Fan cuồng nói về Bảo Yến: Nữ danh ca có một không hai

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 04/10/2012 03:24:00 +07:00

(VTC News) - “Fan cuồng” của danh ca Bảo Yến, gửi tới độc giả những dòng tâm sự chân thành về mối tình cảm suốt 20 năm qua với thần tượng.

(VTC News) - Ca sĩ Long Nhật, tự nhận là một “fan cuồng” của danh ca Bảo Yến, gửi tới độc giả những dòng tâm sự chân thành về mối tình cảm suốt 20 năm qua với thần tượng.

Đồng thời, anh vẽ nên một chân dung Bảo Yến thật đặc biệt, có một không hai trong showbiz Việt: Một người hát hết mình trên sân khấu, một người phụ nữ khổ đau trong mối quan hệ vợ chồng với nhạc sỹ nổi tiếng Quốc Dũng bởi bao nhiêu năm chịu đựng nỗi ghen tuông dằn vặt; và một người đàn bà vô cùng nhạy cảm, nhạy cảm quá tới mức đôi khi tính cách đó khiến chị khổ hơn người khác.

Long Nhật cùng thần tượng âm nhạc của anh - Bảo Yến - đứng chung sân khấu. 

Tôi mê Bảo Yến từ lúc còn học cấp 2, cấp 3. Nghe chị hát từ trước khi có băng nhạc Gò Công đình đám của chị. Từ thời tivi còn đen trắng và chỉ có mỗi kênh trung ương phát từ 7 đến 9h các tối thứ 3, 5, 7 và chủ nhật. Bấy giờ tiếng hát Bảo Yến cũng chỉ phát trên đài trung ương, tôi nghe từ đài Huế là họ phải lấy băng từ đài khác về phát.

Tôi còn nhớ mãi lần đầu tiên được xem Bảo Yến hát trên tivi, chị mặc quần jeans, tóc cắt mái bằng, mặc đồ như một kỹ sư xây dựng trên sân khấu dựng như một công trường, hát bài Nói chuyện với người trong tranh của nhạc sĩ Triều Dân.

Với chất giọng trầm ấm anto có độ khàn và cách xử lý tác phẩm tài tình, chị hát nhẹ nhàng như đang nói chuyện. Và cậu bé nhạy cảm là tôi khi ấy đã bị chinh phục hoàn toàn. Tối đó tôi mất ngủ, trằn trọc cả đêm với hình ảnh chị và giọng hát của chị.

Sau đó tôi bắt đầu để ý xem rất nhiều chương trình chị hát, với các ca khúc như Tình biển, Tình ca trên biển, Bài thơ Đà Lạt, Ngõ vắng xôn xao, Happy New Year, Hotel California, Lamblaiza, Hotstop...

Chị đa tài, thể loại nào hát cũng hay. Ca khúc sang trọng hay bình dân, nhạc vàng hay nhạc cách mạng, trữ tình quê hương, nhạc xanh, những ca khúc dễ thương hay những ca khúc tiền chiến, kinh điển chị đều hát thành công một cách tài tình, khiến cả khán giả lẫn người trong giới đều phải tâm phục khẩu phục.

Khi hát những ca khúc trữ tình thì chị dịu dàng thiết tha trong tà áo dài, nhưng đến khi hát những ca khúc sôi động, những ca khúc rock chị cũng có thể nhảy tung trời. Có thể nói, chị không những thành công mà thành công tuyệt vời ở nhiều thể loại và phong cách biểu diễn.

Đặc biệt, như bài hát Sài gòn nhìn lâu đẹp lắm có giai điệu không xuôi và ca từ hơi trúc trắc nhưng qua tiếng hát của chị thì tất cả thành gọn ghẽ hợp lý và đi vào lòng người một cách tự nhiên bởi cách xử lý tác phẩm khôn ngoan, có nghề.

Tiếng hát của chị chính là chiếc chìa khóa vàng mở ra con đường ca hát chuyên nghiệp cho tôi.

Trong thời trang, chị cũng rất có gu, có thể nói, chị đã ra được hẳn một thương hiệu thời trang biểu diễn mang tên Bảo Yến.

Thời bao cấp, thời buổi chưa có báo chí thông tin cập nhật như bây giờ mà chị đã cùng với em gái Nhã Phương thiết kế ra những bộ đồ rất độc đáo. Chị thiết kế áo dài, đầm dạ hội rất đẹp, cả những bộ jeans, đồ da cũng ấn tượng.

Từ hồi đó mà khi biểu diễn chị đã biết mặc đồ da, đi bốt cao, đeo nhiều dây nịt, dây chuỗi, vẽ mắt đuôi cá như Cleopatra, đã biết uốn tóc xù, nhuộm tóc, vẽ những giọt nước mắt hay 3 ngôi sao bên dưới mắt. Chị làm những điều táo bạo trong phong cách biểu diễn.

Bảo Yến mặc rất kín đáo nhưng vẫn gợi cảm, kể cả khi chị mặc áo dài tím Huế thì trông chị vẫn toát lên vẻ gì rất sexy, rất đàn bà.

Được đứng chung sân khấu với thần tượng luôn là mong muốn của Long Nhật. 


Là người ca sĩ nổi tiếng và có tài sản lớn, bất động sản cũng nhiều, xe hơi cũng nhiều, nhưng Bảo Yến lại là người không tiêu xài xa xỉ. Thậm chí chị có phần tiết kiệm nữa. Nhưng đa số là chị tiêu tiền một cách đúng chỗ, nhất là vào việc từ thiện.

Anh Quốc Dũng đi lấy tiền tác quyền ở đâu thì phải đi theo cho bằng được, lấy tiền rồi chị đi ra viện quyên cho bệnh nhân mổ mắt, hay mua quần áo mùng mền cho đồng bào lũ lụt. Gặp ăn xin bên đường chị đem về nhà cho tiền. Khán giả yêu thương đến thăm chị có người là giáo viên nghèo, chị bỏ tiền mua Iphone tặng người đó, bảo em đi dạy mang cái này đi cho lịch sự. Chị lo cho cả em út Kim Tuấn và con riêng của anh Quốc Dũng, chuẩn bị tiền nong, tài sản cho cuộc sống sau này của hai con trai chị.

Còn bản thân chị là người không ăn chơi hoang phí. Thời hoàng kim chị đắt sô kinh khủng, mỗi đêm có khi đến 10 sô, cátxe cao nhất VN sau năm 1980 và bây giờ vẫn cao ngất ngưởng, nằm trong top đầu ca sĩ Việt.

Quang Lê mời chị hát liveshow tại Sài Gòn mới đây giá 50 triệu, ra Hà Nội là 100 triệu chị mới hát. Mà mời 2 đêm chị chỉ hát một đêm, hỏi tại sao, chị bảo hát một đêm thôi, 2 đêm sợ mất cảm xúc, lỡ không hay.

Thời xưa khi chị mới lên Sài Gòn, dân bấy giờ đa số đi xe đạp mà chị đã để dành tiền đủ để mua được xe Honda chở Nhã Phương đi hát, ngày ăn một bữa cơm, tối diễn xong ăn một cốc chè, chị nói ăn nhiều tốn tiền và dễ bị mập.

Nổi tiếng, diễn nhiều như vậy nhưng trong tủ đồ diễn của chị chỉ vừa đủ đồ, như 10 cái áo dài mười màu, 10 đôi giày để phù hợp với từng trang phục. Trong khi các nghệ sĩ khác có hàng trăm đôi, trang phục diễn mỗi loại đều có hàng vài chục bộ.

Sở dĩ như vậy vì tôi biết, từ khi còn đứng trên đỉnh cao, Bảo Yến đã chuẩn bị cho một ngày rời sân khấu, một ngày trở về. Bởi chị thấy showbiz đầy thị phi, buồn nhiều hơn vui, kiếp nghệ sĩ là phù du, nay được mai mất.

Và còn bởi chị sợ nhất là xấu, sợ nhất là hát dở. Chị nói, một lúc nào đó, khoảng 10 năm nữa là chị không cho ai gặp, người ta sẽ chỉ còn nghe tiếng hát Bảo Yến và chỉ còn nhắc đến chị như một người đàn bà đẹp, giữ mãi hình ảnh thời hoàng kim xán lạn của chị.

Tài hoa như vậy nhưng Bảo Yến đầy bất hạnh và cô đơn, phần lớn nguyên do đến từ cuộc sống với anh Quốc Dũng. Chị khổ sở ghen suốt mười mấy năm vì anh Dũng có quá nhiều mối quan hệ bên ngoài. Anh trẻ đẹp, tài hoa, nhiều người ngưỡng mộ, bồ của anh nhiều thôi rồi, mấy lần chị bắt gặp anh hôn ca sĩ trong phòng thu nhà chị.

Chị không biết làm gì mà chỉ khóc, buồn khổ, tuyệt vọng và mất phương hướng. Một mặt tức giận mà một mặt vẫn phải tỏ ra đàng hoàng chỉn chu (Bảo Yến làm sao mà nhảy lên ghen lồng lộn được!), cuộc sống cứ thế bị dồn nén, nỗi đau càng chồng chất lên theo năm tháng.

Sống trong mớ hỗn độn đó về thế thái nhân tình, về môi trường nghề nghiệp, chị càng nương tựa vào Phật pháp để tìm bình yên. Đã 20 năm nay, chị tu tại gia.

Hai con trai chị chị cũng không muốn cho đi hát, chỉ ở nhà làm hòa âm phối khí, không muốn các con phải bươn chải cạnh tranh trong showbiz khốc liệt.

Trên đỉnh cao danh vọng mà chị vẫn buồn khổ vì chị quá nhạy cảm và tâm hồn yếu đuối dễ bị tổn thương. Nhưng cũng chính vì thế mà tiếng hát của chị mới hay, những bài buồn lại càng buồn đau thấm thía.

Ca hát đối với chị cũng đã trở thành một cái đạo. Chị thường dạy tôi không nên đi chơi nhiều, la cà café, quán bar, bia rượu vì nó sẽ khiến mình mất lực, mất hơi. Với riêng mình, chị rất nghiêm khắc, tới mức hà khắc. Chị kể, hồi xưa mỗi lần thu âm CD, chị không cho anh Quốc Dũng gần gũi, để tập trung mọi tinh túy, cảm hứng cho những lần hát.

Chị là người nghệ sĩ lạ đời, khác lạ nên có nhiều người vì một số phát ngôn chưa chắc là của chị mà ném đá chị. Nhưng vẫn còn rất nhiều khán giả yêu thương trân quý chị, không chỉ trong nước mà kiều bào đều thổn thức theo từng bài ca của chị.

Những giai thoại về những người mộ điệu chị và tiếng hát của chị, nghe như đùa mà có thực. Có cặp vợ chồng công nhân tiết kiệm tiền hàng tháng để đủ một cặp vé vào xem Bảo Yến hát, cách nhà hát TP gần 20 km, đạp xe lên nghe Bảo Yến hát xong lại đạp xe về.

Có chàng thanh niên đi mua đồ, hàng bên cạnh bán đắt hơn nhưng vẫn quyết định vào mua chỉ vì cửa hàng đó đang… mở nhạc Bảo Yến!

Cũng phải ghi nhận đóng góp của Bảo Yến ở chuyện này: Khán giả từ Huế đổ vào trong nam sau năm 1975 mà biết nghe dòng nhạc trữ tình cách mạng phần rất lớn là nhờ công Bảo Yến, vì trước Bảo Yến, họ chưa quen với cách hát của các nghệ sĩ ngoài Bắc, ngoài đó họ hát giả thanh chói lói quá, còn Bảo Yến hát êm đềm hơn.

Chị đã thổi vào các tác phẩm trữ tình cách mạng hơi ấm tinh thần và tình cảm của người miền trong, khoác lên tác phẩm đó chiếc áo mới, luồng sinh khí mới, đem nó đến gần người nghe hơn. Qua Bảo Yến, người miền trong mới biết Hương thầm, Ở hai đầu nỗi nhớ…, và đỉnh điểm là đĩa của băng nhạc Gò Công với những Ngõ vắng xôn xao…

Nhiều người hỏi tại sao Long Nhật cứ liên tục lên báo nói về Bảo Yến. Đó là bởi tôi rất nhớ chị, chị vừa đăng đàn làm nổi sóng gió dư luận thì tôi cũng sẵn dịp này nói lên những chất chứa trong lòng mình bao năm nay về người đàn bà hát đó. Nói để những ai chưa biết chưa yêu thì càng hiểu và yêu tiếng hát Bảo Yến, càng thương và trân quý chị và những đóng góp của chị hơn.

Vừa rồi còn có ý kiến của một ca sĩ rất chủ quan nói rằng Bảo Yến im ắng quá lâu nên phải lên báo gây sốc để làm nóng lại hình ảnh. Nói như vậy là không hiểu gì về Bảo Yến.

Đã bao lần chị nói với tôi, nghệ sĩ nổi tiếng không phải người lên báo nhiều, mà hơn nhau ở chỗ tiếng hát có chạm được vào trái tim khán giả và lưu giữ tại đó hay không.

Chị không cần tạo scandal vì đến nay danh tiếng chị vẫn quá lớn, rất nhiều chương trình mời chị hát mà không phải lúc nào cũng mời được chị. Các show Duyên dáng Việt Nam, Nhan sắc Việt Nam lớn thế mà chị còn không hát. Mà nhận lời hát là chị phải toàn quyền chọn bài, góp ý này kia là chị không chịu, chị không thích đứng chung sân khấu với ai là ban tổ chức phải chịu, không thì chị hủy show. Đến nay, Bảo Yến vẫn là cái tên bảo chứng cho việc bán vé.

Tôi là fan của chị, fan ruột, fan trung thành, mấy chục năm từ lúc chưa biết đi hát, đến nay sự ngưỡng mộ của tôi vẫn chưa thay đổi và qua thời gian càng thấy mình chọn đúng. Tình yêu đầu tiên trong đời tôi về âm nhạc dành cho chị đã đặt đúng chỗ. Còn lâu lắm Việt Nam mới có một Bảo Yến thứ hai, một nữ danh ca tài sắc vẹn toàn như chị!



Ca sĩ Long Nhật

Bình luận
vtcnews.vn