Đưa người bán dâm đi chữa bệnh: “Không khả thi”

Thời sựThứ Tư, 11/04/2012 12:03:00 +07:00

(VTC News) - UB TVQH cho rằng, xử phạt buộc khám, chữa bệnh đối với người có hành vi bán dâm không có tính khả thi, không phù hợp chính sách công bằng xã hội.

(VTC News) – UB TVQH cho rằng, hình thức xử phạt bổ sung buộc khám, chữa bệnh đối với người có hành vi bán dâm không có tính khả thi và không phù hợp chính sách công bằng xã hội.

Buổi làm việc đầu tiên của phiên thứ 7 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UB TVQH) hôm qua (10/4), thảo luận về dự án Luật xử lý vi phạm hành chính, trong đó, về quy định hình thức xử phạt bổ sung buộc khám, chữa bệnh đối với người có hành vi bán dâm trong dự luật này, Ủy ban TVQH rằng, quy định hình thức xử phạt bổ sung như trong dự thảo Luật không có tính khả thi và không phù hợp chính sách công bằng xã hội của Nhà nước ta.

Theo UB TVQH, các hoạt động mại dâm thường diễn ra chủ yếu vào ban đêm nên việc tạm giữ, quản lý và đưa người bán dâm đi khám bệnh, chữa bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn.

Hơn nữa các khoản chi phí khám, chữa bệnh cho người bán dâm trong dự thảo Luật chưa quy định rõ ai sẽ phải chi trả. Nếu chi trả bằng ngân sách nhà nước thì không bảo đảm công bằng xã hội, vì hiện nay còn có nhiều đối tượng cần được ưu tiên hỗ trợ kinh phí khám chữa bệnh nhưng điều kiện kinh tế-xã hội chưa đáp ứng được.

Mặt khác, quy định của dự thảo Luật không thống nhất với quy định của Luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm năm 2007, vì các bệnh lây truyền qua đường tình dục thuộc nhóm C gồm các bệnh ít nguy hiểm, khả năng truyền bệnh không cao, không được ngân sách nhà nước chi trả (ngân sách nhà nước chi trả các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A).

Do đó, UB TVQH đề nghị không quy định hình thức xử phạt bổ sung này và cần đẩy mạnh công tác truyên truyền, giáo dục pháp luật, có biện pháp phòng ngừa, phù hợp với tình hình hiện nay.

Chưa “ngã ngũ” mức phạt vi phạm hành chính tối đa 2 tỷ đồng

Nhiều ý kiến tán thành với quy định tại dự thảo Luật là:“Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính là từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân, đến 2.000.000.000 đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại luật khác”.

Thảo luận về quy định xử phạt vi phạm hành chính, một số ý kiến đề nghị quy định mức phạt tiền chung tối đa đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức (Ảnh minh họa) 
Theo đó, và cho rằng việc tăng mức phạt tiền tối đa là cần thiết, nhằm đảm bảo tính răn đe, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính. Hơn nữa, việc phân định mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 1.000.000.000 đồng, đối với tổ chức là 2.000.000.000 đồng là hợp lý vì tổ chức không bị xử lý hình sự.

Thảo luận về quy định này, có ý kiến cho rằng mức tiền phạt bổ sung quy định trong dự thảo Luật là quá thấp, đề nghị tăng mức phạt tiền tối thiểu lên 100.000 đồng hoặc 1.000.000 đồng. Nhưng UB TVQH cho rằng pháp lệnh hiện hành quy định mức phạt tiền tối thiểu là 10.000 đồng, nay dự thảo Luật nâng lên 50.000 đồng (tăng gấp 5 lần) là phù hợp.

Một số ý kiến khác cho rằng mức phạt tối đa 2.000.000.000 đồng là quá cao, không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, không phù hợp với mức phạt tiền trong Bộ luật hình sự, mức phạt tiền cao dễ dẫn đến tiêu cực.

Nhưng đa số ý kiến UB TVQH Quốc hội nhận thấy, việc tăng mức phạt tiền tối đa là cần thiết. Thậm chí, với mức phạt tối đa 2.000.000 đồng, một số ý kiến vẫn đề nghị tăng nặng hơn. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng, mức tiền phạt tối đa là 2.000.000.000 đồng chưa đủ sức răn đe đối với các tổ chức vi phạm. Đặc biệt là đối với trường hợp vi phạm trong lĩnh vực môi trường, hành vi vi phạm tác động xấu đến cả một cộng đồng dân cư lớn, phạm vi sản xuất rộng, ảnh hưởng đến đời sống của một khu vực dân cư.

Nội dung này, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, mức phạt đến 2.000.000.000 đồng áp dụng đối với tổ chức vi phạm là mức cao nhất có thể. Tuy nhiên để đủ sức răn đe đối với các vi phạm về môi trường, tài nguyên, đất đai, ngoài mức phạt tiền trên, dự thảo Luật còn quy định việc tổ chức vi phạm phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra. Đây chính là hình thức phù hợp, quy định trách nhiệm của đối tượng vi phạm.

Một số ý kiến đề nghị quy định mức phạt tiền chung tối đa đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức là phù hợp và cho rằng, hành vi vi phạm hành chính là căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính, do đó, không nên phân định mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức nếu có cùng hành vi vi phạm.

Hơn nữa, không nên căn cứ vào việc tổ chức không bị truy cứu trách nhiệm hình sự để nâng mức phạt tiền cao hơn so với cá nhân, vì trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính không tương ứng với hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật hình sự mà tổ chức vẫn phải chịu mức phạt tiền cao hơn gấp 2 lần so với cá nhân là không bình đẳng.

Do còn có ý kiến khác nhau về mức phạt tiền, UB TVQH thiết kế 2 phương án để xin ý kiến Quốc hội, theo đó, phương án 1: “Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính là từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân, đến 2.000.000.000 đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại luật khác”; Phương án 2: Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính là từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, trừ trường hợp quy định tại luật khác”.

Một nội dung khác trong dự luật quy định về xử lý tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định đối với trường hợp tang vật, phương tiện bị sử dụng trái phép để vi phạm hành chính được trả lại cho chủ sở hữu. Tuy nhiên, có ý kiến không đồng tình bởi vướng các quy định pháp luật khác.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, việc tịch thu tang vật vi phạm là cần thiết vì phương tiện bị tịch thu là do bị chiếm đoạt sử dụng trái phép mà chủ sở hữu cũng có lỗi trong việc để người vi phạm sử dụng. Nhưng Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng, không nên quy định tịch thu tang vật bởi để tăng sức răn đe thì nên bổ sung quy định khác.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn