Dừng 207 ngành đào tạo, sinh viên đang học ra sao?

Giáo dụcThứ Hai, 27/01/2014 03:03:00 +07:00

“Sinh viên đang theo học ngành đã dừng thì không hề ảnh hưởng. Các trường có ngành bị dừng nhưng đã có sinh viên rồi thì vẫn tiếp tục đào tạo để các em tốt nghiệp".

<ông bùi="" văn="" ga="" –="" thứ="" trưởng="" bộ="" gd&đt="" cho="" biết="" như="" vậy="" khi="" bộ="" gd&đt="" dừng="" tuyển="" sinh="" 207="" ngành="" tại="" 71="" cơ="" sở="" đào="" tạo="" đại="" học. ="">

- Việc dừng đào tạo 207 ngành tại 71 cơ sở đào tạo, liệu có xảy ra sự ảnh hưởng nào cho các học sinh đang theo học ngành bị dừng tuyển không, thưa ông?

- Về sinh viên đang theo học, tôi cho rằng không hề ảnh hưởng nào. Các trường có ngành bị dừng nhưng đã tuyển sinh viên rồi thì vẫn tiếp tục đào tạo để các em đó tốt nghiệp.

Bộ cũng ra hạn từ nay đến cuối năm 2015, nếu trường nào khắc phục được những điều kiện đào tạo thì sẽ cho phép tuyển sinh trở lại. Tôi nghĩ trong khoảng thời gian 2 năm đó, các trường sẽ đủ thời gian để bổ sung đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở hạ tầng… Còn nếu họ không thực hiện, hoặc quá khó khăn để bổ sung, Bộ sẽ thu hồi hẳn Quyết định đào tạo.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, việc các ngành bị dừng không ảnh hưởng đến những sinh viên đang theo học.

Các trường bắt đầu đăng ký tuyển sinh, Bộ phải công bố ngành nào bị ngừng để cho thí sinh được biết. Vì vậy, trước khi các trường công bố, Bộ phải thông báo các cơ sở bị ngừng tuyển sinh trong năm 2014 này.

- Vì sao Bộ GD&ĐT lại ra quyết định ngừng tuyển sinh hơn 200 ngành đào tạo đại học của 71 cơ sở đào tạo đúng vào năm nay, thưa ông?

- Không phải vì bây giờ Bộ mới thông báo tới các ngành này. Chúng tôi đã thông báo cả năm nay rồi tới các trường có những ngành bị ngừng tuyển sinh để kê khai đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất… theo đúng quy định. 

Ngoài ra, năm nay là năm đầu tiên Bộ cũng làm theo đúng quy định, nên nhiều trường chưa để ý đến việc đảm bảo chất lượng, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… Cho nên số ngành bị ngừng tuyển sinh năm nay khá nhiều, 207 ngành.

Thậm chí có một số ngành khác ở Tây Bắc hay Tây Nam Bộ cho dù thiếu giáo viên, nhưng các trường khu vực khó khăn này, Bộ chỉ cảnh báo và đề nghị các trường, khu vực này nhanh chóng bổ sung đội ngũ giáo viên cho kịp chương trình đào tạo, nếu trong thời hạn quy định. Không bổ sung chúng tôi cũng sẽ cho dừng tuyển sinh.

Việc Bộ GD&ĐT dừng tuyển sinh các ngành không đủ điều kiện, học sinh sẽ dồn sang các ngành khác dự thi.

Theo quy định ngành tuyển sinh phải có 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ đào tạo đúng chuyên ngành. Hiện nay, những ngành bị dừng tuyển sinh là do không có đủ điều kiện đó, ngành không có tiến sĩ, ngành không có đủ số lượng thạc sĩ để đào tạo ra sinh viên theo Thông tư 08 của Bộ GD&ĐT. Những ngành không đủ điều kiện sẽ dừng tuyển sinh, tiến tới là thu hồi quyết định mở ngành đào tạo.

- Việc dừng tuyển sinh của các đơn vị đào tạo trong năm nay là do không đáp ứng được điều kiện về đội ngũ giảng viên. Vậy theo ông như thế nào là không đáp ứng được?

- Điều kiện này hết sức cần thiết, vì nếu không có đội ngũ giảng viên đúng chuyên ngành, trình độ thì chất lượng đào tạo không đảm bảo. Và như vậy sẽ gây khó khăn cho học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường tìm việc làm. Việc đội ngũ giảng viên tại các ngành đào tạo thường xuyên có biến động như chuyển công tác, nghỉ hưu… Vì vậy, từ nay, Bộ sẽ thường xuyên rà soát điều kiện này để đảm bảo chất lượng đào tạo.

- Trong số 71 cơ sở bị dừng đào tạo hiện nay, có nhiều cơ sở đào tạo lớn như đại học Quốc gia TP.HCM; Y dược TP.HCM; Sư phạm Hà Nội... Các trường này có ý kiến gì không, thưa ông?

- Bộ đã làm việc với các cơ sở đào tạo này, thực tế vì thiếu giảng viên. Và đợt ra soát này để cảnh báo các trường này cần quan tâm, bồi dưỡng, bổ sung đội ngũ giảng viên…

Nếu Bộ không có động thái này, các trường cứ “bình chân như vại”, thiếu giảng viên, thì xảy ra chất lượng đào tạo kém, ảnh hưởng đến uy tín của trường… Vì vậy, các trường cần phải có chiến lược đào tạo, bổ sung đội ngũ giảng viên để đáp ứng nhu cầu của ngành tuyển sinh.

Chủ trương của Bộ là đang dần dần chuyển sự phát triển về quy mô đào tạo sang chất lượng đào tạo. Vì chúng ta đang trong quá trình hội nhập, lực lượng lao động phải có tính cạnh tranh cao trong thị trường khu vực và thế giới. Vì vậy, bắt buộc chúng ta phải nâng cao chất lượng sinh viên khi ra trường, muốn vậy chúng ta phải nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.

Bình luận
vtcnews.vn