Đường băng sân bay Nội Bài được đại tu tổng thể thế nào?

Tin nhanh 24hThứ Hai, 29/06/2020 06:46:49 +07:00

Đường băng sân bay Nội Bài cần đại tu tổng thể sau khi phương pháp sửa chữa theo kiểu chắp vá không còn phát huy tác dụng.

Sau hơn 2 năm liên tục ghi nhận tình trạng hư hỏng, hôm nay (29/6), đường băng sân bay Nội Bài sẽ được đại tu tổng thể với hàng loạt hạng mục sửa chữa như đường cất hạ cánh, đường lăn song song, đường lăn thoát nhanh và hệ thống thoát nước.

Đường băng sân bay Nội Bài được đại tu tổng thể thế nào? - 1

Bùn phụt lên trên mặt đường băng sân bay Nội Bài sau mỗi lần máy bay hạ cánh. (Ảnh: NIA)

Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 2.000 tỷ đồng. Các đơn vị thi công sẽ đóng cửa đường cất hạ cánh 1B (11R/29L) để sửa chữa tổng thể vì mặt đường cất hạ cánh 1B có nhiều vị trí bị phụt bùn, nhiều tấm bê tông bị hư hỏng, gãy vỡ, uy hiếp đến an toàn bay.

Đường cất hạ cánh 1B có chiều dài 3.800 m, được đầu tư xây dựng từ năm 2003. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT, Ban quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long) phải cố gắng sửa chữa trước 3.000 m để kịp đưa vào khai thác trong dịp Tết Nguyên đán 2021.

Hiện tượng phụt bùn xảy ra do các khe nứt bên dưới kết cấu bê tông xi măng gây tích nước và bùn đất. Mỗi lần máy bay đi qua sẽ tạo áp lực làm bùn đất phụt lên trên qua các khe nứt.

Trả lời Zing, đại diện PMU Thăng Long cho biết đơn vị tư vấn sẽ khảo sát, nếu hư hỏng nhẹ có thể phun vữa để bít kín các khe nứt.

Nếu hư hỏng phức tạp, đơn vị thi công phải đào bỏ hoàn toàn lớp bê tông xi măng cũ, đầm chặt nền đất sau đó trải thêm 3 lớp vật liệu gồm 1 lớp cát đầm chặt dày 50 cm, 1 lớp cách ly và 1 lớp bê tông xi măng dày 20 cm.

Với các tấm bê tông bị hư hỏng bề mặt mà không bị phụt bùn, đơn vị thi công sẽ thay thế bằng các tấm bê tông lưới thép mới. Các tấm bê tông bị hư hỏng, vỡ góc cạnh sẽ được trám vá bằng bê tông xi măng và phụ gia chống thấm sika.

Quá trình sửa chữa đường băng 1B tại Nội Bài dự kiến gặp nhiều khó khăn bởi đường băng này nằm chắn giữa đường băng 1A và nhà ga hành khách. PMU Thăng Long cho biết việc đầu tiên phải làm sau lễ khởi công là xây đường lăn tạm (S7A) để máy bay có thể đi vòng qua đường băng đang thi công.

Đường băng sân bay Nội Bài được đại tu tổng thể thế nào? - 2

Đường băng 1B (đường màu đỏ) sẽ đóng cửa để sửa chữa. Đường lăn tạm S7A sẽ được xây dựng để kết nối đường băng 1A với nhà ga. (Đồ họa: Ngọc Tân)

Sau khi hoàn thành đường băng 1B, đơn vị thi công sẽ đóng đường băng 1A để tiếp tục sửa chữa. Đường bằng 1A được hoàn thành từ năm 2015 nhưng đến nay đã phát sinh nhiều hư hỏng trên bề mặt.

Toàn bộ các khe co giãn trên mặt đường cất hạ cánh cũng sẽ được sửa chữa, trám vá lại.

Sau khi khắc phục hết các hư hỏng cũ, toàn bộ mặt đường băng sẽ được trải thêm 2 lớp cách ly và 1 lớp bê tông xi măng cốt thép dày 36-40 cm ở trên cùng.

Ngoài cải tạo đường cất hạ cánh, dự án cũng có hạng mục cải tạo và xây mới các đường lăn thoát nhanh, đường lăn song song, đường lăn nối... Những đường lăn này sau khi hoàn thiện sẽ giúp tăng tần suất cất hạ cánh trong 1 khung giờ.

Với nhiệm vụ nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài, Bộ GTVT chọn nhà thầu xây lắp là liên danh Tổng công ty Xây dựng Hàng không (ACC) - Công ty CP Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam (VINADIC) - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn.

Nhà thầu tư vấn thiết kế tại Nội Bài là liên danh Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) - Công ty Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC). Nhà thầu tư vấn giám sát là Công ty CP Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng (CONINCO).

PMU Thăng Long khẳng định sẽ thi công gấp rút để đưa đường băng 1B vào khai thác trước Tết Nguyên đán 2021, sau đó tiếp tục đóng cửa đường băng 1A để sửa chữa.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn