Elon Musk phủ Internet khắp hành tinh: Viễn cảnh cách mạng thông tin đi kèm hiểm hoạ

Khoa học - Công nghệThứ Bảy, 01/06/2019 06:55:00 +07:00

Dự án đưa 12.000 vệ tinh với mục đích phủ sóng Internet toàn cầu Elon Musk đang nhận được nhiều sự chú ý từ cộng đồng quốc tế.

Mới đây, Công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk phóng một tên lửa Falcon 9 mang theo 60 vệ tinh nhỏ gọn để thử nghiệm mạng lưới Internet mới có tên Starlink.

Tham vọng của dự án này là có thể đưa 12.000 vệ tinh lên quỹ đạo của Trái Đất, gấp 6 lần số vệ tinh hiện có. Mục tiêu là hoàn thành dự án năm 2027, bao phủ Trái Đất bằng một mạng lưới Internet tốc độ cao, ít chập chờn và giá cả phải chăng.

Dự án này đang thu hút nhiều sự chú ý từ chuyên gia, các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ viễn thông trong và ngoài nước.

elon

Elon Musk đang dần hiện thực hóa tham vọng phát Internet toàn cầu bằng vệ tinh. 

Thành công, Starlink sẽ thay đổi thế giới

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn trẻ Việt Nam cho rằng, dự án đưa Internet tới mọi người trên toàn thế giới bằng cách truyền tải thông tin qua vệ tinh mà Elon Musk đang thực hiện, sẽ là một cuộc cách mạng về thông tin.

Ngày nay, việc sử dụng Internet là tương đối dễ dàng với người sống ở các đô thị hay ngay cả những khu vực chưa thực sự phát triển khoa học công nghệ, nhưng chưa phải là với cả thế giới. Ở rất nhiều vùng, chi phí để sử dụng Internet vẫn là quá đắt với mức sống của người dân.

Quan trọng hơn cả vấn đề chi phí là cơ sở hạ tầng. Hiện nay, chúng ta đều đang sử dụng Internet qua hai đường chính là hệ thống cáp quang và thông qua sóng điện thoại (tức 3G và 4G). Cả hai hệ thống này đều đòi hỏi việc xây dựng cơ sở hạ tầng mặt đất để phát và thu dữ liệu.

Nếu bạn tới một vùng hẻo lánh không có cáp quang Internet và thậm chí không có trạm thu phát tín hiệu điện thoại nào đủ gần thì có nghĩa là bạn không có cách nào để kiểm tra email, vào Facebook hay đọc báo, nói cách khác là bạn hoàn toàn mất kế nối với internet nói riêng và thậm chí là với phần còn lại của thế giới nói chung.

Tuy nhiên, việc này sẽ thay đổi nếu sự án của Elon Musk thành công. Các vệ tinh có thể truyền tải dữ liệu trực tiếp từ quỹ đạo tầm thấp để các thiết bị cá nhân ở mặt đất có thể thu được, tương tự như hệ thống định vị GPS. Cho dù ở bất cứ nơi đâu, chỉ với một chiếc điện thoại vẫn còn pin, bạn sẽ có thể sử dụng internet ngay tức khắc.

Ông Vũ Anh Tú, Phó Tổng giám đốc FPT Telecom đưa quan điểm, dự án Starlink có rất nhiều ưu điểm và hoàn toàn khả thi trong giai đoạn hiện tại. Hiện nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa, ngay cả ở Việt Nam, nhiều người không có cách nào để truy cập Internet. Vì vậy, chương trình phóng vệ tinh của SpaceX có thể phủ sóng Internet ở mọi nơi, kể cả những nơi hẻo lánh nhất trên thế giới là bước tiến mới.

"Theo tôi được biết, vào cuối năm nay, chương trình phóng vệ tinh này sẽ phủ sóng khu vực Bắc Mỹ, bao gồm Mỹ và Canada. Sau đó, họ sẽ phóng thêm vệ tinh để phủ cả thế giới. Tuy nhiên, để phủ sóng cả thế giới sẽ rất lâu mới hoàn thành”, ông Vũ Anh Tú cho hay.

Tuy nhiên, việc này sẽ thay đổi nếu sự án của Elon Musk thành công. Các vệ tinh có thể truyền tải dữ liệu trực tiếp từ quỹ đạo tầm thấp để các thiết bị cá nhân ở mặt đất có thể thu được, tương tự như hệ thống định vị GPS. Cho dù ở bất cứ nơi đâu, chỉ với một chiếc điện thoại vẫn còn pin, bạn sẽ có thể sử dụng internet ngay tức khắc.

Video: SpaceX phóng vệ tinh để cấp Internet tốc độ cao cho toàn cầu

Vệ tinh như sao sa, đâm nhau liên tục

Tuy nhiên để đến thành công, chuyên gia chỉ ra hàng loạt khó khăn, thậm chí là hiểm họa từ dự án Starlink. Bản thân ông chủ SpaceX - tỷ phú Elon Musk thừa nhận, khó khăn lớn nhất chính là các rào cản về công nghệ và độ may rủi các vệ tinh hoạt động. Tỷ phú Elon Musk nhấn mạnh: “Khả năng nhỏ là tất cả vệ tinh sẽ không hoạt động”.

Ông Vũ Anh Tú cho rằng, nếu vấn đề rào cản công nghệ được giải quyết, thì khả năng thành công của dự án rất cao.

Một khó khăn khác của dự án Starlink, theo ông Tú, chính là lựa chọn quỹ đạo phù hợp.

“Việc phóng 12.000 vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất không dễ bởi lẽ, trên quỹ đạo hiện có rất nhiều vệ tinh đang hoạt động cho các mục đích khác nhau. Vì vậy, để tìm được chỗ bao phủ mà không bị va chạm vào các vệ tinh khác là điều rất khó”, ông Tú nói thêm.

Đồng tình quan điểm này, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn cũng nhận định, 12.000 vệ tinh như tham vọng của Musk là một con số khổng lồ bởi việc đưa nhiều vệ tinh như vậy lên quỹ đạo không đơn giản, ngay cả khi không cần bàn tới tài chính thì vấn đề kỹ thuật cũng đòi hỏi rất nhiều thời gian.

Với định vị GPS, nếu như thiết bị của bạn chỉ bắt được tín hiệu từ 2 hay 3 vệ tinh thì thông tin về vị trí của bạn sẽ có độ chính xác không cao, nhưng nếu bắt được cùng lúc tín hiệu của 4, 5 vệ tinh hoặc hơn thì thông tin sẽ rất chính xác.

“Tương tự như vậy, một lượng vệ tinh chỉ vài chục chiếc sẽ có khả năng truyền tải hạn chế và sẽ có những lúc bạn không thể kết nối được với bất cứ vệ tinh nào. Vì thế để internet thực sự trở nên phổ biến và dễ dàng cho tất cả mọi người trên thế giới thì chúng ta thực sự cần tới sự kết hợp của hàng nghìn vệ tinh. Do đó, chúng ta vẫn còn phải đợi thêm những thành công trong tương lai của dự án này”, ông Sơn nói.

Hiểm họa

Bên cạnh đó, dự án Starlink của tỷ phú Elon Musk đang khiến các nhà khoa học lo ngại. Cụ thể, nhà thiên văn học Alex Parker viết: "Tôi biết mọi người rất hào hứng với những hình ảnh chuyến tàu SpaceX Starlink được phóng lên, nhưng nó khiến tôi phải dừng lại. Chúng rất sáng, và nếu SpaceX tung ra tất cả 12.000 vệ tinh, ánh sáng đó sẽ lấn át các ngôi sao có thể nhìn thấy bằng mắt thường".

Ông Ahmedy Massey, Phó giám đốc Hiệp hội Thiên văn học Mỹ cho rằng vệ tinh là một dạng ô nhiễm vũ trụ, tương tự rác trên mặt đất. Trong khi đó, nhà thiên văn nghiệp dư Marco Langbroek đánh giá, với độ cao của quỹ đạo thấp (khoảng 500 km), việc vệ tinh che khuất hoặc làm nhiễu tầm nhìn là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra, nhất là khi toàn bộ 11.900 thiết bị trong dự án được phóng.

Ông Nguyễn Nghiêm, chủ một doanh nghiệp kinh doanh các thiết bị thiên văn tại Việt Nam, đồng thời là hội viên của CLB thiên văn cho rằng, không rõ tuổi thọ của các vệ tinh Starlink, nhưng trong thời gian dài, có thể 100 - 200 năm sau, 12.000 vệ tinh được phóng lên quỹ đạo của Trái Đất hết niên hạn sử dụng, hư hỏng và trở thành rác vũ trụ. Trường hợp xấu nhất, vệ tinh hỏng sẽ rơi xuống Trái Đất, đó là một thảm họa.

Dự án có thay thế được cáp quang?

Trước dự báo trong tương lai, dự án Starlink có thể thay thế được cáp quang, theo ông Vũ Anh Tú, việc phóng vệ tinh không thể thay thế được cáp quang, thậm chí là không thay thế được hệ thống mạng 4G hay 5G với lý do không đủ dung lượng: "Tôi cho rằng còn quá sớm để khẳng định điều này", ông Tú nói.

SpaceX đưa ra cho một số gói cước để người tiêu dùng lựa chọn, bao gồm StandardX, PremiumX và ProfessionalX, với mức giá thuê bao hàng tháng là 9.99 USD, 19.99 USD và 29.99 USD, theo ông Tú mức này phù hợp với thu nhập bình quân ở Mỹ, còn những nơi khó khăn, các quốc gia chậm phát triển thì còn cao. Các chuyên gia nước ngoài đánh giá, trong tương lai, SpaceX sẽ phải tính toán lại chi phí để tiếp cận các khách hàng ở các quốc gia còn khó khăn.

21h30 ngày 24/5 (giờ Mỹ), tên lửa Falcon 9 khởi hành từ tổ hợp phóng vũ trụ 40 ở Trạm không quân Cape Canaveral (Mỹ), lần lượt đưa 60 vệ tinh phát sóng Internet vào không gian, thuộc Quỹ đạo thấp (LEO) với độ cao khoảng 400 km. Sau vụ phóng thành công, tầng đầu tiên của tên lửa nhẹ nhàng đáp xuống sà lan nổi trên biển. Đây là lần thứ 40 tên lửa này thu hồi thành công.

Vụ phóng này nhằm thực hiện tham vọng của SpaceX trong việc cung cấp Internet tốc độ cao trên khắp thế giới thông qua hệ thống 12.000 vệ tinh trải khắp quỹ đạo của Trái Đất.

 

Việt Vũ
Bình luận
vtcnews.vn