‘Đừng câu nệ quá vào việc bỏ phiếu rồi không làm gì’

Thời sựThứ Bảy, 15/11/2014 08:15:00 +07:00

(VTC News) – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận việc lấy phiếu chỉ là một kênh đánh giá cán bộ, đừng quá câu nệ rồi không làm được gì.

(VTC News) – Phó chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhìn nhận việc lấy phiếu chỉ là một kênh đánh giá cán bộ, đừng quá câu nệ rồi không làm được gì.

Hôm nay (15/11), Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm và công bố kết quả tín nhiệm đối với 50 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, thu hút sự quan tâm chú ý của cử tri.

Trả lời phỏng vấn VTC News, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đánh giá, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn là việc làm quan trọng, đòi hỏi trọng trách rất lớn của các đại biểu Quốc hội để đánh giá đúng, chính xác, khách quan đối với từng đối tượng được lấy phiếu.

Tuy nhiên theo ông Kiên, lá phiếu đó cũng chỉ là một kênh để đánh giá cán bộ. Người được lấy phiếu cũng không vì thế mà quá áp lực, quá câu nệ chuyện lấy phiếu xong rồi không làm được gì.

ĐBQH Nguyễn Đức Kiên: 'Đừng quá câu nệ chuyện lấy phiếu xong rồi không làm gì" 

- Nhiều ý kiến đánh giá sau lần lấy phiếu tín nhiệm trước, nhiều ngành đã có sự chuyển biến tích cực hơn, nhưng cũng có ngành vẫn “dậm chân tại chỗ”. Ông nhìn nhận như thế nào trước thực tế này?

Tôi cho rằng mình phải đánh giá mọi việc một cách khách quan, nhìn rộng ra và nhìn toàn diện hơn để đánh giá từng ngành một, sự nỗ lực cố gắng của từng vị bộ trưởng, trưởng ngành trong lĩnh vực của họ. 

Trước tiên phải nhìn nhận trong thực tiễn, họ có tiến bộ hay không? Ví dụ như trong lĩnh vực y tế chẳng hạn thì tôi cũng thấy là có những tiến bộ nhất định trong đó. 

Nhưng chúng ta cũng phải thấy rằng, để đạt được một sự tiến bộ nhất định trong lĩnh vực y tế về lĩnh vực giảm tải bệnh viện chẳng hạn thì chúng ta phải nhìn nhận xem là về nhu cầu như thế và với nguồn lực đáp ứng như thế thì nó có đạt được không, thì chúng ta mới so sánh tiến độ như thế nào. 

Theo tôi, khi chúng ta đưa ra một nhận xét đối với một cá nhân con người thì chúng ta cần phải cân nhắc thêm đoạn đấy.

- Ông bình luận gì trước nhận xét do việc lấy phiếu tín nhiệm nên có nhiều Bộ trưởng, trưởng ngành đã xử lý công việc kiểu “đối phó” trước kỳ lấy phiếu?

Tôi thấy rằng, việc đánh giá tín nhiệm hay không tín nhiệm nó chỉ phản ánh một phần thôi. Còn lại mỗi một người trong quá trình đấy thì phải tự nhận trách nhiệm xem mình đã hoàn thành được nhiệm vụ chưa, chứ còn đừng câu nệ quá vào việc bỏ phiếu xong rồi không làm được gì trong nhiệm kỳ thì nó thành không hay. 

Báo chí và dư luận cũng không nên đặt vấn đề là lấy phiếu tín nhiệm nó như thế nào. Chúng ta cũng thấy có những trường hợp là những người làm việc ở cương vị khác nhau thì thì cũng có những cách thể hiện khác nhau, có khi do cách trình bày của họ không tốt nên cũng hạn chế, cái này thì cũng phải xem xét.

- Nhưng thực tế việc lấy phiếu tín nhiệm rất quan trọng, bởi rõ ràng, nếu ai bị tín nhiệm thấp 2 lần liên tiếp thì phải tính đến chuyện từ chức.

Như tôi đã nói, phiếu tín nhiệm thì ở một lúc nào đấy nó cũng là một kênh đánh giá quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ của từng đại biểu, nhưng mà chúng ta cũng phải biết rằng, cái phiếu tín nhiệm đó nó chỉ là một kênh trong nhiều kênh đánh giá cán bộ cho nên chúng ta cũng nên nhìn con người ở một góc toàn diện.

 

Mỗi một người trong quá trình đấy thì phải tự nhận trách nhiệm xem mình đã hoàn thành được nhiệm vụ chưa, chứ còn đừng câu nệ quá vào việc bỏ phiếu xong rồi không làm được gì trong nhiệm kỳ thì nó lại thành không hay.
 
Chúng ta lấy một ví dụ rất đời thường thôi, trong trường hợp khi mà ông lái xe đi mà đâm xe vào một người mà gây tai nạn, người phụ nữ mà bị ngã ra đường, nếu mà lái xe dừng ngay lại để cấp cứu thì cũng là giải pháp mà chúng ta mong muốn. 

Nhưng nếu lái xe đỗ xe, giữ nguyên hiện trường và chạy trốn vào đường công an để tránh những xô xát có thể xảy ra thì cũng là một biện pháp. Đừng có vì thế mà lên án quá mạnh mẽ cái người lái xe đó thiếu trách nhiệm, không cấp cứu nạn nhân kịp thời.

Ở đây nó có rất nhiều tình huống xảy ra, nhỡ mà có một bộ phận xấu bên ngoài lợi dụng chuyện ấy gây ra những xô xát không đáng có thì sao. 

Thế nên chúng ta phải nhìn nhận sự việc ở nhiều góc độ như thế, cuối cùng thì phải kết luận, xem cơ quan công an điều tra lái xe đó có đi đúng luật không, và nồng độ cồn, các điều khác có phù hợp quy định pháp luật không và cuối cùng là trách nhiệm dân sự nếu có của người ta, với người kia như thế nào.

Tôi nghĩ việc kết luận nó hơi sớm khi chưa nhìn nhận các vấn đề một cách khách quan thì rất khó.

Trong vấn đề sử dụng cán bộ cũng thế thôi, ngay cả việc lấy phiếu tín nhiệm để bổ nhiệm cán bộ ở các cơ quan thì chúng ta đều quy định lấy phiếu tín nhiệm là một kênh quan trọng để đánh giá năng lực cán bộ, chứ không phải căn cứ hoàn toàn vào đó.

Lan Uyên (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn