thành phố và các vùng lân cận trong giai đoạn cao điểm sắp đến, nhưng phải tính toán kỹ lưỡng. Nếu không phân bổ nguồn nước một cách hợp lý thì rất dễ đủ trước nhưng hụt sau”.

Gần 1.000 công trình thủy lợi, cây trồng Tây Nguyên vẫn có nguy cơ chết khát - 2

Nếu phân bổ hợp lý, hồ Ea Kao (Đắk Lắk) đủ nước để cứu cây trồng trong giai đoạn cao điểm của mùa khô.

Ông Nguyễn Thành Long - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, cho biết: “Chỉ mong trời mưa vì nhiều hồ, đập lớn ở tỉnh hiện có trữ lượng nước thấp, khó cung cấp đủ trong cả mùa khô hạn sắp đến. Các địa phương cần tổ chức nạo vét cửa lấy nước trên sông, suối để có nước chống hạn. Chi cục cũng hướng dẫn cách khắc phục tình trạng thiếu nước ở các giếng đào, giếng khoan và các công trình. Ngoài ra, cần đắp bao tải đất tại ngưỡng tràn đập dâng để nâng cao cột nước, chống hạn”.

Ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đang ráo riết khuyến cáo bà con chủ động chống hạn cho cây trồng, tăng cường sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến để ứng phó với khô hạn trong thời gian tới.

Video: Hạn mặn khốc liệt, nhà vườn Tiền Giang chắt chiu từng can nước cứu cây

THANH HẢI - HIỀN MAI
Bình luận
vtcnews.vn