Đượm vị Tết trong bánh ngũ sắc Thị Cầu

Gia đìnhThứ Tư, 22/01/2020 06:30:24 +07:00
(VTC News) -

Chẳng thể nhớ được bánh ngũ sắc Thị Cầu (Bắc Ninh) có từ khi nào, chỉ biết cứ vào dịp lễ, Tết, hội hè người ta mới làm bánh để mời họ hàng, quan khách.

Nhắc tới Bắc Ninh, ngoài những món ngon nức lòng người như nem Bùi (Thuận Thành), bánh tẻ làng Chờ (Yên Phong), bánh phu thê ( Đình Bảng)… thì bánh Ngũ sắc Thị Cầu (TP Bắc Ninh) lại có hương vị riêng biệt mà chỉ khi Tết đến xuân về mọi người mới có cơ hội thưởng thức.

Dân gian vẫn truyền nhau câu chuyện về chàng thư sinh đi thi được mẹ già tự tay làm bánh ngũ sắc mang theo ăn dọc đường. Trước khi thi, chàng thư sinh ăn miếng bánh mẹ làm và trào dâng niềm xúc động, chàng đã làm bài liền một mạch, năm ấy chàng thư sinh đỗ Trạng nguyên. Vì thế bánh còn có tên gọi khác là bánh Trạng nguyên.

Đượm vị Tết trong bánh ngũ sắc Thị Cầu - 1

Bánh Ngũ sắc Thị Cầu - Thương hiệu làng nghề truyền thống vùng đất Kinh Bắc.

Bánh Ngũ sắc được tô điểm bằng 5 màu, tượng trưng cho ngũ hành. Màu trắng có vị thơm dẻo nguyên chất của nếp cái hoa vàng, tượng trưng cho sự tinh khiết của trời đất.

Màu vàng có vị đắng nhẹ của quả dành dành, có mùi thơm rất lâu tượng trưng cho sự no ấm, đầy đủ. Còn màu xanh có vị thanh mát của lá dứa mang niềm hy vọng và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Màu đỏ có mùi thơm từ gấc tượng trưng cho sự phú quý, phát tài. Còn màu nâu của mật lại có vị ngọt ngào tượng trưng cho sự trù phú của đất trời.

Đượm vị Tết trong bánh ngũ sắc Thị Cầu - 2

Chẳng thể nhớ được bánh ngũ sắc Thị Cầu có từ khi nào, chỉ biết cứ vào dịp lễ, Tết, hội hè người ta mới làm bánh để mời họ hàng, quan khách.

Để có được chiếc bánh thơm ngon, mang hương vị đặc trưng của vùng Kinh Bắc, người làm bánh phải biết cách kết hợp khéo léo giữa các nguyên liệu sẵn có tại địa phương.

Với những nguyên đơn giản, gắn bó với cuộc sống nông nghiệp thuần túy, món quà quê có hương vị đặc trưng sẽ khiến thực khách ăn vào nhớ mãi.

Có mặt ở gia đình ông Nguyễn Thế Đài (khu 2, phường Thị Cầu), một trong những người đang giữ hồn cho bánh Ngũ sắc Thị Cầu truyền thống, chúng tôi mới được tận mắt chứng kiến quy trình chế biến cầu kỳ của món bánh này.

Ông Đài cho biết: “Bánh Ngũ sắc được sản xuất theo phương thức gia truyền cổ xưa với điểm nhấn là hoa ngũ sắc (5 loại nguyên liệu làm bánh - PV). Để bánh ngon, hoa ngũ sắc phải giòn mà vẫn mềm, mỗi màu sắc mang một hương vị riêng. Khâu chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh khá công phu, kỹ lưỡng.

Trước tiên, phải chọn loại gạo nếp cái hoa vàng mẩy, to đều, sàng sảy kỹ lưỡng. Đây là giống gạo nếp nổi tiếng của vùng đất Kinh Bắc, hạt gạo to tròn, thơm và dẻo, để 3 - 4 ngày sau khi nấu chín vẫn không bị khô cứng”.

Đượm vị Tết trong bánh ngũ sắc Thị Cầu - 3

Nhân công chuẩn bị nguyên liệu làm bánh.

Trước tiên, để tạo ra hoa bánh màu đỏ, người ta lấy một phần gạo nếp đồ xôi với ruột quả gấc tạo thành màu đỏ thẫm, một phần đồ với quả dành dành tạo hoa bánh màu vàng tươi, một phần đồ với nước vắt của lá dứa để lấy màu xanh cốm cho hoa bánh, phần nữa không trộn gì để đồ xôi làm màu trắng.

 Sau đó các phần xôi này được đem giã nhỏ với một ít rượu trắng và nước cây vông vang rồi cán mỏng ra cắt vuông 3 - 5 cm rồi đem phơi khô. Các miếng xôi đã phơi khô này sau đó đem rán giòn.

Tiếp đó là công đoạn đun mật cũng cần đòi hỏi sự khéo léo và kinh nghiệm của người nấu, phải điều chỉnh ngọn lửa vừa phải, nếu mật non lửa thì ngũ sắc không thơm, bị nát, nếu quá lửa lại đắng và cứng.

Sau khi nấu mật xong thì trộn lẫn với các loại nguyên liệu như gừng đã giã nhuyễn, lạc rang bỏ vỏ, mỡ thỏi, vừng, bột nếp rang chín và hoa bánh. Ở công đoạn này phải đảo thật đều, đun nhỏ lửa thì ngũ sắc mới dẻo. Đợi cho chảo ngũ sắc bớt nóng, xúc đổ vào khuôn gỗ rồi nén lại thành bánh.

Đượm vị Tết trong bánh ngũ sắc Thị Cầu - 4

Các nhân công tạo hình bánh trong khuôn.

Bánh ngũ sắc ngon nhất khi thưởng thức vào những ngày gió heo may, gió bấc bên những chén trà nóng thơm phức. Khi thưởng thức bánh ngũ sắc, ngay từ miếng cắn xốp dẻo đầu tiên người ta đã có thể cảm nhận được vị thơm ngọt, ngậy mà không ngán, rất khó lẫn với các thức quà khác.

Trong xu thế hội nhập với sức cạnh tranh lớn từ sự đa dạng của các mặt hàng bánh kẹo trên thị trường nội địa cũng như nhập ngoại, bánh ngũ sắc Thị Cầu đứng trước thử thách lớn.

Đượm vị Tết trong bánh ngũ sắc Thị Cầu - 5

Anh Nguyễn Văn Quang cắt bánh ngũ sắc để đóng gói.

Thời gian qua, chính quyền thành phố Bắc Ninh đã quan tâm, đầu tư hỗ trợ máy móc cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc sản truyền thống nhằm duy trì và đưa sản phẩm bánh ngũ sắc ra thị trường, qua đó, khẳng định nét văn hóa vùng miền với các sản phẩm truyền thống của các địa phương trong tỉnh.

Trong tiết trời se lạnh của xuân Canh Tý, quây quần trong không khí sum họp đầm ấm bên gia đình, người thân mà nhâm nhi miếng bánh ngũ sắc thơm nồng cùng ly trà xanh ấm nóng khiến ta cảm nhận được hương thơm của đồng nội, của đất trời đang lan tỏa, hòa quyện như nhắn gửi lời chúc một năm mới an lành, ấm áp và thịnh vượng đến mọi người, mọi nhà.

Tiến Dũng- Văn Chương
Bình luận
vtcnews.vn