Đức hạ Italia: Tiếc cho Italia, giờ là thời của người Đức

Thể thaoChủ Nhật, 03/07/2016 16:16:00 +07:00

Tuyển Ý rất bản lĩnh, nhưng Đức mới là đội xứng đáng giành quyền đi tiếp.

Phút 27 của hiệp phụ, một tình huống bóng lộn xộn trong vòng cấm tuyển Ý và các cầu thủ áo trắng đồng loạt giơ tay ra hiệu đòi penalty vì cho rằng bóng đá chạm tay Barzagli. Pha quay chậm sau đấy cho thấy trọng tài Kassai đã đúng khi không thổi penalty cho Đức. Bóng từ chân Ozil bay thẳng vào mặt trung vệ đang chơi cho Juve chứ không phải tay.

Hơn nửa giờ thi đấu trước đó, trung vệ Jerome Boateng, người chơi tuyệt vời trong cả trận đấu, bỗng nhiên giang hai tay ra giống động tác chắn lưới ở môn bóng chuyền trong pha tranh chấp với Chiellini. Penalty cho Italia và Bonucci đã sút thành công để gỡ hòa 1-1. Sự khác biệt giữa hai nền bóng đá ở thời điểm hiện tại được thể hiện trong hai pha bóng ấy.

Có một nhân tố quan trọng trong bóng đá gọi là mentality –“bản lĩnh tâm lý” mà không thông số nào đo đếm chính xác được. Tờ The Times của Anh năm 1982 viết: “Bản lĩnh của người Ý dựa trên niềm tin rằng đối phương sẽ không thể ghi bàn, do đó họ sẽ không thể thua”.

Frank Lampard, người từng được Ancelotti dẫn dắt ở Chelsea và Capello dẫn dắt ở tuyển Anh, thừa nhận: “Quan trọng họ có cái gọi là bản lĩnh chiến thắng. Đó là lý do họ giành rất nhiều danh hiệu. Phải thắng là con đường duy nhất với họ và không bao giờ chấp nhận chuyện lỏng lẻo hay yếu mềm”.

Y-Duc-10

 

Có một giả thuyết cho rằng người Ý chọn cách phòng ngự tiêu cực để bù đắp những thua thiệt về hình thể và kĩ năng chơi bóng so với đối thủ. Trong đầu họ lúc nào cũng nghĩ đến chuyện thắng thua, và sự ám ảnh ấy vô hình chung đã tạo nên một tâm lý thép cực kỳ vững vàng, tâm lý của những người “đi trên dây”, “liều ăn nhiều”.

Conte và các học trò đã chơi đúng như thế trước người Đức đêm qua. Dù bị dẫn trước và sở hữu đội hình gồm toàn những lão tướng, nhưng Conte kiên quyết không thay người cho đến tận phút 87.

Khoảng thời gian 10 phút sau bàn mở tỷ số của Ozil giống như một cuộc tra tấn về tinh thần với những người yêu Azzurri khi đội tuyển của họ tỏ ra bất lực trước khả năng cầm bóng và giữ thế trận siêu việt của đối thủ. Nhưng bằng một cách thần kỳ nào đó, Boateng bất ngờ mắc sai lầm và bàn gỡ hòa tới.

Mặc kệ những áp lực khủng khiếp đến từ đội đương kim vô địch thế giới, mặc kệ la ó từ khán đài và sự sốt ruột của những người theo dõi, cầu thủ áo xanh vẫn giữ được một sự bình tĩnh đến đáng kinh ngạc. Họ nhẩn nha khi có bóng, câu giờ khi có thể, lặp đi lặp lại những lên bóng đã được định sẵn bất chấp đối phương đã bắt bài Pelle kĩ thế nào.

duc-italia-07

 

Tinh thần cũng từng được coi là thế mạnh của bóng đá Đức. Nhưng rồi nó dần biến mất khi làn sóng la tinh hóa xuất hiện, nhường chỗ cho một thế hệ cầu thủ trẻ tuổi hơn, đẹp mã hơn, kĩ thuật tốt hơn. Ngay cả những cầu thủ mang tính biểu tượng như Schweinsteiger cũng không giữ được sự bình tĩnh trên chấm 11m, điều vốn được coi là đương nhiên ở thời kì của Effenberg hay Sammer.

Cái chất “cứng” vốn hiện rõ trên từng khuôn mặt ấy nay có lẽ chỉ tìm thấy ở Mario Gomez, người chơi cực hay trước khi bị thay ra bởi Draxler, và thủ thành Neuer.

neuer-01

 

Nhưng không phải lúc nào tinh thần thi đấu cũng bù đắp được cho sự chênh lệch về đẳng cấp. Người Đức rõ ràng đã chuẩn bị rất kĩ càng cho cuộc phục hận với Italia.

Họ gần như copy nguyên cách chơi của đối thủ trước Tây Ban Nha để tạo ra một cú “gậy ông đập lưng ông” hoàn hảo ngoại trừ cái tay của Boateng. Thầy trò Joachim Loew có thể không vững vàng tâm lý bằng đối thủ, nhưng họ pressing tốt hơn, chuyền hay hơn, có nhiều phương án tấn công hơn và trong bóng đá, như thế là quá đủ để đi tiếp.

Giờ là thời của người Đức.

Chí Thiện
Bình luận
vtcnews.vn