EVN lỗ 31.000 tỷ đồng: Chủ tịch 'siêu' uỷ ban nói gì?

Thị trườngThứ Tư, 21/12/2022 15:08:00 +07:00
(VTC News) -

Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ với những khó khăn của EVN khi chi phí đầu vào tăng nhưng giá bán điện không tăng.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai thực hiện kế hoạch năm 2023. Một trong những thông tin gây chú ý là EVN ghi nhận lỗ dự kiến 31.360 tỷ đồng.

Trước thông tin này, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước, đánh giá “đây là vấn đề rất đáng lưu tâm”. Chia sẻ với những khó khăn của EVN nhưng lãnh đạo "siêu uỷ ban" lưu ý EVN phải rút ra nhiều bài học kinh nghiệm.

“Việc chủ động đưa ra các giải pháp nội tại và tối ưu hoá về công tác quản trị nội bộ của tập đoàn luôn phải được quan tâm, ưu tiên hàng đầu vì đây là điều cốt lõi đóng vai trò chủ đạo, then chốt để giúp EVN tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh”, ông Nguyễn Hoàng Anh nói.

EVN lỗ 31.000 tỷ đồng: Chủ tịch 'siêu' uỷ ban nói gì? - 1

EVN ghi nhận số lỗ dự kiến khoảng 31.360 tỷ đồng. 

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc EVN rà soát, cập nhật lại số liệu kế hoạch, khuyến nghị nhiều biện pháp để EVN kịp thời ứng biến với tình hình thực tế; chủ động báo cáo Thủ tướng về các khó khăn, tình hình tài chính của EVN và đề xuất các giải pháp hỗ trợ.

"Trong đó có giải pháp cốt lõi, lâu dài là tăng giá điện để đảm bảo cân bằng tài chính năm 2022 và các năm tiếp theo cho EVN”, ông Nguyễn Hoàng Anh nói thêm.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hoàng Anh cũng cho rằng nhân dân cần chia sẻ với khó khăn với EVN, bởi tình hình như thế này là rất khó khăn.

Chia sẻ tại buổi tổng kết, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN, cho hay mặc dù năm 2022 tình hình thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là chi phí nhiên liệu tăng cao làm tăng chi phí sản xuất điện, nhưng EVN vẫn đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Đến cuối năm 2022, tổng công suất đặt nguồn điện (đã vận hành thương mại - COD) toàn hệ thống đạt gần 77.800MW, tăng gần 1.400MW so với năm 2021, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 20.165MW, chiếm tỉ trọng 26,4%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.

Nhưng để vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định, EVN gặp nhiều khó khăn, trong đó việc cấp than sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu, giá than thế giới tăng cao, nguồn nhập khẩu hạn chế, nên tồn kho thấp trong khi giá than nhập khẩu tăng 1,35 lần so với năm 2021 và tăng gấp 3 lần so với năm 2020...

Trước thực trạng đó, EVN kiến nghị Thủ tướng sớm xem xét, phê duyệt quy hoạch điện VIII, sớm phê duyệt sửa đổi Quyết định 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; xem xét sửa đổi các nghị định liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhà nước như EVN huy động các nguồn vốn...

EVN kiến nghị Uỷ ban Quản lý vốn chấp nhận cho EVN được ký hợp đồng thế chấp tài sản để vay vốn cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I; báo cáo Thủ tướng cho phép Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn III thuộc danh mục ưu tiên đầu tư của Nhà nước để áp dụng cơ chế cơ quan cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng cho Dự án theo Luật Quản lý nợ công...

Kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục kiến nghị Thủ tướng áp dụng cơ chế thị trường đối với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi.

Quyết liệt tiết giảm chi phí

Lãnh đạo EVN đánh giá, năm 2022 là một năm hết sức khó khăn đối với EVN do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện và tỷ giá tăng cao. Ngay từ đầu năm, EVN đã triển khai quyết liệt các biện pháp quản trị, tiết giảm chi phí. Cụ thể, EVN tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên, cắt giảm từ 20-30% chi phí sửa chữa lớn, thực hiện chi lương cho cán bộ công nhân viên với 80-90% mức lương bình quân năm 2020… nhờ đó đã tiết giảm chi phí hơn 9.700 tỷ đồng.

EVN cũng thực hiện các giải pháp tối ưu hóa dòng tiền, đạt hơn 7.900 tỷ đồng; vận hành tối ưu hệ thống điện, phát huy tối đa các nhà máy điện có chi phí thấp, giúp giảm chi phí mua điện gần 15.845 tỷ đồng.

Tổng các khoản EVN đã triển khai thực hiện để tiết giảm chi phí khoảng 33.445 tỷ đồng.

Dù vậy, EVN vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện do giá nhiên liệu tăng cao đột biến, dẫn tới mất cân bằng tài chính rất lớn năm 2022. EVN đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ ngành cho phép điều chỉnh giá điện trong năm 2022 để giảm bớt khó khăn và có thể cân đối tài chính của EVN trong những năm tới.

Hoà Bình
Bình luận
vtcnews.vn