EU thừa nhận tình hình khí đốt nghiêm trọng

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 24/06/2022 12:39:00 +07:00
(VTC News) -

Ủy ban EU cho biết nguồn cung khí đốt của Liên minh châu Âu hiện được đảm bảo nhưng tình hình vẫn được xem là nghiêm trọng.

"Theo trao đổi của chúng tôi với giới chức các quốc gia, an ninh nguồn cung khí đốt ở Đức và Liên minh châu Âu (EU) hiện được đảm bảo", người phát ngôn của Ủy ban EU cho biết trong tuyên bố đưa ra hôm 23/6. 

Tuy nhiên, uỷ ban này cho rằng "tình hình cần được xem xét một cách nghiêm túc". Tuyên bố khẳng định ở giai đoạn này, không loại trừ khả năng tình hình có thể xấu đi hơn nữa. 

"9 quốc gia thành viên EU đã ban bố cảnh báo sớm, mức cảnh báo đầu tiên trong Quy chế SoS trong những tháng qua trong bối cảnh Nga tiếp tục sử dụng nguồn cung khí đốt như công cụ tống tiền", tuyên bố nhấn mạnh. 

Trước đó, Giám đốc chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Frans Timmermans cho bết một số quốc gia thành viên EU đã đưa ra "cảnh báo sớm" về nguồn cung cấp khí đốt. Đây là cảnh báo ở "cấp độ đầu tiên và ít nghiêm trọng nhất" trong 3 cấp độ khủng hoảng được xác định trong chính sách an ninh của EU về quy định cung cấp năng lượng.

EU thừa nhận tình hình khí đốt nghiêm trọng - 1

Eu thừa nhận tình hình khí đốt nghiêm trọng. (Ảnh: CNN)

"Việc hết khí đốt đang có nguy cơ trở thành hện thực. Đó là lý do tại sao việc thông qua quy định lưu trữ khí đốt cùng với các biện pháp chuẩn bị sẵn sàng khác là rất quan trọng tại thời điểm này", ông Timmermans cho hay. 

Hôm 23/6, chính phủ Đức kích hoạt cấp độ hai trong kế hoạch khẩn cấp về khí đốt của nước này.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Berlin hồi giữa tuần, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck cho biết tình hình hiện tại nghiêm trọng và nước Đức "đang trong một cuộc khủng hoảng khí đốt". 

Theo ông Habeck, hiện tại, Đức vẫn có thể mua đủ số lượng khí đốt cần thiết trên thị trường để lấp đầy các kho dự trữ. Ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Đức là lấp đầy các cơ sở dự trữ khí đốt, đồng thời tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế và tiếp tục mở rộng năng lượng tái tạo.

EU phụ thuộc vào Nga tới 40% nhu cầu khí đốt trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. 

Sau khi Nga đưa quân sang Ukraine, châu Âu đang cố giảm phụ thuộc vào nhiên liệu từ Moskva. Trong đó, Đức tìm cách giảm lượng nhập khẩu khí đốt Nga từ 55% xuống 35%.

Tuần trước, Công ty khí đốt nhà nước của Nga - Gazprom tuyên bố cắt 60% nguồn cung cấp khí đốt cho Đức qua đường ống Nord Stream. Lý do mà công ty này đưa ra cho động thái này là Siemens Energy của Đức đã không trả một số thiết bị cho một trạm nén khí "đúng hạn" sau khi gửi các thiết bị đó đến Canada để sửa chữa.

Song Hy(Nguồn: CNN)
Bình luận
vtcnews.vn