Đường sắt cao tốc: Trung Quốc có thể là đối tác?

Thời sựThứ Sáu, 18/06/2010 07:18:00 +07:00

(VTC News) – Bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng trao đổi với báo chí xung quanh dự án Đường sắt cao tốc (ĐSCT) Hà Nội – TP.HCM.

(VTC News) - “Tôi chưa nói quốc gia nào, Trung Quốc cũng không loại trừ. Vì trong đấy có nhiều dự án lắm, có thể nhiều nhà thầu của nhiều quốc gia”.

Bên lề kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng trao đổi với báo chí xung quanh dự án Đường sắt cao tốc (ĐSCT) Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh.

Đường sắt cao tốc không phải là việc dễ dàng

- Thưa Bộ trưởng, đa số đại biểu đã đồng tình có nghị quyết về dự án ĐSCT, ông có thở phào nhẹ nhõm không?

Nếu Quốc hội thông qua thì mới thở phào nhẹ nhõm chứ! Tôi cũng không ngạc nhiên lắm, vì nếu có giải pháp thích hợp, lộ trình thích hợp thì thuyết phục được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Tôi thấy Quốc hội rất sáng suốt.

Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng trao đổi với báo chí ngày 17/6 (Ảnh: Kiều Minh) 
- Vẫn còn 192 ĐBQH không đồng ý, ông thấy thế nào?

Tôi cũng nói rất nhiều lần rồi, đây là một dự án rất lớn, có thể có nhiều rủi ro, sẽ có nhiều khó khăn, tiềm ẩn. Tiềm lựckinh tế của đất nước sẽ tiếp tục có những vấn đề cần xem xét vì thế sự đắn đo của các ĐBQH hội và dư luận là hoàn toàn chính đáng.

Mặc dù mình xây dựng lên đề án nhưng mình không thể nào nói là đây là một việc dễ dàng. Quốc hội đắn đo, cân nhắc là đúng. Nếu Quốc hội cho thực hiện thì càng phải rất thận trọng, tính hết các yếu tố.

- Trong trường hợp Quốc hội thông qua, mình có tính đến đấu thầu tư vấn không, vì trước đây có nhiều ĐBQH cho rằng báo cáo của mình không có đấu thầu nên không công khai, minh bạch?

Trong Luật đấu thầu của mình có quy định việc đấu thầu lập dự án nhưng việc này rất là khó. Cho nên, thường là mình lựa chọn tư vấn. Đấu thầu quá phức tạp. Nhưng bước thiết kế kỹ thuật, bước xây dựng là phải đấu thầu. Cái đấy phải nghiêm chỉnh.

- Các chuyên gia cho rằng giá của các dự án ODA thường đắt hơn 20% so với bình thường, mình lại lệ thuộc vào công nghệ của Nhật, có biện pháp gì để hạn chế giá, thưa Bộ trưởng?

Tôi chưa có thông tin nào là giá ODA đắt hơn 20%. Bởi vì thực hiện dự án ODA là phải đấu thầu hết. Đấu thầu trong nước và quốc tế.

- Nhưng thường vay ODA phải kèm theo điều kiện về đối tác?

Không. Không có điều kiện về đối tác. Ví dụ ODA STEP thì nó là đấu thầu giữa các doanh nghiệp nước cho vay. Còn ODA song phương là phải đấu thầu quốc tế, chứ không có điều kiện nào là chỉ định nhà thầu A, nhà thầu B.

- Xây dựng dự án nước ta đang hướng đến nước nào, tổ chức nào cho mình vay vốn, thưa ông?

Bây giờ nước ta đang trao đổi với đối tác Nhật Bản. Tuy nhiên việc lựa chọn đối tác thì mình vẫn bỏ ngỏ. Sau khi có báo cáo đầu tư, chúng ta xem xét quốc gia nào, doanh nghiệp nào, nhà thầu nào đáp ứng tốt nhất điều kiện mình đề ra thì mình sẽ xem xét lựa chọn. ĐSCT là dự án rất lớn, một quốc gia chưa chắc đã có thể hợp tác để làm hết. Thế thì phải nhiều quốc gia, nhiều nhà thầu. Còn bây giờ Nhật đang giúp mình trong việc chuẩn bị dự án.

Đối tác bỏ ngỏ: Chọn ai?

- Được biết Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc có trao đổi với phía Nhật về dự án?

Trước đấy hợp tác thì có, nhưng hợp tác cụ thể thì chưa. Năm 2006, Thủ tướng thăm Nhật, nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược, có ba dự án mà nước ta trao đổi với Nhật là: ĐSCT, Đường bộ cao tốc, Công nghệ cao Hòa Lạc. Cho nên đặt vấn đề hợp tác là có. Nhưng đối với dự án cụ thể thì đặt vấn đề cam kết về công nghệ, về vốn, về nhà thầu là chưa có.

- Vậy cam kết giữa Thủ tướng hai nước Việt Nam và Nhật Bản năm 2006 có ràng buộc là chúng ta phải làm với đối tác Nhật không?

Không ràng buộc gì hết. Đó là cam kết hợp tác.

- Bộ trưởng nói việc lựa chọn đối tác thì mình vẫn bỏ ngỏ, vậy Trung Quốc có thể là một đối tác không?

Tôi chưa nói quốc gia nào, Trung Quốc cũng không loại trừ. Vì trong đấy có nhiều dự án lắm, có thể nhiều nhà thầu của nhiều quốc gia.

- Nhưng vừa rồi có chuyện một đoàn ĐBQH của Việt Nam đi thăm ĐSCT Trung Quốc – liệu sẽ chọn Trung Quốc làm đồi tác chứ, thưa ông?

Không có gì liên quan đến chuyện này cả. Đến bây giờ tôi có thể khẳng định tôi chưa trao đổi với nhà chức trách nào của Trung Quốc về dự án này.

- Có cơ hội nào cho các doanh nghiệp trong nước khi dự án được triển khai không, ví như điện, xi măng, sắt thép…?

Cơ hội rất lớn cho các nhà thầu trong nước về xây dựng cơ bản.

Ví dụ như là hệ thống cầu cạn, Cái này nó gần giống như hệ thống cầu cạn Sài Gòn - Trung Lương. Sài Gòn - Trung Lương là hệ thống cầu cạn gần như phức tạp nhất thế giới, nó đi qua hệ thống vũng lầy. Các nhà thầu ta hoàn toàn có thể đảm đương được.

- Thời gian vừa qua các đơn vị độc lập, các nhà khoa học, hiệp hội… ít cơ hội phản biện. Vậy sắp tới có lấy ý kiến rộng rãi về dự án ĐSCT không, thưa ông?

Mình mới lập báo cáo tiền khả thi, mình cũng đã chú ý nghe các tổ chức, phản biện, hội thảo. Nhưng nó chưa rộng lớn, đầy đủ lắm. Khi lập dự án khả thi thì sẽ tổ chức nhiều hội thảo, kêu gọi các cơ quan độc lập, tổ chức, chuyên gia tham gia nhiều cái vấn đề này.

- Trong khi điện đang thiếu, dự án ĐSCT có làm Bộ trưởng lo nghĩ gì không?

CNH-HĐH thì sử dụng năng lượng phải tăng lên, cho nên mới có chiến lược điện, có Sơn La, Lai Châu, điện hạt nhân… ra đời để đón những công trình như vậy. Nhưng nó có cái lợi là sử dụng năng lượng điện thì nó ổn định, còn các nhiên liệu khác thì rủi ro hơn vì giá ngày càng tăng cao.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Kiều Minh (ghi)

Bình luận
vtcnews.vn