Đường ống nước sông Đà 'nổ' liên tiếp: Sai sót mang tính hệ thống

Thời sựThứ Tư, 16/07/2014 07:25:00 +07:00

(VTC News) - Chuyên gia xây dựng cho rằng, việc đường ống dẫn nước sông Đà bị vỡ tới 9 lần là do sai sót trên toàn hệ thống công trình.

(VTC News) - Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thám, việc đường ống dẫn nước sông Đà bị vỡ tới 9 lần là do sai sót mang tính hệ thống.

Không thể đổ lỗi tại điều kiện địa chất
Như đã đưa tin, vào khoảng 4h00 sáng 12/7, đường ống dẫn nước sạch Sông Đà đã bị vỡ lần thứ 9. Sự cố lần này xảy ra tại đoạn đường ống chạy qua Km15, Đại lộ Thăng Long, thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội.
Ông Thám cho biết, do không chứng kiến các đoạn đường ống bị vỡ, cũng không có tài liệu liên quan đến dự án này nên ông không biết chính xác nguyên nhân nào đã dẫn đến tình trạng đường ống bị vỡ tới 9 lần chỉ sau khoảng 6 năm đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, dưới cách nhìn nhận của một người trong nghề, ông Thám cho rằng, nguyên nhân xảy ra các sự cố này chắc chắn xuất phát từ quá trình thiết kế hoặc thi công đường ống. 
Đường ống sông Đà bị vỡ là do sai sót mang tính hệ thống. 
“Để xảy ra các sự cố như vậy chắc chắn là do lỗi của chủ đầu tư và chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Lỗi ở đây có thể do thiết kế hoặc do lỗi thi công chứ không có lý do gì khác. 
Đường ống bị nổ tại nhiều đoạn, nhiều chỗ. Vì vậy, đây là sự sai sót của cả một hệ thống công trình chứ không phải chỉ sai sót ở một điểm cụ thể, không thể đổ lỗi do điều kiện địa chất hay các lý do chủ quan tương tự. Nếu do điều kiện địa chất, hoặc chỉ là sai sót ở một điểm thì đường ống chỉ bị vỡ ở một đoạn cố định nào đó mà thôi,” ông Thám khẳng định.
PGS.TS Nguyễn Đình Thám cho biết thêm, đối với các công trình xây dựng thì việc thiết kế sai là điều rất hiếm. Bởi thiết kế bao giờ cũng căn cứ vào những tiêu chuẩn cụ thể và được kiểm tra, thẩm định chặt chẽ.

Riêng đối với trường hợp lắp đặt đường ống dẫn nước thì thường có hệ thống nền móng đỡ đường ống. Tuy nhiên, đối với đường ống dẫn nước sông Đà do Tổng công ty nước sạch Vinaconex làm chủ đầu tư lại không có hệ thống này.
“Theo tôi được biết thì đường ống dẫn nước sông Đà được đặt trên nền đất và không có hệ thống móng đỡ đường ống. Đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự cố,” ông Thám nói.
Không nên để Vinaconex làm chủ đầu tư đường ống mới
Trong hoàn cảnh đường ống dẫn nước hiện tại bị vỡ liên tiếp, PGS.TS Nguyễn Đình Thám cho rằng, giải pháp lắp đặt ngay một đường ống mới song song với đường ống cũ là rất cần thiết.
Theo ông Thám, sau khi đường ống thứ 2 hoàn thành thì việc dẫn nước sẽ được thực hiện qua đường ống này. Khi đó, đường ống hiện tại (liên tiếp bị vỡ) tạm thời không dẫn nước. Nhưng cơ quan chức năng cần chỉ đạo Tổng công ty nước sạch Vinaconex tu bổ, sửa chữa đường ống này để sử dụng khi cần thiết.
“Khi có đường ống mới thì chúng ta cũng không thể bỏ hẳn đường ống cũ. Vì nếu làm như vậy thì nhiều tỉ đồng sẽ bị ném xuống sông, xuống biển. Giải pháp hợp lý là dẫn nước bằng đường ống mới, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư khắc phục đường ống cũ. Sau này khi dân số tăng, nhu cầu nước sạch của người dân tăng thì chúng ta sẽ sử dụng song song 2 đường ống”, PGS.TS Nguyễn Đình Thám bày tỏ quan điểm.
Về việc chọn chủ đầu tư dự án xây dựng đường ống mới, ông Thám cho rằng, cơ quan chức năng không nên tiếp tục giao cho Tổng công ty nước sạch Vinaconex.
“Việc giao cho đơn vị từng làm một công trình hỏng được tiếp tục làm chủ dự án tiếp theo là điều hoàn toàn không nên một chút nào. Ở đây, nên để một đơn vị khác làm chủ đầu tư dự án lắp đặt đường ống dẫn nước mới,” ông Thám nói.
Liên quan đến vấn để khắc phục sự cố vỡ đường ống hiện tại, ông Thám cho rằng, khi xảy ra sự cố thì cơ quan chức năng cần phải thành lập một hội đồng tới thanh tra, kiểm tra. Từ đó phát hiện ra được nguyên nhân vỡ đường ống là gì để có phương án giải quyết hợp lý nhất.
“Mỗi khi xảy ra sự cố thì chủ đầu tư cho người của họ tới đào bới, nối ống rồi lấp lại. Có thể chủ đầu tư biết nguyên nhân chính xác của sự việc, nhưng việc để họ tự sửa thì các cơ quan chức năng khó phát hiện được,” PGS.TS Thám nói.
Trước đó, tại cuộc họp HĐND TP diễn ra vào tuần qua (ngày 10/7), ông Nguyễn Quốc Hùng - PCT UBND TP Hà Nội cho biết, UBND TP Hà Nội có những kế hoạch mang tính lâu dài nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước sạch do đường ống dẫn nước sông Đà liên tiếp bị vỡ trong thời gian vừa qua. 
Trong đó có phương án lắp đặt đường ống mới bên cạnh đường ống cũ. Theo ông Hùng, trước hết sẽ ưu tiên lắp đặt đoạn đường ống từ Hoà Lạc đến Vành đai 3. 
Đáng chú ý, chủ trương của TP Hà Nội là chỉ đạo Tổng công ty nước sạch Vinaconex tiếp tục làm chủ đầu tư dự án xây dựng đường ống mới. Trong trường hợp Vinaconex không thể làm chủ đầu từ thì TP mới tìm kiếm các nhà đầu tư khác. 
Ông Hùng khẳng định rằng: “Nếu các doanh nghiệp không làm được thì Thành phố sẽ đứng ra trực tiếp làm. Nhất quyết không thể để người dân thiếu nước sạch.”
Như một hành động chứng minh lời nói này, chiều 12/7, ngay sau khi đường ống dẫn nước sông Đà bị vỡ lần thứ 9, ông Nguyễn Quốc Hùng đã chủ trì cuộc họp khẩn với các cơ quan chức năng và Tổng công ty nước sạch Vinaconex để thống nhất kế hoạch, phương án xây dựng tuyến đường ống mới.
Ông Hùng khẳng định, UBND TP Hà Nội sẽ chủ động đầu tư ngay một tuyến ống mới. Tuy nhiên, ông Hùng vẫn chỉ đạo Vinaconex tiếp tục nghiên cứu, đầu tư tuyến ống số 2 và nâng công suất nhà máy nước theo quy hoạch.

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn