Dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: Thủ tướng yêu cầu đảm bảo đủ điện

Thời sựThứ Ba, 03/01/2017 21:25:00 +07:00

Lãnh đạo Chính phủ cũng chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không để hoang hoá cơ sở hạ tầng vật chất khi dừng triển khai dự án điện hạt nhân, như tình trạng xảy ra với Vinashin trước đây.

Yêu cầu nêu trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ của EVN năm 2017 chiều 3/1.

Đánh giá cao những nỗ lực của ngành điện năm qua đã vượt qua khó khăn về biến động tỷ giá, cân đối tài chính... lãnh đạo Chính phủ cũng khen ngành điện khi thực hiện đúng lời "hứa" không thiếu năng lượng cho sản xuất, đời sống người dân, doanh nghiệp.

"Tiếng kêu của dân, doanh nghiệp về EVN đã giảm đáng kể, nhưng giảm không có nghĩa là không còn", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói và cho rằng nguy cơ thiếu điện trong trung, dài hạn là hiện hữu, ngành điện cần có giải pháp ứng phó chủ động để không thiếu điện.

thu-tuong-yeu-cau-dam-bao-du-dien-khi-dung-du-an-hat-nhan-ninh-thuan

Thủ tướng cho biết sẽ ký phê duyệt quyết định tăng vốn điều lệ EVN lên 205.000 tỷ đồng trong tháng 1/2017. 

Thủ tướng cũng chỉ đạo EVN chủ động tìm giải pháp bù đắp sản lượng điện khi dừng triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Song song đó, các chủ đầu tư phải chủ động sắp xếp nhân sự đã đào tạo cho dự án này đúng mức, không để cán bộ buồn, thất vọng. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu lãnh đạo EVN cần có giải pháp trong sử dụng các cơ sở hạ tầng đã xây dựng phục vụ dự án này, không để lãng phí, hoang hoá như tình trạng diễn ra với các dự án của Vinashin tại Bình Định. 

"Tôi vào Bình Định thấy các dự án của Vinashin trước đây để hoang hoá, rất lãng phí, không thể chấp nhận được. EVN không được để lặp lại tình trạng này", Thủ tướng nhấn mạnh. 

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho EVN tiếp tục cơ cấu lại Tập đoàn, tăng cường công tác quản trị, nâng cao hiệu quả cạnh tranh, chỉ giữ lại 6 nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu; công khai minh bạch, chống tham nhũng trong mọi khâu, nhất là khi cổ phần hóa các nhà máy. 

Ghi nhận năng suất lao động của ngành điện đã tăng đáng kể trong năm 2016 với mức tăng 11% chỉ sau một năm, đạt 1,737 triệu kWh một người, song lãnh đạo Chính phủ cho rằng, mức này vẫn thấp so với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực trong khu vực.

"Năng suất lao động ngành điện còn thấp hơn nhiều các công ty chuyên ngành trong khu vực, EVN phải khắc phục điều này, vì năng suất lao động thấp sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy. EVN phải tính toán, khắc phục điều này trong năm tới", Thủ tướng nói.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng EVN vẫn phải là tập đoàn Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong cung cấp điện cho nền kinh tế.

Khẳng định đồng tình với 10 kiến nghị mà lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra tại hội nghị, Thủ tướng nói: "Những chính sách, cơ chế nào gây khó cho EVN phát triển, Chính phủ sẽ xem xét tháo gỡ. Mục tiêu lâu dài là không để Việt Nam thiếu điện trong trung, dài hạn". 

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý EVN phải tận dụng các cơ chế này để biến thành hiệu quả sản xuất. "Chính phủ đồng ý tiếp tục bảo lãnh cho EVN vay vốn, nhưng giờ các đồng chí tự vay thì tự trả, chứ không có chuyện vay tràn lan như trước rồi Chính phủ phải "oằn lưng" trả cho như trước đây", ông khẳng định. 

Video: Thủ tướng thăm hỏi cư dân chung cư thu nhập thấp ở Hà Nội

Cũng tại hội nghị, ông Đặng Hoàng An - Tổng giám đốc EVN cho biết, việc đảm bảo nhu cầu cấp điện cho năm 2017 của EVN có một số thuận lợi như tổng công suất nguồn điện đã đạt 42.000 MW, dự kiến năm 2017 sẽ có thêm 3.674  MW vào vận hành và cuối năm 2016, các hồ thuỷ điện đã cơ bản tích nước đầy hồ.... Tuy nhiên, tập đoàn này cũng sẽ gặp một số khó khăn nhất định trong năm tới. 

Ông An đơn cử, riêng giá bán than cho điện tăng 7% từ cuối tháng 12/2016 sẽ khiến chi phí sản xuất điện của EVN dự tính tăng thêm gần 5.000 tỷ đồng trong năm 2017.

“Giá than cho điện tăng thêm 7% từ tháng 12/2016 dự tính làm chi phí sản xuất điện của tập đoàn “đội” lên hơn 4.690 tỷ đồng trong năm sau”, ông Hoàng An cho biết.

Ngoài ra, vấn đề đảm bảo nhiên liệu cho phát điện, nhất là đảm bảo cấp khí cho các nhà máy điện khu vực Tây Nam Bộ cũng gặp khó khăn sau khi nhà máy xử lý khí GPP Cà Mau đưa vào vận hành (từ tháng 4/2017).

Tập đoàn dự kiến sẽ phải huy động nguồn điện chạy dầu khoảng 2,2 tỷ kWh sẽ là thách thức lớn đối với tình hình tài chính của EVN trong năm 2017.

Trước những thách thức năm 2017, Tổng giám đốc EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2017-2020, cũng như quyết định tăng vốn điều lệ của EVN lên 205.000 tỷ đồng.

Cho ý kiến, Thủ tướng nhắc EVN cần lập bộ phận nghiên cứu cơ chế tài chính, không được coi nhẹ bài toán này. "Các dòng tiền cần cơ chế tính toán cụ thể, không thể xem nhẹ", ông nói và giao nhiệm vụ cho Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành liên quan tiếp thu và sớm trình Chính phủ xem xét, giải quyết. Riêng đề xuất tăng vốn điều lệ, Thủ tướng giao Bộ Tài chính hoàn thiện, sớm trình Thủ tướng xem xét, quyết định ngay trong tháng 1/2017.

Video: Thủ tướng trả lời chất vấn trước Quốc hội

Năm 2016 EVN đạt doanh thu hơn 264.680 tỷ đồng, tăng 12,9% so với năm 2015. Năng suất lao động sản của ngành điện đã tăng 11% chỉ sau một năm, đạt 1,737 triệu kWh một người, vượt 1% so với kế hoạch đề ra. 

Theo kế hoạch, điện sản xuất và mua ngoài của EVN năm 2017 là 197,2 tỷ kWh, tăng 11,4% so với năm 2016; điện thương phẩm là 177,9 tỷ kWh, tăng 11,5% so với năm 2016.

(Nguồn: Vnexpress)
Bình luận
vtcnews.vn