Dụi mắt khi bị dị vật bay vào: Nguy hiểm khôn lường

Đời sốngChủ Nhật, 12/11/2017 09:00:00 +07:00

Theo thói quen, khi bị bụi bẩn, côn trùng... bay vào mắt, chúng ta sẽ dùng tay hoặc vạt áo dụi mắt; tuy nhiên, hành động này có thể gây nhiều nguy hiểm cho đôi mắt của chúng ta

Muốn lấy dị vật ra ngoài, tuyệt đối không nên dụi mắt

Chắc hẳn, ai trong chúng ta cũng từng ít nhất một lần bị các dị vật như hạt cát, hạt bụi, tóc tai, côn trùng…bay vào trong mắt. Theo cơ chế hoạt động, mi mắt khi đó sẽ cụp xuống tức thì và chảy nước mắt nhằm đẩy di vật ra ngoài. Bị dị vật bay vào mắt gây cảm giác rất khó chịu, đau nhức, thậm chí gây viêm nhiễm cho mắt, gây hỏng giác mạc mắt nếu không xử lý sớm và đúng cách.

Theo thói quen, chúng ta thường dùng tay hoặc vạt áo để dụi. Hành động này đã không thể giúp lấy dị vật ra bên ngoài, lại còn dễ gây chày xước giác mạc, nặng hơn là những biến chứng viêm nhiễm giác mạc.

Nếu vật cứng như cát, sỏi, thủy tinh bay vào thì hành động dụi mắt khiến các dị vật chà xát mạnh lên bề mặt giác mạc, khiến giác mạc mắt bị tổn thương và tạo đường cho vi khuẩn, nấm có hại xâm nhập.

Nếu là côn trùng thì hành động này càng khiến chúng tiết nhiều độc tố hơn, thậm chí lông tơ côn trùng có thể xuyên qua giác mạc vào sâu nhãn cầu gây chảy nước mắt, viêm nhiễm, giảm thị lực. Ví dụ như dịch tiết của kiến ba khoang có thể gây mù lòa và bỏng giác mạc.

Video: Tự điều trị đau mắt đỏ tại nhà cho trẻ - Biến chứng khôn lường

Ngoài ra, mọi người cũng có thói quen nhờ người khác thổi hơi vào mắt để dị vật bay ra. Nhưng theo các bác sĩ chuyên khoa, cách làm này cũng không tốt vì gián tiếp làm mắt nhiễm trùng. Ngay trong nước bọt của người thổi cũng chứa rất nhiều vi khuẩn rồi.

Cách xử lý đúng khi bị dị vật bay vào mắt

Khi bị côn trùng bay vào mắt, không nên dụi mắt ngay lập tức mà nên tìm một chỗ ngồi ổn định, rồi xác định xem dị vật vừa bay vào có kích thước như thế nào.

Với dị vật nhỏ, có thể nhỏ thật nhiều nước muối sinh lý hoặc nhúng mắt vào một cốc nước sạch rồi nháy liên tục để dị vật hoặc côn trùng trôi ra. Nếu không có các dụng cụ trên, hãy chớp mắt liên tục để nước mắt tự nhiên rửa sạch hốc mắt. Ngay sau đó, nhỏ nước mắt nhân tạo để vết thương mau lành và cung cấp độ ẩm cho mắt.

Nếu cảm thấy dị vật vẫn ở trong mắt gây đau mắt, ngứa đỏ thì nên đến các phòng khám, cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra và kịp thời điều trị.

Với dị vật lớn và sắc nhọn, cần tìm đến bác sĩ chuyên khoa để gắp dị vật ngay lập tức nhằm tránh các tổn thương nghiêm trọng hơn.

Nếu không may bị hóa chất như sơn móng tay, vôi ve, sơn dầu, thuốc nhuộm…rơi vào mắt, chúng ta cần bình tĩnh xử lý theo các bước sau: (1) Rửa sạch tay đến khi không còn hóa chất dính vào nữa; (2) Nhúng mắt vào một cốc nước sạch, nước ấm để rửa trôi hết các hóa chất; (3) Dùng khăn sạch nhúng nước ấm phủ lên đôi mắt. Trường hợp nặng hơn nên đến bác sĩ điều trị ngay lập tức.

Tuyệt đối không gắp di vật ra khỏi mắt bằng mẹo như dùng các loại lá cây, thuốc không rõ cách sử dụng, tự ý mua thuốc không tham khảo ý kiến bác sĩ để đắp/bôi/nhỏ vì rất nguy hiểm.

Cách dự phòng tốt nhất là đeo kính khi ra đường. Điều đó sẽ giảm đáng kể nguy cơ bị dị vật bay vào mắt.

Đôi mắt là bộ phận rất quan trọng nhưng cũng rất dễ bị tổn thương. Vì vậy, hãy luôn ghi nhớ những lời khuyên và những kỹ năng ở trên để kịp thời xử lý nếu không may bị dị vật bay vào mắt nhé.

Cô Tấm
Bình luận
vtcnews.vn