Gaddafi liên tiếp "cụt tay": Ngày tàn hay khổ nhục kế?

Thế giớiThứ Bảy, 02/04/2011 06:43:00 +07:00

(VTC News) - Một số nguồn tin cho rằng hiện đã có thêm 12 quan chức thân cận rời bỏ Tổng thống Libya tới Anh, và chế độ Gaddafi đã đến ngày tàn.

(VTC News) - Một số nguồn tin cho rằng hiện đã có thêm 12 quan chức thân cận rời bỏ Tổng thống Libya tới Anh. Trong khi đó, ông Gaddafi lớn tiếng chỉ trích các nhà lãnh đạo của Mỹ và các đồng minh phương Tây là những kẻ “phát cuồng vì quyền lực” và tuyên bố họ chứ không phải ông sẽ là những người phải ra đi.

Sau cuộc tẩu thoát ngoạn mục của Ngoại trưởng Libya Moussa Koussa, một nguồn tin cho biết đã có thêm nhiều quan chức rời bỏ ông Muammar Gaddafi tới Anh để sống lưu vong. Không chỉ thế, một nhóm các quan chức hàng đầu của ông Gaddafi cũng đã ở lại Tunisia sau khi được cử sang đó để đàm phán.

 

Ngoại trưởng Libya là một trong số những người đầu tiên khơi mào cuộc đào tẩu 

Một tờ báo ở Ả Rập cũng đưa tin, ông Mohammad Abu Al Qassim Al Zawi, người đứng đầu Ủy ban nhân dân cũng là một trong số những người bỏ trốn.

Ngoài ra, ông Shokri Ghanem quan chức cấp cao trong lĩnh vực dầu khí cũng được đồn đoán là đã đào tẩu.

Hôm 31/3, ông Shokri đã nói với tờ Reuters rằng ông đang ngồi tại văn phòng của mình để trả lời phỏng vấn và phủ nhận việc tẩu thoát của mình. Tuy nhiên, trong cùng ngày, một quan chức cấp cao khác đã tuyên bố rằng ông sẽ không phục vụ chế độ của Gaddafi nữa.

Phóng viên Nazanine Moshiri thường trú của hãng thông tấn Al Jazeera ở Tunisia cho biết ông Abu Zayed Dordah, cựu Tổng thống Libya vào những năm 1990 tới 1994 cũng là một trong số các quan chức cấp cao đào tẩu.

Ông Ali Abdessalam Treki, cựu Ngoại trưởng của Libya đã được tái bổ nhiệm giữ chức vụ này và đã trở thành đại diện của quốc gia này tại Liên Hiệp Quốc sau khi một làn sóng đào tẩu bùng nổ.

 

Tuy nhiên, theo một vài trang web của phe đối lập thì ông Treki, người hiện đang ở Cairo đã tuyên bố sẽ không đảm nhận chức vụ đó hay bất kì chức vụ nào khác.

"Sụp đổ từ bên trong"

Ngoại trưởng Anh, William Hague nói rằng ông Koussa không được miễn truy tố hình sự và đang “tự nguyện khai báo” với các nhà chức trách ở đây. Hiện ông ta đang ở một nơi an toàn và tham gia vào các cuộc thảo luận với các nhà ngoại giao ở Anh, bao gồm cả những người đã từng làm việc tại Đại sứ quán đã bị đóng cửa của Anh tại Libya trước kia.


Các quan chức cấp cao của Libya bị nghi là đã trốn thoát khỏi đất nước này 

Ông Hague nói: “Việc ông Kousa từ chức cho thấy chế độ của ông Gaddafi đang bị chia rẽ, chịu những áp lực và đổ nát từ bên trong”.

Hôm qua, một phát ngôn viên của chính phủ Libya đã xác nhận chuyện ông Koussa từ chức, tuy nhiên khẳng định nhân dân vẫn rất ủng hộ Tổng thống Gaddafi.

Ông Moussa Ibrahim nói rằng quyết định của ông Koussa “mang tính cá nhân”, tuy nhiên, nhiều người khác sẽ “làm theo và sẽ đào tẩu”. Sở dĩ ông Koussa được cho phép sang Tunisia là bởi ông bị bệnh tiểu đường và cao huyết áp.

 

Siết chặt an ninh

Kể từ ngày 15/2 đến nay, nhiều quan chức chính phủ đã từ bỏ ông Gaddafi để đi tị nạn. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Abdel Fattah Younis và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mustafa Mohamed cùng nhiều đại sứ khác của Libya trên toàn thế giới đã từ bỏ quyền lực và bỏ trốn.

Một nhà ngoại giao hàng đầu của Libya, giờ đã về phe phiến quân nổi dậy cho biết do có nhiều người bỏ trốn nên vấn đề an ninh được bảo mật chặt chẽ và việc rời khỏi đất nước này trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khiến nhiều quan chức cấp cao của Libya dù cũng đang nỗ lực bỏ trốn nhưng không thành.

Ông Ibrahim Dabbashi, Phó đại sứ của Libya tại Liên Hiệp Quốc cho hay giờ ông hoàn toàn ủng hộ phe đối lập và nói: “Chúng tôi biết rằng nhiều quan chức cấp cao của Libya đang cố gắng bỏ trốn. Tuy nhiên, hầu hết trong số họ đều bị kiểm soát chặt chẽ và không thể rời khỏi đất nước. Tôi đảm bảo rằng nhiều người trong số họ sẽ chớp lấy ngay từ cơ hội đầu tiên để có thể rời khỏi đất nước đó”.

Những câu hỏi hóc búa

Các nhà chức trách Scotland cho biết họ muốn phỏng vấn ông Koussa về việc đánh bom ở Lockerbie (một thị trấn của Scotland) vào năm 1988. Vụ đánh bom này khiến 259 người thiệt mạng, hầu hết là người Mỹ đang ngồi trên máy bay và 11 người đang ở trên mặt đất.

Cuộc chiến ở Libya chưa thấy có dấu hiệu hồi kết  

Ở một góc nhìn khác, ông Henry Schuler, nhà ngoại giao kì cựu của Mỹ ở Libya khuyến cáo, nên đề cao cảnh giác với chuyến bay tới Anh của ông Moussa Koussa, Ngoại trưởng Libya vừa tuyên bố từ chức.

Trả lời phỏng vấn các phóng viên hãng thông tấn Al Jazeera, ông nói các nhà chức trách ở Anh nên cẩn trọng trước những phát ngôn “bề nổi” của ông Moussa: "Chúng ta phải thực sự suy nghĩ về điều bất thường là ông Moussa Koussa có thể rời Libya mà không bị phát hiện. Nhất là khi tên ông ta rõ ràng không có trong các sắc lệnh đóng băng tài sản và cấm xuất ngoại, trong khi chắc chắn đã có cảnh báo giúp ông Gaddafi liệu trước được chuyện gì sẽ xảy ra.

Chúng ta cũng phải cảnh giác tới trường hợp có "một ai đó" cố tình đẩy ông Moussa đi. Tôi không thể tin lại có chuyện ông Gaddafi dễ dàng từ bỏ đi cơ hội giữ chân Moussa lại. Tôi không dám chắc liệu ông ta xuất ngoại có phải để làm một việc gì đó cho ông Gaddafi - như ông ấy đã từng làm trong suốt nhiều thập kỉ qua - hay không”.

Bản thân ông Gaddafi vẫn lớn tiếng thách thức khi nói rằng ông sẽ không phải là người phải ra đi, mà lãnh đạo các nước phương Tây – những người đã tàn sát quân đội của ông bằng những cuộc không kích mới phải làm việc đó ngay lập tức.

Ông Gaddafi còn xem các nhà lãnh đạo Mỹ và các đồng minh phương Tây – những người chỉ huy các cuộc không kích tấn công Libya – là những kẻ “phát cuồng vì quyền lực”.

Kiều Vui(tổng hợp DM, aljazeera)
Bình luận
vtcnews.vn