Dưới sải cánh bay cao hơn bầu trời, là bao la những bình yên

Thời sựThứ Sáu, 27/07/2018 12:46:00 +07:00

Dưới sải cánh các chiến sĩ không quân bay cao hơn bầu trời, là bao la những bình yên.

“Cao hơn bầu trời”

Ai đã từng xem “Hà Nội 12 ngày đêm”, còn nhớ Tiểu đoàn trưởng Đặng Nhân bịn rịn tạm biệt vợ mới cưới trong đêm, còn nhớ chiến sĩ Đức gạt nước mắt mất cha lần theo tiếng bom đạn gầm rú trên bầu trời, khi Mỹ thực hiện chiến dịch Linebacker không kích Thủ đô suốt 12 ngày đêm năm 1972.

Hình ảnh những người lính phi công bay vào bất tử, viết khúc tráng ca oai hùng, ngỡ đã khép lại một giai đoạn lịch sử đau thương nhưng anh dũng, ngỡ đã khép lại những đổ máu, hy sinh. Vậy mà, những hình ảnh ấy, trở lại ngay giữa thời bình, khi mới hôm qua, chiếc máy bay SU-22 rơi trên vùng trời Nghệ An, mang theo 2 phi công Khuất Mạnh Trí, Phạm Giang Nam ngay trước ngày tri ân các anh hùng, liệt sĩ.

trung ta khuat minh tri

 Phi công Khuất Mạnh Trí hy sinh trên vùng trời Nghệ An.  

Cũng khoảng thời gian này 2 năm trước, hai chiếc SU-30MK2 và CASA nằm lại trong lòng biển khơi, mang theo anh Trần Quang Khải, anh Lê Kiêm Toàn, anh Nguyễn Đức Hảo và các đồng đội…mãi mãi không trở về.

Xa hơn, là 20 chiến sĩ trên chiếc trực thăng Mi171 số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân 916, vĩnh viễn ngủ say trong lòng đất mẹ, khi thực hành huấn luyện bay.

Xin mượn tựa phim “Cao hơn bầu trời” để nói về các anh – những người lính phi công đánh cược cả sinh mạng, cả những mưu cầu hạnh phúc cá nhân, sải đôi cánh cất cao giữa muôn trùng mây, ngày đêm canh giữ từng tấc đất, tấc biển. Kính cẩn nghiêng mình trước lòng dũng cảm “cao hơn bầu trời’’, dưới cánh bay ấy, là bao la những bình yên.

 “Tôi thấy sếu bay trong lớp sương mù”

Những người lính ngã xuống khi bom đạn đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhắc nhớ, cái giá của hòa bình, lớn đến nhường nào.

Có lẽ, không nơi nào trên thế giới, nhiều mộ gió và mộ vô danh như dải đất nép mình bên bờ Biển Đông.

Trên non cao là nghĩa trang Vị Xuyên tràn nước mắt, xuôi về khúc ruột miền Trung là nghĩa trang Ngã ba Đồng Lộc rợp trời hoa gió như những cô gái thanh niên xung phong năm nào, là nghĩa trang Trường Sơn đau đáu những linh hồn chưa trở về gia đình, là nghĩa trang Quốc gia Đường 9 Nam Lào day dứt tiếng ơ hờ nhớ thương, ngóng về phía biển là nghĩa trang Hàng Dương gió thổi ngút ngàn…

Mỗi xóm làng đi qua đều mang bóng hình của đau thương, của những biển báo vùng đất còn nhiều nguy hiểm, của 800.000 tấn bom mìn chực chờ phát nổ đâu đó, giữa thanh âm tưởng đã bình yên.

Quê hương, đối với riêng dân tộc này, không còn là những địa danh cụ thể, rõ ràng. Mà quê hương, là mỗi bước chân đặt xuống, dọc dài dải đất hình chữ S đều mang theo khao khát hòa bình.

Quê hương, đối với riêng dân tộc này, không phải mong mỏi cao sang, chỉ là sau mỗi đêm tuần tra dọc miền biên viễn, sau mỗi ngày canh giữ nơi hải đảo xa xôi, sau mỗi lần cất cánh bay trên bầu trời cao xanh, là một lần được thấy người chiến sĩ bình yên trở về, như ước vọng bình yên từ trong tiềm thức.

Quê hương, dung dị và kiên cường như trong “đêm hòa bình” – đêm duy nhất không bom đạn giữa bao ngày ác liệt của “Hà Nội 12 ngày đêm’’, một mầm sống được ươm lên từ ý chí, từ tình yêu của cô giáo Hiền và người chồng – Tiểu đoàn trưởng Đặng Nhân.

Và các anh – những lòng quả cảm trên chiếc SU-22 ngày hôm qua, các chiến sĩ hôm kia, hôm kia nữa, đã nối dài những “đêm hòa bình” bằng sự hy sinh nhẹ nhàng như thể, các anh chọn đời binh nghiệp, luôn sẵn sàng không trở về khi Tổ quốc gọi tên; nhẹ nhàng như thể, sẵn sàng bay lên cùng đàn sếu của Gamzatov, trong bóng chiều chạng vạng:

... Hôm nay đây trong bóng chiều chạng vạng

Tôi thấy sếu bay trong lớp sương mù

Thành đội hình âm thầm như năm cũ

Những con người dàn trận bước nhẹ chân

Video: Xem xét công nhận 2 phi công hy sinh trong vụ rơi máy bay ở Nghệ An là liệt sỹ

An Yên  
Bình luận
vtcnews.vn