Đừng để SEA Games mở đường cho lợi ích nhóm

Thể thaoThứ Ba, 10/09/2013 07:00:00 +07:00

(VTC News)- Việc cố gắng một cách duy ý chí, thậm chí mở đường cho những nhóm lợi ích khi xin đăng cai làm chủ nhà một Đại hội thể thao chỉ là liều độc dược.

(VTC News) - Xung quanh việc chủ nhà SEA Games 27 Myanmar đòi Việt Nam nhường 7 HCV, chúng tôi có cuộc trao đổi cùng nhà báo Nguyễn Lưu và được ông chia sẻ rất nhiều điều thú vị về SEA Games.


PV - Điều gì khiến ông thích và không thích ở SEA Games?


Nhà báo Nguyễn Lưu: Hơn 2 thập kỉ qua tôi có may mắn được theo dõi các SEA Games, đây là hoạt động thể thao hàng đầu của khu vực. Chính điều này làm tôi yêu thích bởi làm sao ta có thể quay lưng lại cái hoạt động văn hóa thể chất ở chính vùng đất chúng ta đang sống và từng bước tái hòa nhập một cách có hiệu quả!

Cũng có cái chán, đó là sự lạc hậu về nhiều phương diện của sân chơi này, trong đó những rối rắm về luật - lệ hay sự chậm rãi trong tiết tấu của các kì SEA Games khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi.

SEA Games
SEA Games là một ngày hội để các nước trong khu vực xích lại gần nhau hơn. 

- SEA Games ngày nay theo cảm nhận của ông có gì khác biệt so với những năm 90 của thế kỷ trước?

Trước đây, các SEA Games lâu lắm mới có một nhà thể thao đúng nghĩa ở các môn thuộc hệ thống Olympic, chẳng hạn nữ hoàng điền kinh Lydia de Vega của Philippines, còn các SEA Games gần đây đã có nhiều hơn những tập thể và cá nhân có khả năng tranh chấp ở đỉnh cao với các đối thủ cấp châu lục và thế giới.

Đó là nhà tân vô địch cầu lông trẻ tuổi người Thái Lan, tay vợt cầu lông Lee Chong Wei, đội bóng chuyền nữ Thái Lan, các tay bơi Malaysia và có cả những gương mặt sáng giá của Việt Nam nữa…   

- Ông có thể chỉ ra những yếu tố được cho là "ao làng" của SEA Games?

Rõ nhất và “mang tiếng” nhất, là việc hễ quốc gia nào là chủ SEA Games thì năm đó sẽ xuất hiện các môn thi đấu đặc trưng của chủ nhà dù các môn ấy không thuộc hệ thống thi đấu Olympic. Ví dụ Pencak silat (Indonesia), Muay (Thái Lan), Arnis (Philippines), Cầu mây (Malaysia) và Cầu chinh (Việt Nam), kể cả Vovinam sắp tới nữa…là các môn lần lượt được trở thành môn thi tại SEA Games và thói quen này đã thành lệ, rất khó thay đổi một sớm một chiều.

Còn nữa, là tình trạng ăn gian và tranh thủ đến tối đa để vơ vét huy chương của các nước chủ nhà cũng là căn bệnh cố hữu của “ao làng” và điều này là xa lạ với lý tưởng Olympic mà thể thao thế giới đang hướng đến.

Hai Yen
Tình trạng xử ép các VĐV diễn ra như cơm bữa ở các kỳ SEA Games (Ảnh: Quang Minh) 

- Quan điểm của ông về việc nhường huy chương?


 

Tình trạng ăn gian và tranh thủ đến tối đa để vơ vét huy chương của các nước chủ nhà cũng là căn bệnh cố hữu của “ao làng” và điều này là xa lạ với lý tưởng Olympic mà thể thao thế giới đang hướng đến.

Nhà báo Nguyễn Lưu
 
Trên thế giới từng có việc này và không riêng SEA Games. Việc sử dụng các hoạt động TDTT như chiếc cầu nối giữa các quốc gia là một chuyện tốt, chúng ta không quên câu chuyện “ngoại giao bóng bàn” giữa Mỹ và Trung Quốc hay các kỳ thi đấu điền kinh của Liên Xô – Mỹ đã góp phần hạ nhiệt cuộc chiến tranh lạnh ở thế kỷ 20.

Trong ý đồ quảng bá hình ảnh của mỗi quốc gia, thể thao có vai trò đáng kể và việc đi mời một hay nhiều nước tham dự các đại hội bằng môn chơi của mình và “biếu” bạn tấm huy chương nào đó, trong ý nghĩa hẹp không là quá tệ.

Miễn là việc ấy đừng diễn ra một cách ư quá lộ liễu và bên cạnh đó việc này không đi ngược lại các nguyên tắc tối cao của lý tường Olympic và những quy ước của tổ chức thể thao, thiết nghĩ là điều cần được cân nhắc khi đưa ra các ý kiến.

Tôi không quên chuyện xưa, SEA Games 22 năm 2003 lần đầu tiên Việt Nam là quốc gia đăng cai nên cần nhiều thứ, từ huy chương đến hình ảnh, trong đó có môn đá cầu (chinh) lần đầu góp mặt.

Tuy vậy theo “lệ làng”, môn mới muốn được chấp nhận phải có 3 quốc gia tham dự, thế nên Việt Nam - Lào - Campuchia đã tham gia (!). Nhưng phía Lào đã xin chủ nhà cho 1 HCV môn này và ông Hoàng Vĩnh Giang là đại diện Ủy ban Olympic Việt Nam hứa tặng bạn 1 tấm HCV cầu chinh.

Và khi tới trận chung kết đơn nam giữa Nguyễn Phúc và một VĐV Lào, là đích đến của thỏa thuận kia, dù đã được xi-nhan nhưng Phúc ta cứ đá hết sức và hạ anh chàng tội nghiệp kia 2 ván trắng, đoạt HCV và báo hại ông Giang đến mấy lần đi dự hội nghị lại phải nhận trách móc của nước bạn!

Nhớ lại chuyện ấy tôi thấy thật tội nghiệp và thấy không đáng trách cứ những người trong cuộc, cách làm bất đắc dĩ ấy tuy vẫn mang tính du kích nhưng ai chả biết “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình” chính là hành xử mang tâm thế và sắc màu Việt Nam.
 
Nha bao Nguyen Luu
Nhà báo Nguyễn Lưu tác nghiệp SEA Games 26 tại Indonesia

- Việc nhường huy chương có diễn ra ở ASIAD, Olympic?


Rất hiếm có những trường hợp như thế, cho dù hậu trường thể thao thế giới cũng từng có những ì xèo quanh vài trường hợp có liên quan tới VĐV điền kinh Trung Quốc hoặc mấy VĐV theo đạo Hồi cách đây đã khá lâu. Trên đấu trường lớn, nếu muốn nhường, người ta có thể không đăng ký thi đấu, thậm chí không cử VĐV nào đó lên đường phó hội mà thôi.

- Có ý kiến cho rằng, thể thao Việt Nam không nên quá chú trọng vào đấu trường SEA Games nữa. Ông nghĩ sao?

Tôi không tán thành ý kiến này. Như đã nói, ngôi nhà Asean của chúng ta đã và đang có chiều hướng tốt, những hoạt động thể thao luôn mang tính tích cực trong nỗ lực làm các quốc gia xích lại gần nhau hơn, vì thế vẫn rất cần quan tâm đến SEA Games, vấn đề lại là cách làm như thế nào mà thôi.

Nhìn ra xa sẽ thấy các đại hội thể thao khu vực như giải bóng đá Nam Mỹ, giải thể thao các nước khối thịnh vượng chung hay giải bóng đá châu Phi…có bao giờ bị bỏ quên!

Doan TTVN
Nếu SEA Games không có những thay đổi triệt để, thể thao khu vực Đông Nam Á sẽ ngày càng bị bỏ xa trên trường quốc tế.

- Sự thất bại tại Olympic 2012 làm dấy lên ý kiến cho rằng, SEA Games đang kéo lùi thể thao khu vực?


 

Việc cố gắng một cách duy ý chí, thậm chí mở đường cho những nhóm lợi ích khi xin đăng cai làm chủ nhà một Đại hội thể thao chỉ là liều độc dược làm xói mòn tiềm lực kinh tế của quốc gia ấy.

Nhà báo Nguyễn Lưu
 
Cũng không phải. Thể thao Đông Nam Á chưa đủ tầm để so với châu Âu và những nước phát triển. Ngoài một số môn có truyền thống như bóng bàn, cầu lông, ngoài ra trong các môn Olympic, chúng ta vẫn là những quốc gia chậm tiến và còn cần phải phấn đấu nhiều mới có thể tiếp cận với trình độ bè bạn.

Các kì SEA Games đã và vẫn là ngày hội thể thao khu vực, nó cần được duy trì và đổi mới bằng một tư duy khoa học, cách làm biện chứng có lý có tình của mọi thành viên trong đó có Việt Nam.  

- SEA Games đang ngày trở thành một gánh nặng với những quốc gia đăng cai?


Cũng có thể, nếu quốc gia nào đó còn yếu về tiềm lực kinh tế và thể thao song vẫn nuôi tham vọng là chủ nhà của các SEA Games. Có ai bắt một quốc gia Đông Nam Á phải nộp đơn xin đăng cai SEA Games đâu!

Việc cố gắng một cách duy ý chí, thậm chí mở đường cho những nhóm lợi ích khi xin đăng cai làm chủ nhà một Đại hội thể thao chỉ là liều độc dược làm xói mòn tiềm lực kinh tế của quốc gia ấy, thậm chí làm giảm lòng tin của người dân tại nơi đây, cũng là điều mà dư luận xã hội đang mạnh mẽ lên án.

Mong rằng điều tồi tệ này sẽ không xảy ra với chúng ta.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!


Hà Thành
(Ghi)

Bình luận
vtcnews.vn