Đừng đùa những câu này nếu không muốn giết chết tâm hồn con trẻ

Đời sốngThứ Hai, 28/08/2017 13:00:00 +07:00

Nhiều người lớn hay lấy sự buồn bã, đau khổ của đứa trẻ làm trò đùa vui, nhưng chính sự vô ý, vô tâm của họ lại chính là nguyên nhân của những xáo trộn tinh thần, đôi khi cả trầm cảm của đứa trẻ.

“Hồi nhỏ, ba mẹ tôi thường hay nói đùa là lượm tôi ngoài sọt rác. Tuổi thơ tôi luôn ám ảnh bởi câu nói đó, thậm chí, năm tôi 10 tuổi đã từng bỏ nhà ra đi vì câu nói đó. Đùa thì có nhiều kiểu đùa, nhưng đừng đem lòng tự trọng của trẻ con ra mà đùa”.

"Câu "Có em rồi cháu sẽ bị cho ra rìa nhé" là câu nói gây tổn thương cho tôi nhất trong suốt quá trình trưởng thành của mình. Hậu quả là suốt một thời gian dài tôi rất ghét em mình vì nghĩ rằng bố mẹ không thương mình. May mắn là tôi đã không làm nên chuyện gì đáng sợ...”

Đó là hai trong số rất nhiều chia sẻ của độc giả khi nói về chuyện những “người lớn vô duyên”. Thực tế, những từ như "hư hỏng, béo như lợn, xấu xí, ngu ngốc, bị ra rìa, nhặt thùng rác, con ông ba bị... " đều là những từ nhạy cảm, trực tiếp hạ thấp giá trị người đối thoại.

Những người lớn biết điều đó, bản thân họ cũng khó chịu nếu ai nói với họ những điều đó nhưng khi đứng trước những đứa trẻ, họ cho mình quyền được trêu đùa vì nghĩ “trẻ con thì biết gì”. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đã cho thấy, lời là đùa nhưng hậu quả là thật.

Trên VnExpress, Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh​ cho biết, một đứa trẻ bị trêu đùa kiểu như vậy nhẹ là lo sợ, hoảng hốt, thấy tức giận, nặng là bị ám ảnh, đêm không ngủ được, mơ hoảng. Nặng hơn nữa là trẻ có những hành vi lệch lạc, tiêu cực để giải quyết nỗi lo sợ, giận hờn của mình. Chuyện một cô bé 8 tuổi thả em trai của mình xuống đất sau câu đùa của người hàng xóm là một ví dụ đau lòng.

Để tránh hậu quả đáng tiếc về cả thể xác và tinh thần cho trẻ, người lớn hãy ngưng những câu đùa "vô duyên" sau đây:

Cháu là con bà nhặt rác, con ông ăn mày: Những câu nói này có thể khiến trẻ cảm thấy bất an, thậm chí xấu hổ về bản thân, nhất là khi thấy nguồn gốc đó có vấn đề thấp kém.

Cháu được bố mẹ lượm về nuôi: Sự nghi ngờ về nguồn gốc đời của mình sẽ khiến trẻ thấy hoang mang, hụt hẫng, thậm chí sinh tâm lí hoài nghi và chán ghét bố mẹ.

Có em rồi, con/cháu bị ra rìa thôi: Câu nói này có thể khiến bé lo sợ sẽ không được bố mẹ yêu nữa hoặc xoáy sâu vào sự ấm ức, tỵ nạnh vốn đã có trong lòng bé khi gia đình có thành viên mới. Chính vì tâm lý lo sợ bị bỏ rơi nhiều trường hợp đau lòng đã xảy ra như bé sẽ hại chết em bé mới sinh. 

Video: Mắc bệnh trầm cảm, con chủ shop quần áo treo cổ tự tử

Bố cháu đi với dì khác rồi, không về nữa đâu: Người lớn thường cho rằng những câu nói để mua vui lúc đó sẽ giúp trông trẻ dễ dàng hơn nhưng trẻ con thường tin đó là sự thật vì vậy thường có tâm lý lo sợ hoang mang.

Ba mẹ cháu chỉ thương con trai thôi: Những câu nói đùa của người lớn nâng cao giá trị con trai sẽ làm các bé gái cảm thấy mặc cảm, kìm hãm sự phấn đấu, các bé trai nảy sinh tư tưởng kiêu căng, tự phụ, không để ý tới người khác nghĩ gì và luôn coi mình là nhất.

Con hư đem cho ông ba bị: Đây là câu dọa dẫm của người lớn khi muốn trẻ sợ và nghe lời. Tuy nhiên, lời hù dọa này sẽ khiến những đứa trẻ mang theo nỗi sợ hãi, ám ảnh in sâu trong tâm hồn, cùng trí tưởng tượng phong phú của trẻ dẫn đến sự nhút nhát, sợ hãi, thậm chí hoảng loạn cho trẻ.

Cháu không giống cha cháu chút nào, chắc con ông hàng xóm: Nếu đứa bé không có nét giống bố hay giống mẹ thì sẽ bị hứng chịu câu nói đùa  này của người đời. Trẻ nhỏ thường không hiểu hết được những câu nói đùa đó, bé có suy nghĩ lo lắng điều này sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của bé cũng như mối quan hệ giữa bé và bố mẹ sau này.

Uyên
Bình luận
vtcnews.vn