Đưa U23 Việt Nam đá V-League khó khả thi: Lợi bất cập hại

Bóng đá Việt NamThứ Ba, 05/07/2022 09:50:36 +07:00
(VTC News) -

Đưa U23 Việt Nam vào thi đấu V-League chưa chắc hiệu quả hơn cách làm hiện tại mà các lò đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam đang áp dụng.

Đề xuất đưa U23 Việt Nam vào thi đấu V-League xuất phát từ thực trạng các cầu thủ trẻ ít được trao cơ hội tại các câu lạc bộ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ngoài những yếu tố liên quan đến xung đột quyền lợi giữa các bên thì ngay từ khía cạnh chuyên môn, phương án này chưa chắc đã hiệu quả hơn cách làm hiện tại được những CLB, những lò đào tạo trẻ hàng đầu đang áp dụng.

Lợi bất cập hại

"Cấp độ thi đấu này quá khó. Các trận đấu đều khắc nghiệt và đòi hỏi nhiều về thể lực. Các cầu thủ sẽ phát triển thế nào đây khi họ chỉ phá bóng chứ không biết làm gì khác. Tôi từng làm việc với các cầu thủ trẻ và tôi biết điều gì là tốt cho họ", chuyên gia bóng đá Lim Teong Kim từng phản đối Hiệp hội bóng đá Malaysia (FAM) đưa đội tuyển trẻ tham dự giải chuyên nghiệp hạng hai.

Đưa U23 Việt Nam đá V-League khó khả thi: Lợi bất cập hại - 1

Hiệp hội bóng đá Malaysia (FAM) lập đội Skuad Projekt (áo đen) gồm các cầu thủ U21 để thi đấu ở giải hạng hai.

Ông Lim là cựu tuyển thủ quốc gia từng 60 lần khoác áo đội tuyển Malaysia. Vị chuyên gia này từng làm việc ở đội trẻ của Bayern Munich và phụ trách chương trình đào tạo tài năng trẻ của bóng đá Malaysia. Ông cho rằng việc đưa các cầu thủ trẻ chưa đủ trình độ và kinh nghiệm lên thi đấu chuyên nghiệp là cách làm phản khoa học, không hiệu quả thậm chí là phản tác dụng.

Theo HLV Lim Teong Kim, bê nguyên một đội hình trẻ lên thi đấu ở một cấp độ cao hơn khi họ chưa sẵn sàng không giúp tăng thời lượng thi đấu như nhiều người lầm tưởng. Khi phải so tài với những đối thủ hoàn toàn vượt trội về kinh nghiệm và các yếu tố kỹ thuật, họ hầu như không thể chơi bóng vì luôn ở thế bị dồn ép. Để minh họa cho quan điểm này, ông Lim chỉ ra vài trường hợp góp mặt trên sân 90 phút nhưng thời gian chạm bóng chỉ từ 5 giây đến 23 giây.

"Kinh nghiệm là thứ cần được tích lũy dần khi họ được chơi bóng, có đủ tự tin và sự thoải mái để biết dược phải làm gì trong tình huống như vậy", ông Lim giải thích.

"Đối với các cầu thủ trẻ, càng chạm bóng nhiều càng tốt vì điều đó sẽ giúp họ tăng thêm trải nghiệm, sự tự tin và điềm tĩnh. Họ biết phải giải quyết tình huống thế nào".

Lý do chính khiến các cầu thủ trẻ ít thời gian thi đấu ở cấp độ chuyên nghiệp xuất phát từ khả năng đáp ứng về mặt chuyên môn. Khi được trao cơ hội để có trải nghiệm, họ cũng cần những cầu thủ đàn anh hướng dẫn để biết cách ứng phó với tình huống. Ngay cả Hoàng Anh Gia Lai khi thanh lọc đội hình để đưa lứa Công Phượng lên V-League vẫn phải giữ lại một số cầu thủ đàn anh là Lê Hoàng Thiên, Khuất Hữu Long, Bùi Văn Long và Bùi Trần Vũ.

Giải pháp của bóng đá Việt Nam

Đối với các CLB, các trung tâm đào tạo trẻ, bài toán tăng thời lượng thi đấu cho các cầu thủ không phải bây giờ mới được đặt ra. Trên thực tế, một số giải pháp được cho là tốt trong hoàn cảnh đã được áp dụng trong vài năm qua, trong đó bao gồm cả việc đưa các cầu thủ lên cấp độ cao hơn bằng cách xen kẽ đội hình.

Đưa U23 Việt Nam đá V-League khó khả thi: Lợi bất cập hại - 2

Các trung tâm bóng đá trẻ hàng đầu có cách làm riêng để tăng thời lượng thi đấu cho cầu thủ trẻ.

Ví dụ, cầu thủ U17 được "trộn" vào đội hình U19 thi đấu các giải dành cho lứa tuổi U19 nếu không bị trùng lịch. Nhiều đội bóng có lực lượng trẻ dày sẽ tính việc cho mượn cầu thủ U19 tới các CLB hạng nhì - giải đấu sát với hệ thống chuyên nghiệp (gồm V-League và giải Hạng Nhất), đưa dần cầu thủ U21 sang các CLB Hạng Nhất.

Trung tâm bóng đá PVF áp dụng cách làm như vậy ngay từ lứa U11. Một số cầu thủ tốt lứa 2003 của PVF trong năm 2020 được chơi khoảng 40 trận chính thức, bao gồm đủ các trận của cấp độ U17, U19 và U21. Tính từ đầu năm 2022, cầu thủ thi đấu nhiều nhất của U17 PVF là Bùi Hoàng Sơn (2006) thi đấu tổng cộng 30 trận với thời gian góp mặt trên sân là hơn 1.300 phút. Hoàng Sơn là một trong số các tuyển thủ U16 Việt Nam đang chuẩn bị cho giải Đông Nam Á.

PVF làm cách này từ vài năm trước, khi HLV Philippe Troussier vẫn còn giữ chức Giám đốc kỹ thuật. Dù vậy, vị chuyên gia người Pháp không phải người nghĩ ra giải pháp này mà đây là ý tưởng được nhiều CLB khác có truyền thống đào tạo trẻ, như Hà Nội FC, Viettel hay SLNA... thực hiện từ lâu.

Nói như vậy để thấy rằng những người làm bóng đá trẻ ở Việt Nam không phải chưa tính đến bài toán tăng thời lượng thi đấu cho các cầu thủ bằng việc đưa lên cấp độ cao hơn. Thậm chí, những lò đào tạo trẻ hàng đầu như Hà Nội FC, Viettel và PVF tính toán rất kỹ lộ trình "thử lửa" cho từng lứa cầu thủ để họ có trải nghiệm ở cấp độ phù hợp.

Bên cạnh đó, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cũng luôn tìm cách để tăng thêm các giải đấu cho cấp độ trẻ trong điều kiện cho phép, ví dụ như việc mở thêm giải U17 Cúp Quốc gia (bao gồm cả vòng loại) từ năm 2020. Trên phương diện này, bóng đá Việt Nam có ngay một hình mẫu để học theo ở Thái Lan, nơi vừa công bố hệ thống giải quốc gia thể thức vòng tròn dành cho các lứa từ U18 trở lên. Đây mới là mô hình mà các nền bóng đá tiên tiến trên thế giới áp dụng.

Minh Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp