Fujifilm X100s và sự trở lại của thú chơi máy ảnh Fuji

Tổng hợpThứ Ba, 14/05/2013 10:06:00 +07:00

Sự cải tiến này không đến từ thiết kế bề ngoài mà là những cải tiến ở bên trong, ở những gì được gọi là “linh hồn” của một chiếc máy ảnh.

Mất dấu trên thị trường máy ảnh cao cấp một thời gian khá dài với sự lấn át của những tên tuổi như Leica, Canon, Nikon, tưởng chừng như cái tên Fujifilm sẽ dần đi vào quên lãng, thì năm 2010  hãng công nghệ Nhật Bản này tiếp tục tung ra thị trường chiếc máy ảnh X100. Mặc dù có nhiều lỗi nhưng X100 cũng đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng của Fujfilm thời điểm đó. Sau 3 năm, tháng 4  năm 2013, phiên bản kế nhiệm của mẫu máy này lại được trình làng với tên gọi X100s với nhiều cải tiến đáng giá. Sự cải tiến này không đến từ thiết kế bề ngoài mà là những cải tiến ở bên trong, ở những gì được gọi là “linh hồn” của một chiếc máy ảnh: từ cảm biến, cho đến tốc độ lấy nét hay kính ngắm quang học.

 

 

  Fujifilm  X100s – Bản nâng cấp đáng giá so với những người tiền nhiệm

  Nhìn vẻ bề ngoài X100s và X100 gần như không có gì khác biệt cho lắm, chúng thực sự là những người anh em song sinh. Vẫn là thiết kế ấy, dáng dấp ấy, rất hoài cổ, rất Fuji. Một phong cách quen thuộc với những ai đã quen dùng máy ảnh cơ chụp phim đã từng vang bóng một thời.

Từ những đường răng cưa tỉ mẩn trên ống kính, các nút bấm cho đến viền bao da bao bọc thân máy, hay cách điều chỉnh khẩu độ bằng tay. Một chút cổ điển nhưng lại mang đến cho người cầm máy rất nhiều cảm hứng chụp, rất nhiều say mê để đi đến cùng cuộc chơi ánh sáng. Người ta bảo nhiếp ảnh là nghệ thuật của ánh sáng mà.

 

Nếu như X100 gây thất vọng với người dùng ở tốc độ lấy nét chậm, thì X100s đã khắc phục được nhược điểm này. Máy có tốc độ lấy nét nhanh hơn. Ngoài ra chính việc lấy nét bằng tay cũng trở nên khác hơn khi Fujfilm đã trang bị thêm cho máy 2 tính năng mới. Ðộ phân giải của máy được tăng lên 16.1 mega pixel, tương đương với độ phân giải của dòng máy X-Pro1 cao cấp của hãng. Fujifilm X100s cũng sử dụng cảm biến CMOS thế hệ thứ 2 cùng với công nghệ X-Trans giúp cho hình chụp được sắc nét hơn, giảm thiểu được hiện tượng nhiễu ảnh.

Cũng giống như những chiếc máy thiết kế nhỏ gọn khác, X100s không tránh khỏi một điểm trừ đáng tiếc là máy có thời lượng pin khá ngắn, bạn chỉ đủ thời gian để chụp được khoảng 300 kiểu ảnh. Bù lại, người dùng có thể mua pin dự phòng của hãng thứ 3, với mức giá chỉ khoảng 200 nghìn một viên pin. Ðể có thể sở hữu X100s người chơi ảnh sẽ phải bỏ ra một khoản chi phí khoảng 27 triệu đồng.

Nếu bạn là một người thích chụp ảnh ở nhiều tiêu cự khác nhau thì Fuji X100s có thể sẽ khiến bạn không hài lòng cho lắm vì nó không thể thay đổi được ống kính. Nhưng nếu bạn yêu một thiết kế nhỏ gọn, bạn là một người hoài cổ thì X100s có thể gợi lại cho bạn về những chiếc máy cơ đã từng thịnh hành trong quá khứ.

 

    …Và sự trở lại của thú chơi máy ảnh Fujifilm

Tình yêu với Fujifilm của những người trẻ Hà Nội cũng nhẹ nhàng trầm lắng như chính phong cách máy ảnh Fuji. Hội chơi máy ảnh Fujifilm ở Hà Nội không nhiều, nhưng quý hồ tinh bất quý hồ đa, họ thường có những buổi offline nho nhỏ, để cùng trao đổi, bàn luận về ảnh, máy ảnh và về kinh nghiệm chụp. Ðể thỏa mãn niềm đam mê và cũng để có thêm nhiều kiến thức về chụp ảnh, họ đều là những người không chuyên, người làm báo, người làm ngân hàng, kinh doanh… Mỗi người sử dụng một dòng máy Fujifilm khác nhau và sự gặp gỡ này cũng là dịp để họ trao đổi máy ảnh, trải nghiệm được nhiều hơn về Fuji. Và bởi thế câu lạc bộ Fuji X ra đời. Từ thời Xpro 1 hay X100, Fuji vẫn chịu điều tiếng là có tốc độ lấy nét chậm. Nhưng cùng với thời gian, những bản nâng cấp firmware – phần mềm điều chỉnh máy, Xpro 1 cũng được cải tiến đáng kể về tốc độ lấy nét. Và phiên bản kế nhiệm của X100 là X100s cũng là một sự nâng cấp đáng giá về tốc độ lấy nét, không chỉ nhanh hơn mà còn chính xác hơn. Ðó là nhờ vào cảm biến X-trans Cmos II được tích hợp các điểm ảnh nhận diện chùm sáng cho khả năng lấy nét trong khoảng thời gian 0,8 giây.

Có thể nói, nước ảnh của Fujifilm X là điều khiến người chụp dòng máy này yêu thích nhất. Nước ảnh kĩ thuật số song lại mang âm hưởng của những tấm phim âm bản ngày xưa, cái thuở hoàng kim khi Fujifilm còn nổi danh trong  lĩnh vực sản xuất film âm bản. Ðây cũng là một bí truyền trong chu trình sản xuất của hãng máy ảnh gần 100 năm lịch sử này. Vì thế cho dù chuyển sang lĩnh vực máy ảnh kỹ thuật số thì chất lượng màu của Fujifilm gần như vẫn được giữ nguyên như thời máy ảnh cơ. Ðiều mà những tín đồ Fuji không thể nào tìm được trong các dòng máy Canon hay Nikon.

 

Từ những năm 40 của thế kỷ trước, hãng Fujifilm đã bắt đầu sản xuất ống kính Fujinon cho quân đội Nhật bản. Nhật Bản là đất nước nổi tiếng với sự kỉ luật và hà khắc, trong lao động và sản xuất. Quá trình chế tác ống kính Fujinon của hãng cũng không nằm ngoài chu trình khép kín và kỉ luật đó. Chính vì vậy, mỗi loạt phim, mỗi chiếc máy ảnh và ống kính Fujifilm ra đời đều là kết quả từ sự chau chuốt và hà khắc của mỗi kĩ sư tại Fujifilm Nhật Bản. Bộ phim 3D thành công đầu tiên trên thế giới AVATAR được quay bằng ống kính Fujinon của hãng Fujifilm. Ống kính này một lần nữa lại hiện diện trong các dòng máy ảnh kỹ thuật số mới của Fujifilm như X100s.

    Tạm kết …..

Quá ít nút bấm trên máy, thao tác cũng chậm, lấy nét chậm, xem lại ảnh cũng chậm, nói như một gã trai mê Fuji thì “làm gì cũng chậm”, thì đã sao, vì đã trót yêu rồi. Sẽ biết kiên nhẫn thôi. Giống như khi bạn yêu một cô gái, cũng có lúc cô ấy hờn dỗi vô cớ, hay sớm nắng chiều mưa, bạn vẫn yêu cơ mà. Họ vẫn yêu Fuji, dù lắm lúc cũng khó chịu lắm. Một khoảnh khắc bất chợt đến, đẹp lắm, ưng ý lắm, nhưng, lấy nét chưa xong, đã vụt trôi qua mất. Nhất là khi muốn chụp ảnh báo chí, ảnh thể thao, hay ảnh trẻ con… Dễ bực mình đấy… Nhưng thôi, lại nhớ, cái thời chụp máy cơ, cân đo đong đếm mãi mới bấm được một khuôn hình, thì bây giờ X100s hay Xpro 1 như níu ta lại trong cuộc sống quay cuồng này và thủ thỉ bảo “thôi, hãy sống chậm lại”…

Hoàng Yến

Bình luận
vtcnews.vn