Dừng xem xét, thanh toán dự án BT: Dừng lại chỉ thiệt

Kinh tếThứ Sáu, 24/08/2018 08:28:00 +07:00

Có lẽ Bộ Tài chính cần sớm ban hành Nghị định về thanh toán dự án BT.

Bức bối vì tắc đường vẫn đòi dừng dự án hạ tầng

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa của Hà Đông (Hà Nội) diễn ra chóng mặt. Trong khi đó, hạ tầng giao thông không theo kịp, dẫn đến tình trạng ùn tắc có dấu hiệu ngày càng nghiêm trọng. 

Cho nên, không ít người vui mừng khi một loạt các dự án giao thông vừa được Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư theo hình thức BT. Đó là Dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3, quận Thanh Xuân, Dự án xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật 5 tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu dân cư, đô thị thuộc địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội). Điều đó hứa hẹn sẽ góp phần cải thiện bộ mặt giao thông của khu vực này.

Đây là 2 trong số 5 dự án được UBND Thành phố trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi theo hình thức BT tại Hội nghị Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển ngày 17/6/2018.

Các dự án BT còn lại đều tập trung vào lĩnh vực giao thông hứa hẹn góp phần cải thiện đáng kể bộ mặt giao thông thủ đô vốn đang có nhiều “điểm đen”.

1

Một loạt các dự án giao thông vừa được Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư theo hình thức BT. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, khi nhà đầu tư đang chuẩn bị các điều kiện triển khai dự án, thì Hà Nội và các tỉnh thành khác tiếp tục nhận được một văn bản của Bộ Tài chính đề nghị tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công (đất đai) để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT cho đến khi nghị định của Chính phủ quy định về nội dung này có hiệu lực thi hành. 

Đáng nói là, dự thảo Nghị định xây dựng cách đây 8 tháng mà đến nay vẫn chưa rõ bao giờ được thông qua.

Thực tế, từ tháng 3/2018, Bộ Tài chính đã có một văn bản tương tự, đề nghị dừng xem xét, quyết định dùng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư BT từ 1/1/2018.

Nhưng Hà Nội vẫn tiến hành vì đó là việc chẳng thể dừng. Ùn tắc giao thông ở Hà Nội đã ở mức báo động. Nếu không triển khai thì tình hình càng tệ hơn.

TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói về văn bản của Bộ Tài chính: Quyết định nào đưa ra cũng không thể ngăn được các việc đã được triển khai, Hà Nội đã quyết định thì cứ làm, chứ không ngăn được.

Thực tế Hà Nội nên căn cứ tình hình thực tế triển khai của 5 dự án, dự án nào triển khai ở mức nhất định không dừng lại được nếu cần thì xin ý kiến Chính phủ cho làm tiếp, còn dự án mới làm thì dừng lại vẫn được, để đợi Nghị định mới.

Khi 5 dự án kể trên được công bố, Hà Nội cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Ngay lập tức, UBND thành phố Hà Nội đã phát đi thông tin nêu rõ vấn đề, trong đó có quy trình, thủ tục thanh toán đất cho nhà đầu tư để đổi lấy các tuyến đường. 

Theo đó, sau khi quy hoạch chi tiết 1/500 và chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt, UBND Thành phố mới quyết định giao đất để thanh toán cho công trình BT.

Giá đất thanh toán sẽ được Liên ngành Thành phố xác định theo sát giá thị trường theo đúng quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính, trên cơ sở đất đã có hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch đảm bảo nguyên tắc so sánh giá trên thị trường (giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường, giá bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, kết quả đấu giá quyền sử dụng đất và giá đất theo bảng giá nhân với hệ số điều chỉnh tối đa) và trừ đi phần kinh phí Nhà đầu tư đã ứng để bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật...

Tất cả đều tuân thủ quy định tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 của Chính phủ và Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 12/3/2018 của UBND Thành phố. 

Đáng chú ý, UBND Thành phố đã chỉ đạo việc thanh toán, quyết toán công trình BT (bao gồm cả các dự án đối ứng) chỉ hoàn thành sau khi có kết quả kiểm toán các dự án theo quy định của pháp luật.

Còn nhiều cách để “quản” việc thanh toán dự án BT

Trả lời báo chí, TS Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng việc dừng hẳn các hoạt động đầu tư BT để chờ chính sách mới là việc không nên, vì có thể gây ra những ách tắc và tác động không đáng có cho các bên. Nếu muốn hạn chế các tiêu cực và thất thoát trong những dự án theo hình thức BT hay BOT thì cần đưa ra giải pháp thay thế đồng bộ.

Ví dụ, đấu giá đất công lấy tiền để thanh toán cho nhà đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng song song với việc đấu thầu nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện những dự án đó... 

Video: Sống mòn bên siêu dự án Thanh Đa

“Việc yêu cầu dừng thụ động những hoạt động liên quan về triển khai các dự án theo hình thức BT mà không có giải pháp đồng bộ đi kèm sẽ kéo theo hậu quả làm trì trệ các hoạt động này, tác động tiêu cực đến thúc đẩy phát triển kinh tế”, TS Trần Du Lịch nói.

BT nếu làm tốt chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Việc khai thác giá trị đất đai để tạo nguồn lực phát triển hạ tầng là điều bất cứ quốc gia nào cũng làm. Vấn đề là Bộ Tài chính, Hà Nội hay bất cứ tỉnh thành, bộ ngành nào đều phải đánh giá được nhà đầu tư nào có đủ năng lực, kinh nghiệm, tài chính để tiến hành dự án.

Sau khi đã “cân đo đong đếm” các yếu tố, nhà đầu tư đã đáp ứng tiêu chí đề ra thì cần phải tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Bởi lẽ, chậm trễ ngày nào, thì công trình chậm tiến độ ngày đó. Công trình chậm tiến độ thì sinh ra đội vốn, kém hiệu quả. Hậu quả là cả nhà nước, người dân và nhà đầu tư đều thiệt.

Cho nên, Bộ Tài chính nên sớm ban hành Nghị định về thanh toán dự án BT để các dự án về sau có thêm công cụ để thực hiện hiệu quả nhất.

Duy Tiến
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn