Dùng lô hội không đúng có thể gây quái thai

Sức khỏeThứ Bảy, 25/08/2012 08:05:00 +07:00

Nhựa nha đam (lô hội) có chất độc nên nếu dùng không đúng cách có thể gây xung huyết, nôn mửa, ngộ độc, thậm chí… quái thai.

Nhựa nha đam (lô hội) có chất độc nên nếu dùng không đúng cách có thể gây xung huyết, nôn mửa, ngộ độc, thậm chí… quái thai.

Theo y học cổ truyền, nha đam có vị đắng, tính hàn, tác dụng sát trùng, thanh nhiệt, thông tiện, làm mát gan. Dùng để chữa các chứng rối loạn tiêu hoá, ăn uống không tiêu, làm thuốc nhuận trường, tẩy xổ (0,15 - 2gr), trẻ con bị cam tích, táo bón, chữa viêm loét dạ dày.

Tính năng có lợi

Theo y học hiện đại, nha đam dạng gel thoa vào các vùng bị thương sẽ giúp giảm viêm, giảm đau. Chống viêm và giải dị ứng, làm lành vết thương và tẩy sạch các tế bào sừng trên da.

 

Lô hội giúp kháng khuẩn và kháng nấm. Giúp tái sinh tế bào, loại bỏ tế bào già và giúp tái sinh các mô mới. Kích thích tiêu hóa và nhuận tràng, chống viêm ruột, táo bón, nhờ nha đam chứa nhiều loại men tiêu hoá và nhóm hoạt chất emodin và aloin có tác dụng nhuận trường.

Tăng cường giải độc cơ thể, nhờ tăng cường chuyển hoá tại gan, thận giúp loại trừ độc tố tế bào. Nhờ chứa nhiều chất bổ dưỡng cung cấp năng lượng cho tế bào, mà các thực phẩm chức năng bào chế từ nhựa nha đam dạng uống còn chữa được chứng mất ngủ, trầm cảm, viêm đại tràng, tiêu hoá kém, tuần hoàn kém, bệnh viêm khớp.

Ngoài ra, nha đam được dùng làm mỹ phẩm nhờ hai thành phần chính là lignin và polysaccharide thấm sâu vào biểu bì, tẩy sạch các vi khuẩn và chất dầu bịt lỗ chân lông. Dạng gel bôi da còn được ứng dụng trong ngoại khoa để làm lành vết mổ và phòng chống nhiễm xạ.

Dùng đúng cách

Dù có rất nhiều công dụng có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên theo DS Lê Kim Phụng, Giảng viên khoa y học cổ truyền, Đại học Y dược TP.HCM, nhựa cây nha đam nguyên chất là một chất độc, khi để ra ngoài không khí chất nhựa này dễ bị oxy hoá làm mất đi một phần hoạt tính, do đó cần có quy trình chiết xuất đúng đắn để ổn định hoạt chất.

Khi ăn nha đam, cần làm sạch lớp mủ màu vàng kế bên lớp thạch để tránh ngộ độc. Không nên bôi trực tiếp lên da vì dễ bị kích ứng gây đỏ da và viêm loét. Đối với phụ nữ có da dễ nhạy cảm, trước khi sử dụng cần phải test trước để tránh làm sưng tấy và nhiễm trùng vùng da bị dị ứng.

Các bác sỹ cũng khuyến cáo, phụ nữ có thai và đang cho con bú tuyệt đối không nên dùng, vì những báo cáo gần đây cho thấy nha đam có thể liên quan tới sẩy thai, dị tật bẩm sinh.

Trẻ em dưới 12 tuổi cũng nên hạn chế, do nha đam gây đau bụng, vọp bẻ và tiêu chảy. Những nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, gel nha đam có tác dụng giảm mức đường huyết. Nếu bị đái tháo đường và đang điều trị thuốc mà muốn dùng nha đam cần theo dõi chỉ số đường huyết chặt chẽ hơn để phòng ngừa biến chứng hạ đường huyết quá mức, có biểu hiện nhịp tim nhanh, vã mồ hôi, đánh trống ngực, run…nếu nặng hơn có thể gây giảm khả năng tập trung, lú lẫn, hôn mê.

Với người mắc bệnh trĩ khi dùng nha đam, đặc biệt là có lẫn nhựa cây sẽ gây kích thích đại tràng, có thể làm bệnh nặng hơn. Còn người có bệnh lý thận không nên dùng liều cao hoặc kéo dài vì một số hợp chất trong nhựa cây khi tích lũy sẽ gây suy thận.

“Do tác dụng làm giảm đường huyết nên nha đam sẽ gây khó khăn trong việc kiểm soát mức đường huyết trong và sau phẫu thuật. Nên ngưng dùng nha đam ít nhất hai tuần trước khi phẫu thuật. Ngoài ra, những người có bệnh lý tỳ vị hư hàn, không nên dùng nha đam”, DS Lê Kim Phụng nói.


Theo Đất Việt

Bình luận
vtcnews.vn