Đừng bỏ qua những ngành tỉ lệ chọi là âm!

Giáo dụcThứ Ba, 17/07/2012 12:27:00 +07:00

(VTC News)-Có những ngành tỉ lệ chọi là âm, nghĩa là số hồ sơ đăng ký thấp hơn cả chỉ tiêu; Có những ngành hễ ra trường là doanh nghiệp đón ngay...

(VTC News)- Có những ngành tỉ lệ chọi là âm, nghĩa là số hồ sơ đăng ký thấp hơn cả chỉ tiêu; Có những ngành hễ ra trường là doanh nghiệp mở rộng vòng tay đón nhận... Đây chính là cơ hội cho những thí sinh trên điểm sàn quan tâm.

Ngành mới: đào tạo quản gia

Thầy Đặng Lộc Thọ - Trưởng phòng quản lý đào tạo trường CĐ Sư phạm Trung ương cho biết, năm nay trường nhận được 6.774 hồ sơ đăng ký dự thi, số đến dự thi là 4.753, đạt tỷ lệ 70,2%, so với năm ngoái tăng hơn 1.000 bộ hồ sơ và số dự thi là tăng hơn 600 em.

Ngành đào tạo quản gia sẽ hứa hẹn phát triển không ngừng trong tương lai (Ảnh minh họa)
Năm nay trường cao đẳng Sư phạm Trung ương mở thêm ngành mới là “Kinh tế gia đình” với các chuyên môn như: tư vấn dịch vụ chăm sóc gia đình; kỹ năng về sửa chữa các thiết bị trong gia đình; chăm sóc người già; quản lý chi tiêu trong gia đình…

Theo thầy Thọ, nhu cầu những người có nghiệp vụ trong việc chăm sóc người già, trẻ em cho gia đình rất lớn. Hiện nay, công việc này là do những người giúp việc (ô-sin) đảm nhận nhưng thường chưa đạt hiệu quả và nhiều gia đình vẫn rơi vào những tình huống “dở khóc dở cười” khi ý thức của nhiều ô- sin là chưa tốt.

Thầy Thọ thông tin thêm: “Ngành Kinh tế gia đình hay còn gọi là ngành đào tạo quản gia. Trong quá trình học các em sẽ được bổ sung một vài chứng chỉ chuyên sâu. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm ở các trung tâm tư vấn dịch vụ, các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm bảo trợ người già…”.

Chỉ tiêu của ngành “Kinh tế gia đình: là 50 với các khối thi là A, A1, B, D nhưng hiện tại mới chỉ có 37 hồ sơ đăng ký dự thi.

Được biết, với ngành này, năm nay trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương dự kiến chỉ lấy bằng điểm sàn và ưu tiên xét các em đăng ký NV2 vào ngành khi điểm NV1 không đủ đỗ vào các khoa khác. 
Do đó, đây là cơ hội mới, rất đắt khách sau khi ra trường, cho các thí sinh chưa tìm được hướng đi cho mình.

Những ngành tỉ lệ chọi âm

Trong khi đó, một số ngành của trường CĐ Sư phạm Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự khi số lượng hồ sơ đăng ký còn thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh.
Một số ngành năng khiếu cũng rất khó tuyển đủ thí sinh (Ảnh: Phạm Thịnh) 


Trao đổi với VTC News, Ông Vũ Ngọc Phương, Phó hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm Hà Nội cho biết nhà trường có một số ngành học như Nhạc, Mỹ thuật, Họa, Giáo dục thể chất thường xuyên tuyển thiếu chỉ tiêu do nguồn tuyển quá ít.

Ông Phương lấy ví dụ như năm nay ngành Nhạc của nhà trường có 35 chỉ tiêu nhưng chỉ có 31 hồ sơ đăng ký dự thi. “Như vậy, thí sinh cũng không phải chọi với ai cả. Chỉ cần đủ điểm sàn là có cơ hội đỗ vào ngành này”.

Bên cạnh đó, ngành Họa cũng có chỉ tiêu là 35 sinh viên nhưng chỉ có 42 hồ sơ đăng ký. Số thí sinh các ngành này đến dự thi nhiều khi cũng không được bằng số lượng hồ sơ đăng ký.

“Một số ngành năng khiếu có năm chỉ có 18 sinh viên nhưng chúng tôi vẫn phải mở lớp để dạy. Nếu chỉ có 1,2 sinh viên trúng tuyển thì có thể gửi sang trường khác nhưng số lượng sinh viên ít thì lớp vẫn phải mở nhưng việc đào tạo sẽ rất tốn kém”. Ông Phương chia sẻ.

Cũng cùng trong hoàn cảnh tương tự là ngành Công nghệ thiết bị trường học (hệ cao đẳng) của trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng thường xuyên có số lượng hồ sơ đăng ký dự thi thấp hơn chỉ tiêu tuyển sinh.

Các thí sinh có thể tham khảo để lựa chọn cho mình, nếu có tổng điểm trên điểm sàn.

Sửa chữa điện lạnh ra trường có việc

Trong khi đó, thầy Phạm Tiến Dũng, Phó hiệu trưởng trường CĐ Điện lạnh Hà Nội cũng chia sẻ rằng nhà trường có truyền thống đào tạo ngành nhiệt lạnh trong nhiều năm nay.
Ngành sửa chữa điện lạnh đang cần nhu cầu lớn về nhân lực
Sinh viên ra trường ngành nhiệt lạnh 100% có việc làm đúng với chuyên ngành được đào tạo do ngành này gắn liền với nhu cầu thực tế của xã hội và có thể có thu nhập ngay.

“Ngành nhiệt lạnh sinh viên ra trường có được việc làm luôn là do sự phát triển của nhu cầu sinh hoạt của người dân đòi hỏi sử dụng ngày càng nhiều các thiết bị làm lạnh. Hiện nay, ở các thành phố người dân có nhu cầu rất lớn sử dụng các thiết bị làm lạnh. Bên cạnh đó, ở các khu vực nông thôn, nhu cầu này cũng đang phát triển mạnh”. Ông Dũng lý giải.

Vì vậy sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại nhiều công ty hoặc các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Ngoài ra, sinh viên học ngành điện lạnh được đào tạo cả về điện dân dụng nên cũng có khả năng tự mở một cửa hàng sửa chữa đồ điện gia dụng nhỏ sau khi ra trường.

Tuy vậy, ông Dũng cũng cho hay do công nghệ của ngành điện lạnh phát triển không ngừng nên nhà trường cũng phải đầu tư rất lớn vào các thiết bị máy móc để đáp ứng nhu cầu học tập của các sinh viên.

Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn