Đừng gọi thành công của U23 Việt Nam là 'điều kỳ diệu'

Thể thaoThứ Tư, 24/01/2018 18:40:00 +07:00

Nếu U23 Việt Nam gặp thất bại trong tương lai, người hâm mộ còn tin tưởng và yêu quý đội bóng như hôm nay nữa không?

EURO 2004, Hy Lạp lên ngôi vô địch với đội hình không có ngôi sao. World Cup 2014, Costa Rica lọt vào tứ kết dù nằm ở bảng đấu cực mạnh với sự xuất hiện của Anh, Uruguay, Italia. EURO 2016, câu chuyện cổ tích của Bồ Đào Nha và Iceland khiến cả thế giới ngả mũ thán phục. 

Hay với chu kỳ 12 năm của người Italia, người ta thầm hiểu bóng đá luôn có những thứ bất hợp lý, khó giải thích, mà vẫn nghiễm nhiên tồn tại với lịch sử.

Nhưng chu kỳ 10 năm của bóng đá Việt Nam (như báo chí nói đến trong nhiều ngày qua) không nằm trong số đó.

Video: Cổ động viên ăn mừng chiến công của U23 Việt Nam

Chu kỳ 10 năm của bóng đá nước nhà được khởi động từ năm 1998 với chiến thắng lịch sử 3-0 trước Thái Lan ở Tiger Cup. 10 năm sau, tuyển Việt Nam lần đầu gặt hái danh hiệu lớn ở đấu trường khu vực khi lên ngôi ở AFF Cup 2008. Lại 10 năm sau, U23 Việt Nam đang viết nên cổ tích khi đã lọt vào chung kết giải U23 châu Á.

Thành công của U23 Việt Nam mang đậm dấu ấn số phận. Xà ngang cứu thua cho khung thành của Tiến Dũng trong cuộc so tài với U23 Australia. Các chân sút U23 Syria vô duyên bất ngờ với những pha dứt điểm hỏng ăn từ khoảng cách gần 5m. Quả sút luân lưu của Bùi Tiến Dũng đi thẳng vào gôn dù đã bị thủ môn U23 Iraq bắt bài (người ta nói quả bóng ấy mang... trái tim Việt Nam). Hôm qua, U23 Việt Nam hai lần gỡ hòa từ những pha bóng khó tin của Quang Hải.

Thành công của U23 Việt Nam xuất hiện như một định mệnh, ở thời điểm bóng đá Việt Nam chìm trong nhiễu loạn. Định mệnh của U23 Việt Nam lạ kỳ tới mức người ta nói vui rằng, đến một người thiết kế lịch cũng có thể... tiên tri cho tương lai của đội tuyển.

Với một chuỗi sự kiện vượt sức tưởng tượng, người ta thường dùng chữ "không thể tin nổi". Bình luận viên hét lên "không thể tin nổi", cổ động viên nói với nhau "không thể tin nổi",...

u23vn-4 4

Có điều gì khó tin đằng sau chiến thắng của U23 Việt Nam?

Không! Không có gì là "không thể tin" ở đây. Lứa cầu thủ rắn rỏi, bản lĩnh được truyền thông ngợi ca hôm nay là sản phẩm của quá trình trui rèn, tích lũy qua nhiều năm, qua nhiều thất bại đến cùng cực. Mọi thành công đều có cái giá của nó, thất bại cũng vậy. Thành công rất dễ được tung hô, nhưng nếu không có thất bại, thành công không thể tự nhiên mà thành.

Bốn năm trước, U19 Việt Nam của những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh,... thảm bại ở giải U19 châu Á, xen giữa "thất bại kép" trước U19 Indonesia và U19 Myanmar ở hai trận chung kết U19 Đông Nam Á. Thua, nhưng màn trình diễn của lứa U19 năm ấy lay động người hâm mộ, và cổ động cho công tác đào tạo trẻ trên khắp cả nước. PVF, Viettel, CLB Hà Nội đua nhau phát triển.

Ba năm trước, U19 Việt Nam của những Đức Chinh, Tiến Dũng, Trọng Đại,... thua đậm 0-6 trước U19 Thái Lan trong trận chung kết U19 Đông Nam Á. Nhưng cũng gần một năm sau, U19 Việt Nam lại lọt vào bán kết U19 châu Á để giành vé đi U20 World Cup. Bài học rút ra sau sự kiện ấy là gì? Chúng ta không nhất thiết phải thắng người Thái mới vẻ vang. Năm tháng trước, U22 Việt Nam thua U22 Thái Lan 0-3 ở SEA Games. Hôm nay, người Thái sẵn sàng đổi năm tấm huy chương vàng SEA Games để được như Việt Nam.

Hai năm trước, tuyển Việt Nam của Toshiya Miura bị dư luận chỉ trích vì thứ bóng đá khô cằn, thiếu hấp dẫn. Nhưng chính thất bại của Miura đã dạy cho bóng đá nước nhà hiểu được: Không có thể lực, đừng mong chơi được bất kỳ thứ bóng đá nào. U23 Việt Nam hôm nay sở hữu nền tảng thể lực khiến U23 Iraq, U23 Qatar hay U23 Hàn Quốc cũng phải nghiêng mình kính nể.

Hay chính thất bại đau đớn trước U22 Thái Lan cũng khiến người Việt phải tự ngẫm lại: Giỏi đến mấy mà sở hữu tâm lý yếu kém thì thua trận là điều khó tránh khỏi. Thất bại nào cũng có giá trị của nó.

u23

 U22 Việt Nam từng trải qua nhiều thất bại đau đớn.

Trước ngày lên đường dự vòng chung kết U23 châu Á, HLV Park Hang Seo tuyên bố sẽ cùng đội bóng làm nên "những điều kì diệu". Ở tuổi 61, chiến lược gia người Hàn Quốc không còn trẻ để đưa ra những phát ngôn ngông cuồng.

Ông nói vậy, vì ông nhìn thấy tiềm năng của một đội quân thất bại liên miên và chẳng còn mấy giọt niềm tin nơi người hâm mộ ở thời điểm ông đặt bút ký hợp đồng.

Thành công của U23 Việt Nam có được khi Quang Hải, Xuân Trường, Công Phượng,... đã tích lũy đủ kinh nghiệm sau những thất bại. Chẳng có gì kì diệu hay tự nhiên mà thành. Chiến thắng của toàn đội là sự đền đáp xứng đáng, là điều hợp lý nhất trong tất cả những gì hợp lý.

u23-vn-3

U23 Qatar bội phục trước U23 Việt Nam.

Vấn đề nằm ở chỗ: Người hâm mộ tung hô, tự hào khi các em thắng, nhưng có ai trong số họ yêu thương và tin tưởng ngay cả khi toàn đội thất bại hay không? Trong dòng người diễu hành chiến thắng hôm qua, liệu có ai từng chê bai, thở dài vì thất bại của các em trong quá khứ? Liệu có ai từng yêu cầu VFF... bỏ bóng đá nam, đầu tư cho bóng đá nữ?

Đã yêu là phải tin. Rất dễ nói chữ "tin" ở thời điểm này, nhưng trong tương lai, nếu đội tuyển gặp trục trặc, liệu một bộ phận người hâm mộ có quay lưng với đội như đã từng trong quá khứ hay không?

Video: Văn Thanh hiên ngang ăn mừng sau quả phạt đền quyết định

Chiến quả của U23 Việt Nam được HLV Park Hang Seo gói gọn trong câu nói "tất cả mới là bước khởi đầu". Bóng đá trẻ là nền móng, song không phải đại diện cho bộ mặt bóng đá nước nhà. Giải vô địch quốc gia và tuyển quốc gia mới là thước đo chính xác nhất. Mà ở đó, bóng đá Việt Nam chưa mạnh, nếu không muốn nói là còn nhiều hạn chế.

Bóng đá Việt Nam vẫn còn cả một cuộc chiến trường kỳ. Mà ở cuộc chiến ấy, đội tuyển rất cần người hâm mộ ở bên để yêu thương, tin tưởng. Khi người ta tin, điều kỳ diệu sẽ đến.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn