G7 vẫn còn những rạn nứt

Tư liệuThứ Hai, 14/06/2021 19:04:21 +07:00
(VTC News) -

Ngày 13/6, kết thúc cuộc họp thượng đỉnh kéo dài 3 ngày, các lãnh đạo G7 đưa ra tuyên bố chung, nhưng cốt lõi của vài vấn đề quan trọng chưa đạt được sự đồng thuận.

Đoàn kết nhưng vẫn có “rạn nứt”

Tại ngày họp cuối cùng của Hội nghị Thượng đỉnh G7 hôm 13/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo phương Tây đã đưa ra tuyên bố mang tính đối đầu về hành vi của chính phủ Nga và Trung Quốc.

Tuyên bố chung của Thượng đỉnh G7 phản đối Trung Quốc “vi phạm nhân quyền” và chỉ trích Nga chứa chấp các phần tử tấn công mạng. Đồng thời, nhóm G7 cũng cam kết sẽ điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19.

G7 vẫn còn những rạn nứt - 1

Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Cornwall, Anh. (Ảnh: Getty Images)

Kết thúc hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các nhà lãnh đạo đã cố gắng thể hiện sự đoàn kết nhằm chống lại một loạt các mối đe dọa.

Tuy nhiên, theo NY Times, các nhà lãnh đạo G7 vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về một số vấn đề quan trọng, từ mốc thời gian ngừng tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện đốt than cho đến cam kết viện trợ hàng chục hoặc hàng trăm tỷ USD để thách thức sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá hàng nghìn tỷ USD của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tại khu nghỉ dưỡng ở Vịnh Carbis, Cornwall, phía Tây Nam nước Anh, phần lớn những nhà lãnh đạo tham gia hội nghị thượng đỉnh đều chào đón một tinh thần mới khi họ bắt đầu hàn gắn những rạn nứt trong 4 năm làm việc với người tiền nhiệm của ông Biden, cựu Tổng thống Donald Trump.

Thật tuyệt khi có một Tổng thống Mỹ là một phần của nhóm G7 và rất sẵn lòng hợp tác”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói sau cuộc gặp với ông Biden.

Sự khác biệt về tinh thần trong Hội nghị Thượng đỉnh G7 là điều đáng chú ý. Lần cuối cùng nhóm G7 họp trực tiếp là vào năm 2018 tại Canada và tuyên bố chung của họ không đề cập đến việc Trung Quốc và Mỹ bất đồng quan điểm với tất cả các cam kết về khủng hoảng khí hậu. Sau đó, ông Trump đã rút sự ủng hộ của Mỹ khỏi tuyên bố cuối cùng của cuộc họp.  

Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh lần này có những âm hưởng rõ rệt như thời Chiến tranh Lạnh khi phản ánh sâu sắc rằng, sự sa sút của Nga và sự trỗi dậy của Trung Quốc đang hình thành khối đối địch để thách thức phương Tây.

Bản tuyên bố cuối cùng của G7 kêu gọi Trung Quốc khôi phục các quyền tự do được đảm bảo cho Hong Kong, đồng thời chỉ trích hành vi can thiệp bầu cử và đàn áp có hệ thống của Nga đối với những người bất đồng chính kiến và các phương tiện truyền thông.

Trước khi Thượng đỉnh G7 kết thúc, Trung Quốc đã đưa ra lời cảnh báo các nhà lãnh đạo G7. “Thời kỳ một nhóm nhỏ các quốc gia quyết định các vấn đề toàn cầu đã qua lâu rồi”, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc ở London (Anh) cho biết trong một tuyên bố.

Ngay cả khi ông Biden thành công trong việc kêu gọi những người đồng cấp của mình ở Anh đi theo một quan điểm tích cực hơn chống lại các chế độ chuyên quyền, nhóm G7 đã không đạt được thỏa thuận về các phần quan trọng trong chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của tổng thống.

Các nhà lãnh đạo G7 vẫn chưa đưa ra mốc thời gian cụ thể để loại bỏ việc sử dụng than để sản xuất điện. Theo các nhà hoạt động trong lĩnh vực khí hậu, điều này cho thấy sự thiếu kiên quyết để giải quyết với một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Đồng thời, trong khi các nhà lãnh đạo kêu gọi Trung Quốc tôn trọng “các quyền tự do cơ bản, đặc biệt là liên quan đến Tân Cương”, vẫn không có thỏa thuận nào về việc cấm phương Tây tham gia vào các dự án hưởng lợi từ lao động cưỡng bức.

Thay vào đó, nỗ lực đối phó với các hành vi vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh đã kết thúc bằng một tuyên bố rằng các đồng minh đang thành lập một nhóm để “xác định các lĩnh vực cần tăng cường hợp tác và có những nỗ lực tập thể nhằm xóa bỏ việc sử dụng tất cả các hình thức lao động cưỡng bức”.

Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Biden, hôm 13/6 cho biết: “Liệu chúng ta có thể biến các cam kết về lao động cưỡng bức và chấm dứt tài trợ than ở nước ngoài thành kết quả thực sự vào cuối năm nay hay không?”.

Tuyên bố chung của lãnh đạo G7 có gì?

Nhóm G7 đã thảo luận một kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng cho các nước đang phát triển nhằm cạnh tranh với sáng kiến Vành đai và Con đường, với cái tên sáng kiến “Tái thiết Thế giới tốt đẹp hơn” (B3W).

Các cố vấn của ông Biden nói rằng, tổng thống chưa bao giờ mong đợi sẽ thuyết phục các đồng minh điều chỉnh để phù hợp với toàn bộ chương trình nghị sự của mình. Tuy nhiên, họ cho biết ông Biden đã tiến tới các thỏa thuận cụ thể, bắt đầu với mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% nhằm ngăn các công ty tìm kiếm “thiên đường thuế” để đặt trụ sở chính.

Các cố vấn của Tổng thống Biden cũng trích dẫn cam kết cung cấp hơn 1 tỷ liều vaccine Covid-19 cho các nước đang phát triển cho đến cuối năm 2022 của G7, trong đó 500 liều vaccine sẽ đến từ Mỹ. Ông Biden hôm 13/6 nói rằng, việc phân phối vaccine sẽ là một “dự án liên tục trong một thời gian dài”.

G7 vẫn còn những rạn nứt - 2

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AP)

Các nhà lãnh đạo G7 nhất trí với cam kết sẽ cắt giảm một nửa lượng khí thải ở nước mình tính đến năm 2030, một sự trái ngược hoàn toàn với tuyên bố mà nhóm các nền công nghiệp lớn trên thế giới đưa ra 3 năm trước ở Charlevoix, Canada, nơi Mỹ từ chối ký cam kết chung của G7 về chống biến đổi khí hậu.

Trả lời các phóng viên tại một cuộc họp báo trước khi đến thăm Nữ hoàng Anh Elizabeth II tại Lâu đài Windsor, Tổng thống Biden nói rằng ông “hài lòng” với cách tuyên bố chung của các lãnh đạo G7 khi đề cập Trung Quốc.

Tôi nghĩ Trung Quốc phải bắt đầu hành động có trách nhiệm hơn theo các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền và tính minh bạch trên mọi lĩnh vực”, ông Biden nói.

Theo cố vấn Sullivan, các nhà lãnh đạo G7 có quan điểm khác nhau về chiều sâu của những thách thức từ Trung Quốc và cách điều chỉnh hợp tác trong việc đối phó với Bắc Kinh.

Ông Sullivan cho rằng, chiến lược là “đừng cố gắng thúc đẩy đối đầu hoặc xung đột, nhưng hãy chuẩn bị tập hợp các đồng minh và đối tác hướng tới những vấn đề sẽ cạnh tranh gay gắt trong những năm tới như an ninh cũng như kinh tế và công nghệ”.

Về phía Nga, ông Biden nói với các phóng viên rằng, ông đồng ý với đánh giá của ông Putin rằng quan hệ giữa Washington và Moscow đang ở mức thấp nhất trong những năm gần đây và cam kết sẽ trao đổi thẳng thắn với ông Putin tại cuộc họp thượng đỉnh vào ngày 16/6 tại Geneva.

Đứng đầu danh sách các mối quan tâm trong cuộc họp là cuộc tấn công mạng SolarWinds, một nỗ lực tinh vi của cơ quan tình báo Nga nhằm làm giảm niềm tin vào mạng lưới máy tính của Mỹ bằng cách xâm nhập vào phần mềm quản lý mạng được sử dụng bởi các cơ quan chính phủ và phần lớn các công ty Mỹ.

Tuy nhiên, ông Biden cũng chỉ ra các lĩnh vực có thể thỏa hiệp, bao gồm cung cấp lương thực và hỗ trợ nhân đạo cho người dân ở Syria. “Nga đã tham gia vào các hoạt động mà chúng tôi tin là trái với các chuẩn mực quốc tế, nhưng họ cũng đã giải quyết được một số vấn đề”, ông Biden nói.

Về vấn đề khí hậu, các chuyên gia năng lượng cho biết, việc các quốc gia G7 chưa thống nhất được thời gian cụ thể về việc chấm dứt sử dụng than sẽ làm suy yếu khả năng gây áp lực cho Trung Quốc về việc hạn chế sử dụng than.

Nhóm G7 cam kết rằng các quốc gia của họ sẽ chấm dứt tài trợ quốc tế vào năm 2022 cho các dự án sử dụng than, không bao gồm công nghệ thu giữ và lưu trữ khí thải carbon dioxide. Đồng thời, các nhà lãnh đạo cũng cam kết sẽ đẩy nhanh nỗ lực nhằm cắt giảm phát thải khí nhà kính.

Mai Trang(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp