Đường sắt Bắc - Nam: Vì sao cần xây mới hoàn toàn?

Thời sựThứ Hai, 04/11/2013 07:44:00 +07:00

Theo đại biểu Trần Du Lịch, hợp lý nhất là xây mới tuyến đường sắt Bắc - Nam vì nếu tiếp tục chắp vá sẽ không giải quyết được việc gì.

Theo đại biểu Trần Du Lịch, hợp lý nhất là xây mới tuyến đường sắt Bắc - Nam bởi  nếu chỉ nâng cấp từ là tiếp tục chắp vá sẽ không giải quyết được việc gì.

“Phương án hợp lý nhất là xây dựng một tuyến đường sắt mới. Nếu cứ chắp vá thế này thì sẽ không giải quyết được gì” - ĐBQH Trần Du Lịch trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp QH về chủ trương nâng cấp tuyến đường sắt Bắc – Nam vừa được JICA đề xuất.

 ĐBQH Trần Du Lịch (Ảnh: Nguyễn Dũng)
 ĐBQH Trần Du Lịch (Ảnh: Nguyễn Dũng)
Đường sắt cũ xem như một dấu tích lịch sử

- Mới đây, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã xây dựng phương án nâng cấp tuyến đường sắt TP.HCM – Hà Nội với mức đầu tư khoảng 1,8 tỷ USD. Theo đó thời gian đi đường sẽ rút ngắn từ 29 giờ xuống 25 giờ 24 phút, năng lực khai thác 50 tàu/ngày đêm. Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) bày tỏ sự đồng thuận khi báo cáo với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Chính phủ, còn ông nghĩ sao về phương án này?


Tất cả các phương án, theo quan điểm của tôi đều không hợp lý. Nếu cứ chắp vá thế này thì sẽ không giải quyết được cái gì. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tôi đã đặt ra vấn đề này. Phương án hợp lý nhất là xây dựng một tuyến đường sắt mới.

- Nhưng trong bối cảnh tình hình của chúng ta hiện nay, liệu phương án xây mới có khả thi?


Nếu có quyết tâm chính trị tôi tin chúng ta sẽ làm được. Cũng giống như Hàn Quốc đầu thập niên 60, họ cực kỳ nghèo, GDP đầu người chỉ có 60 USD. Nhưng họ có quyết tâm chính trị khi làm đường cao tốc nối Seoul với Busan. Đó là quyết định đúng đắn và họ đã làm được.

Tại sao cách đây gần trăm năm đất nước ta nghèo cỡ nào mà Pháp lại làm được đường sắt như vậy? Bây giờ thế lực ta thế này, sao lại bảo ta không có sức làm? Với những công trình như vậy, đòi hỏi phải có một quyết tâm chính trị cao mới làm được.

- Lý do gì khiến ông cho rằng xây dựng đường sắt mới là phương án khả thi và mang lại hiệu quả?

Ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội, tôi đã gợi ý cho Bộ trưởng Bộ GTVT rằng chúng ta phải đặt trong bối cảnh cụ thể với chiều dài đất nước hiện nay, cần phải xây dựng một tuyến đường sắt Bắc - Nam mới. Đó sẽ là một tuyến đường sắt đôi, khổ 1,435 mét, với tốc độ 150 – 200 km/giờ, chứ không phải 250 – 300 km/giờ như phương án trước đây.

Sau khi hoàn thành, tuyến đường sắt cũ thời Pháp hiện nay để lại và xem như nó là một dấu tích lịch sử. Theo kế hoạch này, phấn đấu mục tiêu đến năm 2025, khi chúng ta kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, tuyến đường sắt này sẽ hoàn thành và đi vào sử dụng nối Hà Nội và TP.HCM.

- Nhưng nếu làm mới, bỏ cũ như vậy vừa tốn kém lại gây lãng phí lớn?


Đường sắt cũ hiện nay chúng ta vẫn khai thác, sử dụng từ bây giờ cho đến năm 2025 cơ mà. Đường sắt này đã sử dụng hàng trăm năm nay rồi. Vì thế chúng ta không thể cho là lãng phí được.

Mặc dù tôi không có chuyên môn về đường sắt nhưng tôi biết giữa đường sắt chạy hai chiều và đường sắt chạy một chiều, cùng một kỹ thuật thì năng lực vận tải sẽ nâng lên mấy chục lần. Nếu cứ đường sắt như hiện nay thì làm sao tăng năng lực vận tải được.

“Thắt” hơn nữa

- Chính phủ có đề cập tới giải pháp nới rộng tài khóa để tăng đầu tư công trong năm tới nhưng luồng ý kiến khác lại đề nghị phải “thắt lưng buộc bụng”. Vậy theo ông, hai điều này có mâu thuẫn?


Hoàn toàn không có mâu thuẫn gì cả. Thậm chí tôi đề nghị phải “thắt” hơn nữa. Các khoản chi thường xuyên, tôi đề nghị trừ tiền lương và chi về phúc lợi xã hội, còn các khoản chi khác như tiếp khách, giao tế, công tác, hội thảo, hội nghị… cần thắt chặt hết, chỉ bằng 50% so với trước đây.

Tôi đã nói rõ, ngân sách trung ương sẽ gồm 2 phần: phần chi bộ máy trung ương và phần chi trợ cấp địa phương. Dù một đồng Quốc hội vẫn phải kiểm soát. Còn cái gì của địa phương thì phải để cho HĐND chịu trách nhiệm.

- Trước bối cảnh tình hình thế giới trong nước còn nhiều khó khăn như hiện nay nhưng nhiều nơi xây dựng trụ sở cơ quan hoành tráng như cung điện, ông bình luận gì về thực trạng này?


Riêng xây dựng cơ bản, xây trụ sở cơ quan, mua sắm cái nọ cái kia đó là chi tiêu dùng chứ không phải chi đầu tư. Ví dụ người dân xây nhà để ở, đó gọi là chi tiêu dùng chứ không phải chi đầu tư. Vậy tại sao nhà nước xây trụ sở lại gọi là chi đầu tư? Những cái đó phải cắt và cắt một cách tối đa, như thế mới giảm được bội chi ngân sách. Nếu cơ chế ngân sách như hiện nay thì không ai cắt giảm được. Muốn hiệu quả, muốn chống thất thoát thì phải thay đổi phương pháp.

Hiện nay chúng ta đang lạm dụng khái niệm chi đầu tư. Cũng giống như mỗi gia đình, trước tiên phải lo cho con đi học, lo ăn uống đầy đủ rồi sau đó mới nghĩ đến chuyện xây nhà lầu. Bây giờ đang phải vất vả lo tiền cho con ăn học mà lại đi vay tiền xây nhà sang, nhà đẹp làm sao được? Quản lý gia đình ra sao thì quản lý đất nước như vậy!

- Xin cảm ơn ông!



Theo Infonet
Bình luận
vtcnews.vn