Đừng vội quy kết người đòi bỏ, hay hợp nhất Tết cổ truyền là không yêu nước!

Thời sựThứ Bảy, 21/01/2017 08:00:00 +07:00

TS. Phạm Xuân Hoàng cho rằng, không nên vội nặng lời, quy kết những người đòi bỏ, hay hợp nhất Tết cổ truyền là không yêu nước, hay lai căng, mất gốc.

Độ mấy tuần nay đi ra đường đã thấy xe đạp của các bà, các chị đi bán đào dạo phố, cảm nhận mùa xuân đang đến thật gần. Tới cơ quan nghe anh em xa quê hỏi thăm nhau về Tết, lòng cũng thấy nao nao.

Lên mạng thấy có người đăng ảnh cảnh báo pháo nổ trên facebook cá nhân, bỗng nhớ cái Tết năm nào của hơn hai mươi năm trước. Pháo nổ đì đùng và hoa xác pháo tung đầy ngõ. Trẻ con thích chơi pháo mà sợ pháo. Pháo nổ cả tuần trong Tết, râm ran đêm giao thừa tới sáng mồng một năm mới, thậm chí đến ngày rằm vẫn còn pháo đem ra đốt. Đó là thời điểm 1994 trở về trước.

tet-4

 Hình ảnh Tết xưa với tiếng pháo đì đùng.

Ít lâu nay, trên báo và các trang mạng xã hội, người ta nêu ý kiến về gộp Tết tây với Tết ta, thậm chí là bỏ Tết cổ truyền vì cho rằng "hà cớ gì Tết thì ngày càng “nhạt” mà cứ phải khăng khăng “giữ hồn”?

Vài năm trước, GS.TS. Võ Tòng Xuân đã đề cập đến việc hội nhập Tết. Gần đây một số ý kiến cũng lặp lại vấn đề này như nhà kinh tế học TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu... Trước những ý kiến như vậy, có hàng nghìn bình luận phản đối, nhưng cũng có ý kiến chia sẻ đồng tình.

Với những người ủng hộ gộp Tết ta với Tết tây, cái lý chung nhất là để đảm bảo hiệu suất lao động và tiết kiệm thời gian, là bắt nhịp với dòng chảy của thế giới hiện đại.

Khi làm ăn và hội nhập sâu rộng với thế giới, họ theo lịch dương, ta vẫn chạy theo lịch âm, khi họ đã nghỉ xong Tết, bắt đầu năm mới thì nước mình mới đón Tết cổ truyền theo lịch âm. Việc đón Tết, chơi Tết có ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đến sinh hoạt, chưa kể hậu Tết - là chương trình du xuân kéo khá là dài, cùng với đó là những hệ lụy về an toàn đi lại, sự mệt mỏi sau những ngày nghỉ, vui chơi thái quá.

Còn cái lý chung của người quan niệm phải giữ gìn Tết cổ truyền đó là yếu tố bản sắc, là hồn cốt, là văn hóa cha ông cần được tiếp nối trong đời sống hiện đại hôm nay.

Ngày 14/1, nhiều bạn trẻ sinh viên trường đại học Thương mại, Đại học Lâm nghiệp, Đại học Y đã bày tỏ chính kiến về Tết cổ truyền. Theo các bạn, cần phải giữ gìn Tết cổ truyền vì lắng đọng nhiều ý nghĩa văn hóa trong đó.

Trong cuộc trao đổi gần đây của người viết với một bạn trẻ nghiên cứu văn học, bạn nói rằng, những người định gộp Tết âm với Tết dương có lẽ không hiểu gì về gốc gác của những tộc người trồng lúa nước, họ chỉ thích “3T”: tây, tiền, tiện mà thôi. Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ – Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn Hà Nội cho là, không ai có quyền đại diện cho 90 triệu dân Việt Nam đòi hỏi bỏ Tết ta!

tet

Vị Tết cổ truyền (cách đón Tết và thụ hưởngTết ) ít nhiều đã nhạt phai.

Không ít người phản bác quan niệm gộp Tết đặt câu hỏi: Tại sao phải hợp nhất Tết ta với Tết tây hoặc phải bỏ Tết ta, khi mà nhiều nước/vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Lào... vẫn đón Tết cổ truyền. Trong số đó có nhiều nước là những nước phát triển mạnh về kinh tế.

Nhiều người cũng dẫn ra kinh nghiệm nước Nhật. Họ từng xóa Tết cổ truyền để hội nhập, khi đã giàu mạnh, nhiều người Nhật lại muốn khôi phục lại cái Tết cổ truyền khi xưa, như một sự tái tạo bản sắc riêng.

Ý kiến về Tết cổ truyền có thể khác nhau, thậm chí xung đột nhau, và có không ít người còn tỏ thái độ gay gắt qua các comment (bình luận) về các ý kiến đòi sáp nhập Tết ta với Tết tây thành một cái Tết. Song, dù có tranh cãi nhiều đi chăng nữa, thì sự xung đột giữa các thế hệ về quan niệm giá trị khiến khó mà tìm được một tiếng nói chung.

Với Tết xưa, ta dẫu có nặng lòng với nó bao nhiêu đi chăng nữa thì nhìn từ thực tế mà thừa nhận với nhau rằng, vị Tết cổ truyền (cách đón Tết và thụ hưởngTết) ít nhiều đã nhạt phai.

Việc đón Tết giờ đây, từ cách ăn Tết, mặc Tết, chơi Tết và chúc Tết đã có nhiều thay đổi. Thú vui tự trang trí, trưng bày, làm cỗ Tết đã nhường cho dịch vụ Tết; việc lễ nghi với nhiều người trẻ không còn mấy mặn mà.

Tết là dịp tốt để làm ăn, kiếm lời khiến nhiều người có rất ít thời gian vô tư đón Tết. Cuộc vui Tết nhiều khi, nhiều nơi mang tính hình thức và nhàn nhạt.

Tết giờ đây, với nhiều người có thể là dịp trở về (với gia đình, quê hương) và với không ít người đó có thể cũng là dịp ra đi (đi du lịch, du xuân một nơi xa nào đó như một kỳ nghỉ).

Có thể với những người già nhiều hoài niệm vẫn còn những luyến tiếc, ngậm ngùi với sự mất mát vị Tết xưa; song với nhiều trẻ, tết bàng bạc trôi qua trong những trận rượu, cuộc bài, chầu karaoke.

Đúng là, Tết xưa trong xã hội hôm nay, nó không còn là một cái Tết nguyên bản như ông cha ta từng có. Âu đó cũng là logic của sự vận động của Tết dưới tác động của đời sống kinh tế - xã hội. Tết cổ truyền cũng như nhiều lễ nghi truyền thống khác, theo đà nhịp sống của xã hội công nghiệp hoá, hiện đại hoá mà biến đổi theo.

Câu hỏi cần đặt ra ở đây là, vấn đề đòi hỏi hội nhập Tết ta và Tết tây thực chất không mới, tại sao nó vẫn tiếp tục được nêu lên? Rõ ràng, ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới đầy đổi thay, thậm chí hỗn độn. Có những thứ có thể sẽ xảy ra phá vỡ tri thức cũ, kinh nghiệm cũ, dễ khiến ta bất ngờ hoang mang, thậm chí đổ vỡ niềm tin, thậm chí phản ứng một cách gay gắt.

 
Đừng vội nặng lời, quy kết những người đòi bỏ, hay hợp nhất Tết cổ truyền là không yêu nước, hay lai căng, mất gốc!

TS.Phạm Xuân Hoàng

Việc đặt vấn đề hội nhập Tết cổ truyền với Tết dương lịch phải chăng chính là đang biểu hiện cho cái logic ấy. Nên cũng đừng vội nặng lời, quy kết những người đòi bỏ, hay hợp nhất Tết cổ truyền là không yêu nước, hay lai căng, mất gốc! Hãy ghi nhận họ là những người có quan điểm khác biệt và chính họ, qua những quan điểm thẳng thắn cá nhân cũng đang bày tỏ mối quan tâm, lo lắng cho tương lai đất nước của mình.  

Thời khắc vẫn lặng lẽ trôi, thời gian không đợi chờ ai cả. Bao lớp người đã qua và bao thế hệ người đang đi tới với nhiều trăn trở, suy tư. Mỗi năm Tết đến xuân về, ai người tự hỏi, vậy rốt cục chúng ta đang đón Tết, hay buộc phải đón Tết. Ta đang níu Tết cổ truyền, hay truyền thống Tết đang níu ta!?

Câu hỏi không dễ gì cắt nghĩa một cách rõ ràng nếu nhìn từ phương diện văn hoá. Và chắc gì Tết ta đã là rào cản, lực cản của sự phát triển và hội nhập của đất nước hôm nay hay có những lý do khác mà ta chưa thể trả lời trong một sớm một chiều.

Nhưng có một điều chắc chắn rằng, dù việc Tết cổ truyền diễn tiến theo xu hướng nào, cũng sẽ do logic cuộc sống và ý thức xã hội quyết định, chứ không do ý chí chủ quan hay sự yêu ghét cá nhân nào có thể buộc nó phải đổi thay theo chủ ý của mình.

Và dù nhu cầu và phương thức sống được “hiện đại hóa” như thế nào đi chăng nữa, người viết tin rằng, hồn cốt, bản sắc văn hóa dân tộc đích thực đi qua thăng trầm rồi vẫn sẽ còn mãi, với điều kiện khi và chỉ khi mỗi người con dân nước Việt đều có ý thức yêu mến và giữ gìn bản sắc riêng có của dân tộc mình.

Video: Đại sứ Mỹ thả cá chép, đi chợ hao sắm Tết, chúc Tết bằng tiếng Việt

 

TS. Phạm Xuân Hoàng (Viện Thông tin KHXH- Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)
Bình luận
vtcnews.vn