Đừng đánh cắp sự hồn nhiên con trẻ

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 27/08/2014 05:12:00 +07:00

(VTC News) - Thái Thùy Linh thừa nhận, sự 'ăn thua' của các bậc phụ huynh, việc dàn dựng những tiết mục người lớn đã đánh cắp đi sự hồn nhiên con trẻ.

(VTC News) - Thái Thùy Linh thừa nhận, sự 'ăn thua' của các bậc phụ huynh, việc dàn dựng những tiết mục người lớn đã đánh cắp đi sự hồn nhiên con trẻ.

- Từng ngồi ghế giám khảo và trực tiếp đào tạo các thí sinh tham gia nhiều chương trình tìm kiếm tài năng nhí, cá nhân chị nghĩ như thế nào về việc nở rộ các chương trình như vậy trên truyền hình?

Từng có nhiều dịp ngồi ghế giám khảo các cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí, cũng như đào tạo không ít học sinh đi thi, cá nhân tôi nghĩ nếu như con cái có năng khiếu, cha mẹ có điều kiện về thời gian, kinh tế, đặc biệt là sự vô tư nhất định và tâm lý vững vàng thì hãy đưa các bé đến với những cuộc thi đó.

Các cụ vẫn nói, đi một ngày đàng học một sang khôn, trải qua mỗi cuộc thi như vậy, các con dù thành công hay thất bại, cũng đều học được ít nhiều những bài học về chuyên môn, kỹ năng sống, cách ứng phó để vượt qua những khó khăn, áp lực.
thái thùy linh
Thái Thùy Linh trong vai trò giám khảo 
- Nhưng có không ít ông bố bà mẹ đưa con đi thi các cuộc thi tìm kiếm tài năng với tâm lý khá ăn thua và khao khát sự nổi tiếng, như vậy có ảnh hưởng đến sự hồn nhiên con trẻ?

Chính xác là như vậy, nên tôi mới nói chỉ nên đưa con đi thi khi thực sự có sự hiểu biết và vững vàng về tâm lý, nếu không rất dễ bị rơi vào trạng thái tiêu cực, nếu lỡ không đạt được kết quả như mong muốn trong cuộc thi đó.

Ví dụ một em bé đi thi, nếu như bố mẹ chuẩn bị tâm lý không tốt cho chính bố mẹ và em bé đó, rất có thể sau cuộc thi bạn nhỏ trở nên tự mãn và kiêu căng, thậm chí là hư hỗn.

Vì bố mẹ nghĩ con là ngôi sao nên dẫn đến những cư xử không đúng mực, con cũng sẽ học theo như thế, trong trường hợp này là hỏng cả bố mẹ, hỏng cả con.

Có nhiều ông bố bà mẹ yêu con đến mức, họ không chấp nhận bất cứ chiến thắng nào mà không phải của con mình, trong mắt họ con họ là nhất, người khác mà nhất chắc chắn là có gì mờ ám.

- Sự hồn nhiên ấy còn bị đánh cắp bởi cách dàn dựng những tiết mục quá người lớn, hoặc diễn xuất quá đà trên sân khấu?

Mình phải thừa nhận sự dàn dựng đôi khi thái quá, chưa phù hợp với các thí sinh, khiến nhiều bé mất đi sự hồn nhiên con trẻ khi đứng trên sân khấu.
thái thùy linh
Những tiết mục rất người lớn (ảnh minh họa)

- Có một thực tế là các chương trình truyền hình tìm kiếm tài năng nhí đang ngày càng tìm cách khai thác hoàn cảnh của thí sinh, dường như hoàn cảnh gia đình, xuất thân càng éo le, càng dễ ghi điểm?

Tôi nghĩ rằng chúng ta nên thông cảm cho nhà sản xuất, họ có lý do để làm như vậy. Rõ ràng những chương trình có thêm thông tin bên lề sẽ hấp dẫn người xem hơn.

Chỉ có điều, đừng lạm dụng sự khai thác ấy quá, bởi nó khiến nhiều bé sẽ  bị thiệt thòi nhất định. Ngay chính thí sinh của tôi khi đi thi đôi khi cũng phải nhường sự ưu ái cho những bé có hoàn cảnh éo le hơn.

- Nền công nghiệp giải trí rất khắc nghiệt, nhất là ở độ tuổi non nớt của các bé, vậy cần trang bị cho các bé điều gì trước khi bước chân vào showbiz?

Điều đầu tiên để mỗi bé bước chân vào showbiz, đó là việc chuẩn bị về văn hóa. Không chỉ là học kiến thức sách vở, kiến thức xã hội, mà còn cả cách ứng xử sao cho có văn hóa nhất. Các bé cần phải được tư vấn bởi người thực sự hiểu biết về tâm lý xã hội và tâm lý trẻ em.

Điều tôi mong muốn ở các cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí, nơi mà sau một đêm các bé trở thành ngôi sao đó là các bé sẽ được tư vấn tâm lý trước khi bước vào những vòng thi quan trọng.

Bởi việc xuất hiện rộng rãi trên truyền thông là con dao hai lưỡi, và lưỡi nào cũng nguy hiểm. Việc được tư vấn sẽ giúp các bé đỡ được tâm lý tiêu cực sau mỗi đêm thi, nhất là những đêm thi mang tính chất quyết định, tránh việc cuộc thi gây ra vết thương cho tâm hồn các bé.

- Với cá nhân chị, chị thường giúp đỡ các bé như thế nào trên con đường phát triển tài năng?

Có hai thứ tôi có thể giúp các con, đó là với những bé mà gia đình còn hoang mang, chưa có hiểu biết hay định hướng tốt, tôi sẽ giúp tư vấn định hướng là nên làm như thế nào để tốt nhất cho sự phát triển tài năng của bé.

Thiết thực hơn, tôi dùng chính học bổng của trung tâm đào tạo nghệ thuật Taca Emca dành tặng cho các bé, giúp các bé phát huy được hết tài năng bẩm sinh một cách bài bản nhất.

- Sau các cuộc thi tìm kiếm tài năng, có một chút nổi tiếng, không ít bậc phụ huynh vội vã cho các bé chạy show miệt mài kiếm tiền, nhiều người cho rằng đó là hành động ‘gặt lúa non’?

Tôi nghĩ rằng nếu như viêc biểu diễn diễn ra quá dày đặc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe, việc học hành của các bé thì mới nên dùng từ chạy show. Và tất nhiên, vắt kiệt sức các bé như vậy thì không ai ủng hộ cả.

Nhưng nếu thỉnh thoảng tham gia một vài show diễn thì tôi lại rất ủng hộ. Bởi tài năng, cũng như một viên kim cương, nếu để trong bọc sẽ không ai nhận ra vẻ lộng lẫy của nó.

Một điều quan trọng nữa, là không có người thầy nào tốt bằng sân khấu thực sự, nơi các bé tự rèn luyện tài năng và bản lĩnh, điều cực kỳ cần thiết để đi đường dài trên con đường nghệ thuật.

- Có một cô con gái rất lém lỉnh và sở hữu nhiều năng khiếu, chị có định hướng cho con tham gia các cuộc thi tìm kiếm tài năng?


Nếu tôi định hướng giờ này chắc con cũng đi thi một cơ số cuộc rồi (cười).

Mỗi người có một quan niệm, một cách giáo dục con khác nhau, cá nhân mình thì không muốn con tham gia những cuộc thi tìm kiếm tài năng dù con đã bộc lộ khá nhiều năng khiếu và tài năng từ nhỏ.

Tôi  muốn con có nhiều thời gian để vui chơi, ra ngoài với thiên nhiên, đôi khi mình định hướng cho con nhiều khi còn không bằng của các bé khác.

- Xin cảm ơn chị!

An Yên(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn