Đừng bao giờ bỏ cuộc

Tổng hợpThứ Sáu, 02/12/2011 03:00:00 +07:00

Lộ trình thực hiện luôn là những khó khăn, trở ngại. Có lúc chững lại, nản lòng. Thì cụm từ ấy như một liều thuốc trợ sức...

       Cụm từ ấy, về hình thái, thuộc thức mệnh lệnh. Nhưng nội hàm lại chứa đựng sự cổ vũ người đang theo đuổi một công việc có ý nghĩa cống hiến. Lộ trình thực hiện luôn là những khó khăn, trở ngại. Có lúc chững lại,  nản lòng. Thì cụm từ ấy như một liều thuốc trợ sức: “Cố lên. Đừng bỏ cuộc!”

 

       Trước phiên chất vấn trực tiếp tại Kỳ họp Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đã được nhiều lời khen từ các đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội, bày tỏ lòng ngưỡng mộ một Bộ trưởng trẻ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, bước đầu có những biện pháp mạnh quyết liệt trong ngành, như “trảm tướng” chỉ huy yếu kém để chậm tiến độ, cấm cán bộ chơi golf, và đề xuất những biện pháp trước mắt nhằm giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông hiện đang ở mức… kinh hoàng như sóng thần.

      Những vấn đề mà Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu ra, được Chủ tịch Quốc hội đánh giá “Nhìn chung rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề, không tránh né, mạnh mẽ, có quyết tâm chính trị cao”. Cụ thể, về lâu dài vẫn là đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhưng không thể chờ cùng thực hiện các biện pháp đồng bộ. Mà có thể thực hiện nhiều biện pháp trước mắt đỡ tốn tiền nhất. Đó là đổi giờ làm việc - Giải phóng vỉa hè lòng đường - Xây cầu vượt nhẹ - Tăng chế tài xử phạt - Thu phí và lệ phí phương tiện cá nhân - Nâng cao phương tiện vận tải công cộng - Nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân. Khâu đột phá, là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong kiểm tra kiểm soát - Lựa chọn ban quản lý có chất lượng, nhà thầu có đủ năng lực thi công và năng lực tài chính - Công khai, minh bạch trong xây dựng các công trình giao thông, nâng cao chất lượng hạ tầng.

      Tuy nhiên, là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp vào sáng ngày 23 tháng 1, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã “không tránh khỏi lúng túng”, “chưa làm hài lòng” các đại biểu. Ông lý giải bị xem là “vòng vo” về những câu hỏi đòi ông “cam kết” “xóa”- “khẳng định ngay” (đại biểu Tp HCM) những thứ, mà hiện nay trên toàn xã hội đang coi là “điểm đen”, “quốc nạn”, “thảm họa”, “tệ nạn” như ùn tắc và tai nạn giao thông, tiêu cực trong đấu thầu bán thầu, thất thoát vốn và tham nhũng, chất lượng công trình kém… mặc dù ai cũng biết những vấn đề đó chỉ một mình ngành giao thông không làm nổi nếu như không có sự ủng hộ và hợp tác của nhiều ngành. Không hài lòng, đại biểu Lâm Đồng nói như xả giận: “Nếu cứ trả lời lòng vòng như vậy thì ai cũng làm Bộ trưởng được”. Đại biểu Trà Vinh thì: “Nói vòng vèo quá. Lần đầu tiên đi xe ra đường, đi 100 mét có thể lọng cọng 20-30 mét đầu, chứ nếu đi vài ba cây số vẫn lọng cọng thì không thể được, rất nguy hiểm và rất dễ bị tai nạn”.

 

      Nếu Bộ trưởng Đinh La Thăng “dày dạn” kinh nghiệm nghị trường như Bộ trưởng Y tế Chính phủ trước, khi trả lời về “An toàn thực phẩm”, ông ấy nói rằng Bộ Y tế chỉ chịu trách nhiệm “an toàn thực phẩm” trong “mâm cơm trên bàn ăn” thôi, còn nông phẩm phải truy cứu Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, và công nghệ phẩm xin hỏi Bộ Công thương, chắc chắn Bộ trưởng Thăng không phải “bị nghe” những lời trách móc với cách dùng ngôn từ ngoài phạm trù ngôn ngữ chính khách nơi nghị trường.

      Nói “lọng cọng” không quan trọng. Bộ trưởng Thăng sẽ “dày dạn”. Mới có 100 ngày đầu của một nhiệm kỳ thôi mà. Nhân dân và xã hội đang cần ông quyết tâm làm như ông đã hứa và đã làm quyết liệt một số việc trong ngành có hiệu quả. Trước khi tới đây, ông đã “trảm” thêm một tướng nữa   điều hành kém cỏi để chất lượng con đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương mới đưa vào khai thác đã xuống cấp.“Đừng bỏ cuộc”.     

      Không kém “nóng” là vấn đề của bóng đá Việt Nam tại SEA Games 26 Jakarta Indonesia. Thất bại của Đội tuyển U.23 VN trước U.23 Myanmar được coi là “trận thua bạc nhược”, “thất bại đau đớn nhất”,“thất bại ê chề”, “xấu hổ về tinh thần thi đấu”, “nhục nhã quốc thể”, những ngôn từ của giận dữ. Ngạn ngữ Việt có câu “Thắng người mặt đỏ như vang. Thua người mặt vàng như nghệ!” Hồi nhỏ mỗi khi tôi viển vông thường bị bố mắng “Học dốt mà cứ đòi lên lớp!” Chúng ta quá kỳ vọng ở đội tuyển bóng đá ta mỗi kỳ SEA Games, nên thất bại nhân lên như một cú “sốc”, tâm lý ấy là dễ hiểu.

      VFF sẽ tiến hành một cuộc họp nhằm “đại phẫu” tìm nguyên nhân thất bại của U.23 VN tại SEA Games 26. Theo đó, đề cập đến vai trò của Trưởng đoàn Trần Quốc Tuấn, HLV Falko Goetz, và thực lực các cầu thủ. Trước đó, Hội Cổ động viên Việt Nam đã gửi bức tâm thư yêu cầu Trưởng đoàn Trần Quốc Tuấn và HLV Falko Goetz từ chức, trong đó có câu: “Mấy ngày qua đi đâu, lúc nào, chúng tôi cũng đau đáu hai chữ buồn bã vì rằng đâu đâu người ta cũng nói chuyện thất bại thảm hại của U.23 VN.” Cuối cùng, vẫn là tại Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. “Trăm dâu đổ đầu tằm VFF!”

 

      Cái lỗi của bóng đá Việt Nam là chỉ quan tâm tới cái ngọn (thành tích), mà chưa chăm cái gốc (đào tạo trẻ). Nhặt được “sao” nào từ các CLB, lên tuyển Quốc gia là thành “sao”… hư. Hai chục năm nay người Hà Nội không còn cơi nới chồng chắp các ngôi nhà cũ ở các khu phố cũ nội thành, mà đập ra đào móng đóng cọc xây nền làm mới hoàn toàn với khung sàn bê tông cốt thép. Vừa vững chãi lại thiết kế tận dụng công năng theo ý mình. Bóng đá Việt Nam không khác xa chuyện xây nhà có ý tưởng và đầu tư. Chỉ khác đây là xây dựng một đội ngũ với những con người, cần đào tạo theo quy chuẩn của con người với chuyên môn của nó.

“Thua keo này ta bày keo khác”. Cứ cửa chính mà đi. Không vì xấu hổ mà đi cửa ngách. Đất nước không thể không có một Đội tuyển bóng đá quốc gia. Đừng tiếc công của và nóng vội về thời gian. Làm lại từ đầu. Và “Đừng bao giờ bỏ cuộc”.

      Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Giáo dục Hồ Ngọc Đại, ông có đủ điều kiện cần và đủ từ rất sớm để nhận trọng trách Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo. Nhưng nhà trí thức này lại chỉ muốn cống hiến cho một phương cách dựa trên luận điểm giáo dục tiểu học “Học mà chơi chơi mà học”, phát động tối đa trí tuệ và khả năng sáng tạo của trẻ ngay từ những năm học đầu đời. Ông chuyên tâm với ý tưởng ấy trong nhiều chục năm qua, từ lý luận, học thuật, đến thực tiễn trong ngôi trường “Thực nghiệm”, đã cho ra lò nhiều lớp học sinh học lên các cấp học trên tiểu học có bản lĩnh tư duy độc lập và sáng tạo. Được biết, Giáo sư - Nhà toán học trẻ hàng đầu thế giới Ngô Bảo Châu cũng đã học tiểu học ở đây. Và giáo sư cũng từng nói “Đừng bắt con thực hiện giấc mơ cha” khi luận bàn về giáo dục trẻ. Tuy nhiên cho tới nay, luận điểm giáo dục tiểu học của Giáo sư Hồ Ngọc Đại (cũng là xu hướng chung của thế giới) vẫn chưa có tiếng nói đồng thuận của ngành giáo dục Việt Nam. Không nản. “Không bao giờ bỏ cuộc”. Trường “thực nghiệm” vẫn đang được các đồng chí đồng nghiệp sau ông tiếp tục “thực nghiệm”.

      Năm nay tròn 10 năm Truyền hình số mặt đất Việt Nam. Con đường đưa tín hiệu truyền hình kỹ thuật số (digital) mặt đất đầu tiên ở Việt Nam lên sóng vào năm 2001 của Công ty VTC – mà nay là Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện VTC, chỉ chậm hơn nước triển khai đầu tiên trên thế giới là nước Anh có 3 năm, mà lại là con đường được mở từ đôi chân trần: Cách mở đường của con nhà nghèo. Những cái đầu “nóng công nghệ” và những đôi tay “tuyệt chiêu” của nhóm tác giả làm truyền hình số mặt đất của VTC, đã tận dụng hệ thống các thiết bị truyền hình tương tự (analog) sẵn có, cải tiến để triển khai xây dựng hạ tầng mạng kỹ thuật số mặt đất. Từ lợi ích việc triển khai thành công mạng phát sóng truyền hình diện rộng của VTC, cũng như tác động của nó tới người xem truyền hình: Hình ảnh đẹp, không bị can nhiễu, không lệ thuộc độ cao ăng-ten, tín hiệu tới vùng sâu vùng xa dễ dàng… mà 9 năm sau, năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch truyền dẫn phát sóng phát thanh – truyền hình đến năm 2020, trong đó nêu rõ: “Từng bước triển khai lộ trình số hóa mạng truyền dẫn – phát sóng truyền hình số mặt đất”… “Về cơ bản sẽ ngừng phát sóng truyền hình mặt đất công nghệ tương tự (analog) để chuyển sang phát sóng truyền hình mặt đất công nghệ số (digital)”… Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ký tiếp quyết định phê duyệt truyền hình số là 1 trong 46 công nghệ được ưu tiên đầu tư và phát triển. Và cũng trong năm 2010 ấy, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận VTC trở thành Tập đoàn Truyền thông đa phương tiện.

 

      Nhờ có những cái đầu “nóng công nghệ” VTC cách nay 10 năm dám mở đường công nghệ số từ đôi chân trần dẵm đạp lên chông gai mà “ không bỏ cuộc”, lại dưới bàn tay chèo lái vững con thuyền VTC – Tiến sĩ Thái Minh Tần – Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới - mà VTC hình thành được một Đài truyền hình Kỹ thuật số đầu tiên ở Việt Nam, đã mở ra khả năng mới cho truyền hình HD, truyền hình 3D, mà mạng analog không thể thực hiện được. Và đối với các nhà cung cấp dịch vụ, nó cho phép thu di động, tích hợp các chương trình phát thanh và các dịch vụ truyền dẫn dữ liệu khác.

      Tương tự như thế. Cũng nhờ cái ý chí “Không bao giờ bỏ cuộc” mặc dù gặp nhiều trở ngại gian nan, mà Họa sĩ Thành Chương trong hơn chục năm đã xây dựng thành công một “Việt phủ”, nơi hình thành những mô-típ làng ấp điển hình thuần Việt, nơi lưu giữ những vật dụng và công trình có giá trị văn hóa thuần Việt tại Sóc Sơn, cho ta chiêm ngưỡng và cho ta tìm hiểu. Mục tiêu gì khiến Họa sĩ Thành Chương quyết tâm làm được việc lớn đó? -   Anh muốn cống hiến!

      Đó là những ý chí “Không bỏ cuộc” nhân văn.

      Tuy nhiên, trong cuộc sống xã hội chúng ta ngày nay, luôn song hành những thứ “không bao giờ bỏ cuộc” phi nhân văn, làm xấu đi ý nghĩa tốt đẹp của cụm từ ấy. Người ta đang lẫn lộn khái niệm “Thành đạt” và “Cống hiến”.

      Từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước, khi đường lối đổi mới của Đảng bắt đầu đi vào cuộc sống, thì một trong những quan tâm hàng đầu của Điện lực Việt Nam là tăng giá điện cho bằng Quốc tế. Họ kiên trì theo đuổi mục tiêu đó bất chấp nó ảnh hưởng thế nào tới lạm phát, tới giá tiêu dùng, tới đời sống nhân dân. Họ cố “quên” thực tế xã hội của đất nước với những câu hỏi không biết bao giờ được Điện lực Việt Nam trả lời thấu đáo:

1.         Có bao nhiêu quốc gia trung bình như Việt Nam chịu giá điện Quốc tế như vậy?

2.         Giá Quốc tế, nhưng sản phẩm, dịch vụ cung cấp có bảo đảm chất lượng Quốc tế không?

3.         “Giá Quốc tế” ấy tính đến “mức sống thực tế” của dân ta đến đâu?

      Vậy là ngành điện đã và đang làm tất cả những gì có thể, để giải thích rằng tăng giá điện là đòi hỏi khách quan, mong Quốc hội và nhân dân thông cảm. Để bù lỗ, trốn tránh trách nhiệm thất thoát, đầu tư dàn trải, đầu tư ngoài ngành, và để tăng thu nhập hằng năm (thu nhập trung bình 7,3 triệu đồng / người / tháng)… chỉ có một cách đơn giản và hiệu quả là tăng giá điện. Vậy là Điện lực Việt Nam “Không bỏ cuộc” theo giá Quốc tế.

       Ngày 24 tháng 11, Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng thành phố Hà Nội cho biết, tình hình tội phạm tham nhũng tiếp tục có diễn biến phức tạp. Tham nhũng xảy ra trên nhiều lĩnh vực: Xây dựng cơ bản, Tài chính – Ngân hàng, Hải quan, Quản lý thị trường, Thuế, Đất đai…

      Năm 2011 các cấp công an trên địa bàn thành phố đã khởi tố mới 27 vụ/ 89 bị can (tăng 6 vụ/ 48 bị can so với năm 2010). Trong đó: Tham ô 13 vụ/ 26 bị can; lạm dụng chức vụ, chiếm đoạt tài sản 4 vụ/ 9 bị can; giả mạo trong công tác 3 vụ/ 8 bị can; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ 3 vụ/ 8 bị can; lạm dụng quyền trong thi hành công vụ 4 vụ/ 14 bị can; khởi tố bổ sung 24 bị can trong các vụ án đã khởi tố.

      Tội phạm tham nhũng đã “Không bỏ cuộc tham nhũng” mặc cho pháp luật có nghiêm minh đến đâu chăng nữa.

      Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 – 2011 tăng 0,39% sau một tháng, tăng 17,5% sau 11 tháng, tăng 19,83% sau một năm, và bình quân 11 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng 18,62%. Từ các thông tin trên cho ta lường đoán trước các tác động vào đời sống tới đây. Cho thấy bóng ma lạm phát “không bỏ cuộc” mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành có trách nhiệm liên tục đưa ra những công cụ điều hành giá cả trên thị trường tiền tệ.

      “Đừng bỏ cuộc” trong ý nghĩa tích cực, và “không bỏ cuộc” thuộc tiêu cực, luôn tồn tại đồng thời trừ phi “tích cực” đủ mạnh đè át “tiêu cực”. Nhưng chưa bao giờ như bây giờ cuộc chiến này thật cam go, không khu trú nổi làm bó tay tiêu cực.

      Chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Đinh La Thăng: “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. Xã hội đang ủng hộ và cổ vũ ông hành động như những gì ông đã hứa và ông đã làm, trước mắt là cho một khuôn khổ “giao thông lành mạnh”, để rồi tiến tới một xã hội “giao thông văn minh”, bởi đó là mong ước của toàn dân. “Đừng bỏ cuộc. Không bao giờ được bỏ cuộc”.

     

      Giang Lân

Bình luận
vtcnews.vn