Dùng sách giáo khoa mở, học sinh chỉ tốn 1/10 chi phí

Giáo dụcThứ Năm, 08/05/2014 08:00:00 +07:00

(VTC News)- Một thạc sĩ giáo dục đã chỉ ra tính tất yếu trong việc dùng sách giáo khoa mở trong tương lai không xa vì chi phí rẻ và có thể lắp ghép, bổ sung dễ

(VTC News)- Một thạc sĩ giáo dục đã chỉ ra tính tất yếu trong việc dùng sách giáo khoa mở trong tương lai không xa vì chi phí rẻ và có thể lắp ghép, bổ sung dễ dàng.

Thời gian qua, dư luận hết sức bức xúc khi Bộ GD-ĐT công bố phải dùng hơn 34.000 tỷ đồng cho đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau 2015. Sau đó, lãnh đạo Bộ GD-ĐT có giải thích con số kinh phí khổng lồ 34.000 tỷ đồng do các nhóm chuyên gia tính toán và số tiền dùng cho việc viết chương trình, sách giáo khoa chỉ hơn 100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng không cần thiết phải sử dụng một số tiền lớn để đổi mới sách giáo khoa trong khi chưa có một sự thay đổi thực sự trong phương pháp giảng dạy của giáo viên. Học trò cũng chưa được hưởng lợi từ việc thay đổi sách giáo khoa này.

Trả lời phỏng vấn VTC News, ông Nguyễn Hoàng Vinh, Giám đốc dự án giáo dục trực tuyến Zuni cho rằng thay vì việc tốn tiền đổi mới sách giáo khoa, Bộ GD-ĐT nên cân nhắc việc đổi mới từ những bài giảng điện tử.

sách giáo khoa điện tử
Trong tương lai, những bộ sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử sẽ thay thế sách giáo khoa giấy 
Cũng có nhiều ý tưởng đổi mới chương trình và sách giáo khoa, thạc sĩ giáo dục Kim Ngọc Minh- thành viên đoàn tìm hiểu “Giáo dục trong thời đại số” tại Hoa Kỳ trong tháng 4/2014 đã chia sẻ với VTC News về chủ đề “sách giáo khoa mở”. Đây là một hướng mới giúp giảm chi phí đầu tư của nhà nước và người dân cho giáo dục.

Từ quan sát ở Utah.

Thạc sĩ Kim Ngọc Minh
Thạc sĩ Kim Ngọc Minh 
Tiếp tục trong chương trình “Giáo dục trong thời đại số”, các thành viên trong đoàn đã đến gặp TS. David Wiley (ĐH BYU, bang Utah, Mỹ), một trong những người tiên phong trong phong trào dùng sách giáo trình/giáo khoa mở (open textbook) tại các trường đại học và phổ thông. 

TS. Wiley chia sẻ, "sách mở" như thế thì có hai cái lợi cơ bản: Một là, lợi đầu tiên đến với sinh viên/học sinh. Sách giáo trình/sách giáo khoa sẽ trở nên miễn phí (bản mềm) hoặc cực rẻ (bản tự in hoặc tại các nhà in chỉ tính tiền giấy, mực, do đã miễn phí bản quyền hoặc chỉ cần chia sẻ rất ít cho các tác giả, "cắt" khâu trung gian bấy lâu của các công ty xuất bản).  

Ngay tại Mỹ, một số sinh viên/học sinh vẫn không có khả năng mua những bộ giáo trình/giáo khoa tốn kém. Chính điều này ảnh hưởng đến kết quả học tập rõ rệt.

Hiện đang có một dự án trong đó, công ty Lumenlearning.com của TS. Wiley và nguồn sách mở OpenStax (của ĐH RICE) hợp tác triển khai các sách giáo trình miễn phí trực tuyến cho sinh viên, để tiết kiệm khoảng 10 triệu USD tiền mua sách cho các sinh viên, trong vòng 2 năm tới.

Theo bạn, có nên thay thế sách giáo khoa truyền thống bằng giáo trình điện tử?

  • Nên
  • Không nên
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Bên cạnh đó, nếu dùng sách giáo trình/ sách giáo khoa mở, giảng viên có sự linh hoạt trong giảng dạy, khi có thể chủ động lựa chọn, "lắp ghép" từ các nguồn mở khác nhau để nội dung thêm phong phú, không bị "bó cứng" vào chỉ một bộ giáo trình (mà nhiều khi "bắt" sinh viên phải mua).

Trong một số trường hợp, sinh viên/học sinh cũng tham gia đóng góp việc bổ sung, căn chỉnh các nội dung trong "sách mở", khiến công việc dạy-học trở nên mối tương tác nhiều chiều, cả thầy và trò cùng dạy và cùng học lẫn nhau.

Nhưng mọi việc không đơn giản như thế, đặc biệt là các công ty xuất bản không thích thế. 

Một trong những sức ì chính là từ giảng viên. Xin ghi chú rằng, quyền độc lập của các giảng viên đại học tại Mỹ là rất lớn. Các giảng viên có quyền tự lựa chọn sách giáo trình cho sinh viên của mình nên có thể đơn giản họ không thích những cách mới thì cũng không ai ép được.  

Hoặc vì công ty xuất bản kí hợp đồng tài trợ cho khoa, cho trường; hay vì bằng cách nào đó các công ty xuất bản tạo "dư luận" đừng tin vào những gì miễn phí, khiến các giảng viên cũng nghi ngại.  

 

Tiến sỹ David Wiley và thành viên đoàn tìm hiểu chủ đề Giáo dục trong kỷ nguyên số
Tiến sỹ David Wiley và thành viên đoàn tìm hiểu chủ đề Giáo dục trong kỷ nguyên số 

TS. Wiley tuy vẫn kiên trì thuyết phục các giảng viên đại học, nhưng rất tốn sức vì phải gặp rất nhiều trường, nhiều khoa, nhiều giảng viên, để sự tác động có khi chỉ đến với vài trăm sinh viên  của một môn hay ngành cụ thể.

Và, ông có một cú "điểm huyệt" đột phá: xoay xuống cấp phổ thông, thuyết phục 3 người ở Bộ Giáo dục Bang Utah. Kết quả là 3 người đó "tâm phục khẩu phục", và cho đến nay khoảng 200 ngàn học sinh phổ thông ở bang Utah đang được hưởng lợi từ nguồn sách giáo khoa mở này.

Xin tham khảo thêm các bộ sách giáo khoa mở tại đây:  http://goo.gl/wPFxDl . 

TS. Wiey tự hào chia sẻ: "Thay vì mất công gõ cửa từng khoa từng giảng viên Đại học, tôi thuyết phục 3 người ở Bộ để tác động ở khối phổ thông, vốn vẫn phụ thuộc vào "hướng dẫn" từ bên trên nhiều hơn là cấp đại học, và kết quả như đã thấy".

Một trong ba người đó, trong cuộc gặp tại Bộ Giáo dục Utah, đã "thú thật": "Trước khi TS. Wiley trao đổi với tôi, tôi thậm chí không có khái niệm gì trong đầu về các nguồn tài nguyên giáo dục mở OER (Open Educational Resources).

Khi được chia sẻ, chúng tôi "bị" thuyết phục, và hợp tác triển khai".

Sách giáo khoa mở này căn cứ trên Chương trình khung (Core Curriculum) do bang đề ra (gần đây có Common Core - chương trình khung chung tại hầu hết các bang - áp dụng cho môn Toán và Tiếng Anh), và nguồn tư liệu được khai thác từ các "mỏ tài nguyên" mở trên mạng.

Học sinh/sinh viên có thể dùng "sách mở" trên mạng miễn phí, hay đơn giản đặt gửi các bản in giá rẻ, chẳng hạn qua createspace.com (một công ty con của Amazon), để có bản in rẻ với giá bằng 1/5 đến 1/10 hoặc ít hơn (khoảng chục đô-la cho một quyển sách dày hàng trăm trang).

Khoản tiền này rất nhỏ so với sách giáo trình/giáo khoa  "có bản quyền" tốn hàng trăm đô-la vốn được in bởi các công ty xuất bản "truyền thống" lâu nay.

Độc giả có đồng ý với quan điểm của tác giả? Hãy gửi ý kiến bình luận cho chúng tôi theo ô thảo luận cuối bài viết để làm sáng tỏ vấn đề rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai đất nước này.

Kỳ sau: Đề xuất mô hình sách giáo khoa mở cho Việt Nam

Kim Ngọc Minh

Bình luận
vtcnews.vn