Dưa hấu dồn ứ ở cửa khẩu Tân Thanh, những lý giải bất ngờ

Kinh tếThứ Ba, 01/04/2014 02:20:00 +07:00

(VTC News)-Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã đưa ra nhiều lý giải xung quanh việc hàng nghìn xe tải chở dưa hấu ứ đọng ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn.

(VTC News)- Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã đưa ra nhiều lý giải xung quanh việc hàng nghìn xe tải chở dưa hấu ứ đọng ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn trong thời gian vừa qua.

Thông quan hạn chế

Sáng 1/4, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời chất vấn ĐB Quốc hội tại UBTVQH về việc xử lý tình trạng thương lái nước ngoài mua vét nguyên liệu nông sản, thủy, hải sản.

Tình trạng hàng nghìn xe tải chở dưa hấu và nông sản nối đuôi nhau xếp dài hàng chục km chờ được xuất hàng vẫn tiếp diễn tại Lạng Sơn khiến dư luận hết sức lo ngại.

Trong khi đó, nhiều xe dưa đã xuất nhưng bị thương lái Trung Quốc trả về hàng tấn do dưa đã héo, úng thối. Nhiều xe bán chỉ với giá rẻ mạt chưa đến 1.000 đồng/kg tại cửa khẩu nhưng không có người mua.
Dưa hấu ở tân thanh
Không xuất được, dưa hấu bán tháo ở cửa khẩu, không ai mua (Ảnh: Tiền Phong)

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) có đặt câu hỏi “liệu bao giờ hết cảnh xe chở dưa hấu xếp dài hàng chục km ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) chờ thông quan?”

Bộ  trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận tình hình dưa hấu ứ đọng tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) đã diễn ra nhiều năm nay khiến người dân hết sức lo lắng.

Bộ  trưởng Vũ Huy Hoàng lý giải, do mặt hàng dưa hấu chỉ xuất khẩu qua Trung Quốc và cũng chỉ xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), trong khi đó, đây không phải là cửa cẩu chính nên hạn chế về năng lực thông quan.

“Với địa thế hẹp, chật chội nên dù được đầu tư nhiều từ ngân sách trung ương, địa phương nhưng mặt bằng, kho bãi của cửa khẩu Tân Thanh cũng không được cải thiện nhiều”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nêu lên thực tế.

Lãnh đạo Bộ Công thương cũng cho biết, một ngày cửa khẩu Tân Thanh chỉ làm thủ tục thông quan được cho khoảng 300 xe dưa hấu trong khi đó, có lúc lên tới 1.800 xe cần giải quyết.

Một khó khăn nữa là do bên phía Trung Quốc không cho nhập dưa hấu qua các cửa khẩu khác với lý do điều kiện cơ sở vật chất không đủ để phục vụ.

“Năm nay do dưa hấu được mùa, người dân lại muốn tiêu thụ nhanh. Ban đầu giá tốt nên người dân miền Trung cũng chở dưa hấu ra cửa khẩu phía Bắc nên gây tình trạng ứ đọng kéo dài”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lý giải thêm.

Bên cạnh đó, nhiều tư thương Việt Nam còn làm ăn theo hướng tùy tiện khi chở dưa lên biên giới dù không biết có ký được hợp đồng hay không.  Nhiều chủ xe dưa đã sang bên kia biên giới nhưng chưa tìm được khách hàng dẫn tới tình trạng bị thương lái Trung Quốc ép giá.

Bộ trưởng Công thương cũng thông tin, hiện tại tình trạng này cơ bản đã được giải quyết do đã có nhiều biện pháp kịp thời. Trong đó, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính để chỉ đạo lực lượng Hải quan mở cửa thêm 4 tiếng ( đến 21h ) và thống nhất với phía Trung Quốc làm việc cả thứ 7, Chủ nhật để các xe hàng được thông quan.

Thu mua ồ ạt nông sản

Cũng liên quan đến các mặt hàng nông sản, Đại biểu Mã Điền Cư – Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm quản lý của nhà nước khi thương lái nước ngoài ồ ạ thu mua nông sản làm rối loạn thị trường.

 “Có buông lỏng không, trách nhiệm của Bộ trưởng, giải pháp ra sao, khi nào khắc phục được?” – Đại biểu Mã Điền Cư liên tiếp đặt câu hỏi.
Một thương nhân Trung Quốc (bên phải) giao dịch với người dân địa phương - Ảnh: Thanh Niên. 
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận, hiện tượng thương lái nước ngoài thu gom nông, thủy, hải sản là có thật và cũng có trách nhiệm của Bộ Công thương.

Tuy nhiên, khi xuất hiện thông tin về việc thương lái nước ngoài mua vét nguyên liệu nông sản, thủy, hải sản diễn ra trên địa bàn cả nước, gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh.

Với tinh thần khẩn trương, tích cực, Bộ Công Thương đã chủ động kiểm tra và kịp thời chỉ đạo theo dõi chặt chẽ hoạt động của thương lái nước ngoài thu mua nông, thủy sản trên địa bàn.

“Thời gian gần đây, hoạt động này đã dần đi vào ổn định không xuất hiện những hiện tượng phức tạp gây nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng đến bà con nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thông tin.

Trong 3 tháng đầu năm 2014, trên các phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin về một số hiện tượng thu mua nông sản của thương lái nước ngoài như: thu mua cây huyết đằng tại tỉnh Kon Tum; thu mua lá khoai lang tại tỉnh Vĩnh Long; thu mua cây Culi, cây lông khỉ (cây kim mao cẩu tích) tại Nghệ An; Thu mua mầm thảo quả tại Hà Giang...

Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, theo báo nhanh của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum thì trên địa bàn không có hiện tượng thương lái người Trung Quốc tổ chức thu mua cây huyết đằng, mà chỉ có các đại lý thu mua cây huyết đằng là người địa phương đứng ra thu mua cho bà con đi rừng về.

Trong khi đó, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long cho biết trên địa bàn có thương lái người Trung Quốc đứng ra thu mua lá khoai lang với số lượng lớn, không giới hạn.

Tuy nhiên chính quyền địa phương đã phối hợp với các ban, ngành tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài, những tác hại của việc bán lá khoai lang non.

Do đó nông dân đã không tiến hành việc mua bán với thương lái người Trung Quốc.

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An cho biết, hiện nay không có thương nhân (cá nhân) người Trung Quốc thu mua thu mua cây Culi, cây lông khỉ (cây kim mao cẩu tích) trên địa bàn huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An, hiện tượng nêu trên đã diễn ra từ năm 2013 và nay không còn xảy ra.

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang cũng khẳng định không có hiện tượng thương nhân Trung Quốc thu mua thảo quả trên địa bàn

“Nhờ có sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Công Thương, các cơ quan ban ngành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản trên địa bàn, trên cơ sở đó phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo bình đẳng, hợp pháp trong sản xuất, kinh doanh và đảm bảo lợi ích cho người nuôi trồng.

Đến nay, tình hình hoạt động thu mua nông sản, thủy sản về cơ bản đã trở lại bình thường”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng kết luận.


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn