Được đầu tư 'từ chân đến răng', DN nhà nước lãi thì ít, lỗ lại nhiều

Kinh tếThứ Tư, 28/05/2014 06:56:00 +07:00

(VTC News) - Nhiều ĐB Quốc hội cho rằng dù được đầu tư 'từ chân đến răng', song doanh nghiệp nhà nước lãi thì ít mà lỗ lại nhiều.

(VTC News) - Nhiều ĐB Quốc hội cho rằng dù được đầu tư 'từ chân đến răng', song doanh nghiệp nhà nước lãi thì ít mà lỗ lại nhiều.

Ngày 28/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Luật doanh nghiệp là cần thiết nhằm thực thi các quy định của Hiến pháp.

Luật doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc tiến hành quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; tạo điều kiện và động lực mới cho sự phát triển của doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Đại biểu Trần Du Lịch
Đại biểu Trần Du Lịch(Ảnh: Phạm Thịnh)

Góp ý cho dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) cho rằng, Luật doanh nghiệp sửa đổi lần này sẽ giúp tháo gỡ tất cả rào cản để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, đặc biệt là luật lần này quy định doanh nghiệp thực hiện quyền kinh doanh tất cả những ngành nghề mà pháp luật không cấm.


“Tuy nhiên, tôi cho rằng luật cần quy định thêm hai danh mục đi kèm gồm danh mục những ngành nghề nhà nước cấm và danh mục những ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Theo tôi, không cần thiết phải ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy phép đăng ký kinh doanh, chỉ thêm rườm rà”, đại biểu Trần Du Lịch đề xuất.


Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Đỗ Văn Đương đặt vấn đề : "Doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước thì hoạt động của doanh nghiệp vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận. Ví dụ trong lĩnh vực công nghiệp Quốc phòng. Bên cạnh đó, loại hình doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối với hơn 51% thì có lợi nhuận hay phi lợi nhuận?"

Ông Đương cho rằng hiện nay có một thực tế nhiều doanh nghiệp vốn nhà nước nhưng lại đầu tư ngoài ngành dẫn tới rủi ro thua lỗ, mất vốn nhà nước.
Đại biểu Đỗ Văn Đương
Đại biểu Đỗ Văn Đương  (Ảnh: Phạm Thịnh)

Trong thực tế, các vụ án liên quan đến vốn nhà nước rất nhiều nhưng khi tài sản bị xâm hại thì xử lý lại rất khó khăn. Theo đại biểu Đương, vấn đề quan trọng nhất là luật phải bảo toàn được nguồn vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh.


“Anh được đầu tư từ chân tới răng mà lợi nhuận thì ít mà lỗ thì nhiều. Luật doanh nghiệp hiện nay quá thông thoáng, doanh nghiệp tư nhân mọc lên như nấm, làm ăn chân chính thì ít, chụp giật thì nhiều. In hóa đơn bán để chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng”. Đại biểu Đỗ Văn Đương nói.

Vị đại biểu này cũng kiến nghị trong Luật doanh nghiệp sửa đổi cần phải tạo cơ chế bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Đương cho rằng trong việc kiểm tra dễ dãi, không có hậu kiểm sau khi doanh nghiệp thành lập nên cần phải xem lại trách nhiệm của cơ quan thuế.

Có ý kiến cho rằng thời gian qua, bên cạnh việc đơn giản hóa các thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp bỏ trốn, doanh nghiệp biến mất sau khi đăng ký, thành lập doanh nghiệp “ma” để mua bán hóa đơn … gây ảnh hưởng đến nhóm doanh nghiệp hoạt động chân chính.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa 

Cũng có cùng những bức xúc này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng hiện nay Sở Kế hoạch và Đầu tư bỏ hẳn khâu hậu kiểm trong khi theo luật quy định Sở Kế hoạch và Đầu tư là một trong số các cơ quan chính làm chuyện hậu kiểm sau cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động.


“Vừa qua có một công ty giật tiền doanh nghiệp khác lên đến 5-6 triệu USD, nhưng cơ quan chức năng khi xử lý lại không biết tìm doanh nghiệp này ở đâu.

Theo tôi, luật lần này phải đặt nặng đến công tác hậu kiểm của cơ quan chức năng sau khi cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động, cần tăng cường chế tài xử lý sau cấp phép”, đại biểu Nghĩa nói.


 

Anh được đầu tư từ chân tới răng mà lợi nhuận thì ít, lỗ thì nhiều

Đại biểu Đỗ Văn Đương
 
Nói về tác động của Luật Doanh nghiệp sửa đổi, đại biểu Trần Hoàng Ngân dẫn tài liệu thống kê cho biết đến nay cả nước có khoảng 350.000 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 11 triệu lao động, trong đó khối doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút khoảng 7 triệu lao động.


Mặc dù vậy, ĐB Ngân cũng đề nghị ban soạn thảo luật cần cân nhắc lồng ghép thêm quy định về đảm bảo quyền lợi của công nhân lao động tại doanh nghiệp, quyền lợi của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp và cả cơ chế quản lý doangh nghiệp cần phải hết sức chặt chẽ.

Cần quy định rõ hơn địa vị pháp lý, vai trò, nghĩa vụ của người đại diện doanh nghiệp vì vừa qua có trường hợp công ty “ma”, một người thành lập nhiều công ty, lợi dụng địa vị người đại diện gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Cũng có cùng nhận xét này, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh nêu thực tế hiện nay trụ sở chính của doanh nghiệp được quy định khá đơn giản. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng không biết doanh nghiệp có sản xuất kinh doanh ở đó hay.

"Địa chỉ ma sẽ rất nhiều, việc hủy địa điểm cũng dễ. Không có chế tài gì mà rất chung chung trong quá trình kê khai, nếu kê khai không chính xác thì có chế tài xử phạt nào không?", đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh băn khoăn đặt câu hỏi.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn